Xét nghiệm trước sinh, bác sĩ nói nguy cơ con bị down cao, tôi vẫn sinh con khỏe mạnh

Những ngày gần đây, trên một hội kín của các mẹ có dự định sinh con tại một bệnh viện ở Hà Nội, có một bài viết bày tỏ nỗi hoang mang, lo lắng và sợ hãi của một bà mẹ trẻ khi cô ấy làm xét nghiệm triple test và cho ra kết quả xấu. Bé gà trong bụng mẹ của cô, có nguy cơ bị down cao. Bài viết này đã nhận được sự đồng cảm, chia sẻ và tư vấn của rất nhiều mẹ bỉm sữa.

Là một người mẹ đã từng rơi vào tình huống đó, tôi xin viết lại đôi dòng để kể về trường hợp của bản thân mình. Hy vọng những mẹ đang ở trong tình huống như thế này, sẽ có thêm kiến thức để đưa ra sự lựa chọn tốt nhất cho mình và con. 

Lúc ấy, tôi  làm xét nghiệm với tinh thần lạc quan, nghĩ chỉ là làm cho đủ thủ tục, giúp bản thân yên tâm hơn khi mang thai. vì cả hai vợ chồng tôi đều còn rất trẻ (25 tuổi), tiền sử gia đình không có ai mắc bệnh, trong quá trình mang thai, tôi cũng không sử dụng bất kì loại thuốc nào gây hại cho thai nhi. Khi tôi mang bầu bé đầu được 16 tuần, tôi có làm xét nghiệm triple test tại Phòng khám đa khoa T.T (125 Thái Thịnh). Đây là nơi tôi theo khám từ những ngày đầu phát hiện có thai. Tại đây, tôi đã làm tripple test theo khuyến nghị của bác sĩ.

Nhưng sau đó 1 tuần, khi phòng khám gọi điện tới lấy kết quả, tôi đã hết sức bàng hoàng, sợ hãi vì bé nhà tôi có nguy cơ bị down cao (1/89). Mặc dù trước đó, khi siêu âm độ mờ da gáy ở tuần thứ 12, chỉ số hoàn toàn bình thường. 

Ở lần xét nghiệm đầu tiên, con của tôi có nguy cơ bị down cao (Ảnh: NVCC)

Ngay lập tức, tôi nghĩ tới việc xét nghiệm mà tôi vừa thực hiện cho kết quả không chính xác nên muốn làm một kết quả khác. Lần này, tôi không chọn phòng khám này nữa mà quyết định tự mình tới tận nơi có thể làm xét nghiệm để lấy máu. Vì phòng khám TT chỉ lấy mẫu máu và chuyển sang nơi khác để làm xét nghiệm. 

Tôi tự mình đi xe tới một bệnh viện của TP, với mong muốn có kết quả nhanh và tốt hơn so với kết quả tôi nhận được vào buổi sáng. Sau khi lấy máu vào tầm 11 giờ trưa thì buổi chiều cùng ngày, tôi được hẹn lấy kết quả. Lần này, nguy cơ bị down của bé nhà tôi đã hoàn toàn biến mất. Cú sốc vì lo lắng, sợ hãi về việc con có nguy cơ bị down của tôi do kết quả tồi tệ buối sáng mang lại tạm thời chìm xuống.

Lần xét nghiệm thứ 2, con của tôi có nguy cơ bị down rất thấp (Ảnh: NVCC)

Buổi tối hôm đó, khi chồng đi làm về, tôi đã ngay lập tức chia sẻ về 2 xét nghiệm này triple test này. Chồng tôi có động viên là xét nghiệm triple test chỉ đưa ra dự đoán xác suất. Và cứ cho là kết quả ban đầu là hoàn toàn chính xác thì tôi vẫn có tới 88 cơ hội sinh con khỏe mạnh vì nguy cơ ban đầu là 1/89.

Thế nhưng, nếu điều không may mắn đó, rơi vào chính tôi thì sao? Khi chồng đã đi ngủ, tôi vẫn lọ mọ search mạng, tìm hiểu về xét nghiệm triple test với mong muốn tìm kiếm cho mình một cột bám vững chắc hơn, giúp tôi có thể yên tâm sinh bé.

