Vào ngày 11/3, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra tuyên bố chính thức, coi dịch viêm phổi do viurs corona mới (Covid-19) là đại dịch toàn cầu.
Đây là đại dịch đầu tiên do virus corona gây ra, ông Ghebreyesus nhấn mạnh.
Đại dịch là gì?
Theo Tân Hoa Xã (Trung Quốc), đại dịch (pandemic) là một trong những cấp độ xếp loại của WHO về bệnh cúm. WHO vốn phân loại cúm thành sáu cấp độ, trong đó mức cao nhất là đại dịch, được định nghĩa là sự bùng phát của virus cúm ở ít nhất một quốc gia khác - bên ngoài quốc gia tâm dịch, cho thấy loại virus này đang lan rộng khắp các quốc gia.
Về mặt khái niệm, đại dịch tại thời điểm đó đề cập đến phạm vi của virrus cúm, chứ không phải mức độ nghiêm trọng và tỉ lệ tử vong của dịch. Năm 2009, dịch cúm H1N1 ở Mỹ và Mexico được WHO xếp vào danh sách đại dịch mặc dù dịch cúm này đã lan rộng trên toàn thế giới, nhưng tỷ lệ tử vong thấp.
Do đó, trang thông tin chính thức của WHO năm 2010 đã đưa ra một định nghĩa đơn giản về đại dịch, đó là "một căn bệnh mới đang lan rộng trên toàn cầu". Ví dụ, đại dịch cúm là sự lây lan của một loại virus cúm mới trên toàn thế giới và hầu hết người dân không có khả năng miễn dịch với virrus này.
Theo CNN, các tiêu chí cụ thể cho một đại dịch không được xác định phổ biến nhưng có ba tiêu chí chung: một loại virus có thể gây bệnh hoặc tử vong; duy trì lây truyền từ người sang người và bằng chứng lan truyền khắp thế giới.
Theo Tân Hoa Xã, hiện nay, WHO không còn sử dụng 6 thang phân loại nêu trên để đánh giá các bệnh truyền nhiễm như cúm, mà thay vào đó đổi thành 4 giai đoạn chính.
Trong cuộc phỏng vấn cuối tháng 2 vừa qua, Phát ngôn viên WHO Tarik Jasarevic cho biết, WHO không còn sử dụng hệ thống cũ này nhưng thế giới vẫn sử dụng thuật ngữ đại dịch để mô tả sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm trên toàn cầu.
Mặc dù tuyên bố Covid-19 là đại dịch nhưng Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh, mô tả tình hình là đại dịch không làm thay đổi đánh giá của tổ chức này về mối đe dọa của virus corona chủng mới và không thay đổi những biện pháp WHO đang thực hiện cũng như những biện pháp mà các quốc gia nên làm.
WHO vẫn tiếp tục thúc giục các quốc gia phát hiện, kiểm tra, điều trị, cách ly và theo dõi sức khỏe người dân.
Tiến sĩ Nathalie MacDermott, Giảng viên lâm sàng tại King's College London nhận định, việc thay đổi thuật ngữ sẽ không ảnh hưởng tới bất cứ biện pháp thực tế nào mà thế giới đã được cảnh báo trong vài tuần qua để chuẩn bị cho một đại dịch.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuật ngữ này làm nổi bật tầm quan trọng trong việc hợp tác và chia sẻ cởi mở giữa các quốc gia, cùng nhau trở thành một mặt trận thống nhất trong nỗ lực kiểm soát tình hình chung.
Giáo sư Nigel McMillan, Viện Sức khỏe Menzies, Queensland thì cho rằng, WHO tuyên bố đại dịch đồng nghĩa các cơ quan y tế cần chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.
"Bao gồm chuẩn bị cho các bệnh viện có thể tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhân, dự trữ bất kỳ loại thuốc chống virus nào và khuyên người dân rằng đã đến lúc, họ sẽ cần suy xét về những biện pháp đảm bảo sức khỏe như ở nhà nếu bị bệnh, tránh tụ tập đông người v.v...", ông McMillan nói.
Ông này cho biết, đây có thể là phần khó khăn nhất đối với nhiều chính phủ - khuyến khích người dân thay đổi hành vi của họ, chẳng hạn như hủy bỏ, không đến các sự kiện lớn nếu đang bị bệnh.
Theo Theo Tri thức trẻ