Ảnh minh họa: Reuters
Israel là quốc gia mới nhất phải tái phong tỏa toàn quốc do dịch Covid-19. Phát biểu tại cuộc họp nội các đặc biệt, Thủ tướng Benjamin Netanyahu hôm qua (6/7) thừa nhận, dịch Covid-19 đang lây lan nhanh với số ca mắc tăng mạnh mỗi ngày và nhiều trường hợp bệnh nặng.
“Rõ ràng dịch bệnh đang lây lan mạnh, với số ca mắc gia tăng hàng ngày và nhiều ca bệnh nặng. Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, chúng ta sẽ có hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn ca nghiêm trọng trong những tuần tới và dẫn đến làm tê liệt hệ thống y tế của chúng ta. Do đó, chúng ta phải hành động ngay bây giờ để tránh phải thực hiện những biện pháp thậm chí còn hà khắc hơn”.
Còn tại Australia, lần đầu tiên trong 100 năm qua, nước này hôm nay buộc phải đóng cửa biên giới vô thời hạn giữa hai bang đông dân nhất nước là Victoria và New South Wales. Biện pháp chưa từng có này là nhằm khống chế dịch và hạn chế những tác động không mong muốn tới các nỗ lực phục hồi kinh tế. Xứ sở chuột túi đang hứng chịu đợt suy thoái đầu tiên trong gần ba thập niên.
Còn tại châu Âu, nơi dịch bệnh dường như đã được kiểm soát, thì sự xuất hiện của các ổ dịch mới đang khiến chính phủ nhiều nước lo ngại và buộc phải áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế.
Trong khi đó, Mỹ tiếp tục là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 về cả số ca mắc và tử vong. Virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 130.000 người tại nước này, trong khi hôm qua (6/7) cũng chứng kiến sự gia tăng kỷ lục số ca mắc, với gần 55.000 người chỉ trong 1 ngày. Số ca mắc bệnh tại Mỹ gia tăng mạnh trở lại trong những ngày gần đây sau khi các biện pháp hạn chế dần được nới lỏng. Nhiều bang có số ca mắc mới tăng mạnh đã buộc phải trì hoãn các kế hoạch mở cửa.
Người đứng đầu cơ quan khẩn cấp Tổ chức Y tế thế giới Michale Ryan tiếp tục kêu gọi chính quyền các nước trên thế giới không được buông lỏng cảnh giác: "Virus vẫn có thể lây lan mạnh ngay cả khi 20% dân số thế giới có kháng thể. Chúng ta thực sự phải gia tăng gấp đôi các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh hiện nay, cần ngăn chặn dịch bệnh lây lan để giảm số ca mắc và tử vong do virus SARS-CoV-2”.
Các chuyên gia tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang xem xét lại những đánh giá về con đường lây truyền của virus SARS-CoV-2. Trước đó, ngày hôm qua, hơn 230 nhà khoa học đã kêu gọi cơ quan y tế Liên Hợp Quốc này cập nhật lại hướng dẫn liên quan đến khả năng virus SARS-CoV-2 lây truyền qua không khí.
WHO tới nay vẫn cho rằng virus lây lan từ người qua người chủ yếu thông qua các giọt bắn từ mũi, miệng khi con người ho, hắt hơi hay nói chuyện. Bên cạnh đó, còn có nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc với các bề mặt nhưng với tỷ lệ ít hơn. Tuy nhiên, trong thư gửi đến WHO, các nhà khoa học tại 32 nước khẳng định có chứng cứ cho thấy virus SARS-CoV-2 có trong những hạt nhỏ hơn giọt bắn ra từ đường hô hấp, và tồn tại lâu trong không khí. Nếu được chứng minh, thì con đường lây truyền này cũng giải thích cho những trường hợp lây truyền từ người mắc Covid-19 không có triệu chứng./.