Quả thực, lúc đó, cái ý nghĩ sinh con bị down khiến tôi sợ tới chỉ mong kết quả xét nghiệm đầu tiên là sai. Tôi không dám nghĩ tới việc  nếu đúng là con bị down thì tôi có đủ dũng cảm để sinh con ra hay không nhưng bỏ đi đứa con bé bỏng vẫn đang thành hình của mình là điều mà tôi không muốn.  
    
Nằm trằn trọc cả đêm, hôm sau, mình đi làm muộn. Sếp hỏi lí do, tôi khóc tu tu, kể lại câu chuyện đi làm xét nghiệm, kết quả tệ thế nào. Sếp của tôi là nữ nên rất tâm lí. Nghe xong, chị ấy hỏi tôi một câu làm tôi suy nghĩ mãi: “Nếu đúng là con bị dị tật như thế, em có sinh con không? Nếu em sinh con, em có nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ từ chồng, gia đình chồng không? Nếu không có sự đồng cảm từ chồng, từ gia đình, em sẽ làm gì?”. Tôi im lặng, không biết trả lời sao, chỉ thở dài bảo “Em sẽ suy nghĩ kĩ về câu hỏi của chị”.

Sau đó, tôi vẫn quyết định ra Bệnh viện phụ sản Trung ương làm thêm một xét nghiệm triple test nữa để làm căn cứ quyết định. May mắn, xét nghiệm tại sản C cho kết quả tốt. Tôi cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều. 

Tuy nhiên, những ngày sau đó, tôi vẫn không ngừng tìm kiếm các thông tin về xét nghiệm triple test, đọc bất cứ chia sẻ nào của các mẹ bỉm sữa về nó. Trong đó, có một số mẹ cũng rơi vào hoàn cảnh như tôi, có các kết quả xét nghiệm triple test khác nhau và cũng có nhiều mẹ mặc dù có kết quả nguy cơ sinh con bị down cao nhưng lại sinh con bình thường, khỏe mạnh. Và một số mẹ, khi xét nghiệm có nguy cơ cao, sau khi siêu âm ở tuần thứ 22, nếu có dấu hiệu bất thường, có thể làm thêm xét nghiệm sinh thiết gai nhau hoặc chọc ối.

Vì thế, ở tuần 22, khi đi siêu âm 4D tại Phòng khám đa khoa - nơi bác sĩ có tay nghề khá cao và nổi tiếng siêu âm cẩn thận, có tâm làm, tôi đã trình bày về hoàn cảnh của mình. Anh rất thông cảm và trong quá trình siêu âm, anh chỉ rất cẩn thận cho tôi. Nào là nếu con bị down thì trán sẽ ngắn như nào, ngón chân cái và các ngón còn lại rời nhau ra sao... Và may mắn làm sao, con gái bé bỏng của mình hoàn toàn không có dấu hiệu nào cho thấy bé có nguy cơ bị down. Tới tận lúc này, tôi mới thực sự thở phào nhẹ nhõm, trút bỏ gánh nặng mang trong đầu suốt 6 tuần qua, từ khi nhận được kết quả xét nghiệm triple test đầu tiên.

Nhiều người nói với tôi rằng số tiền mà tôi bỏ ra để làm xét nghiệm triple test thật lãng phí, chẳng giúp được điều gì, thậm chí còn gây hoang mang, mệt mỏi cho tôi và cả chồng của tôi. Tuy nhiên, là người trong cuộc, đã trải qua quãng thời gian khó khăn khi xét nghiệm, tôi thấy nó không hoàn toàn vô nghĩa. Tôi đã thử đặt mình vào trong tình huống con gái của tôi bị down và đưa ra những dự định của mình, cố gắng chuẩn bị tâm lí cho bản thân, cho chồng. Và bây giờ, mỗi khi con ốm, sốt..., đối diện với mệt mỏi, lo lắng về sức khỏe của con, tôi có thể tự an ủi mình “Mọi chuyện đã có thể tệ hơn thế rất nhiều”.

Tôi nhận thấy rằng xét nghiệm triple test không thần thánh tới mức giúp bạn biết được tất cả các nguy cơ dị tật có thể có ở con của bạn. Thậm chí, nó còn có thể cho kết quả dương tính giả. Nghĩa là con bạn hoàn toàn bình thường nhưng nó có lại báo con bạn có nguy cơ, như con gái của mình. Nhưng không phải nó luôn sai và chẳng có tác dụng gì. Bởi có nhiều mẹ đã xét nghiệm, đã chọc ối và đúng là con bị down. Trong trường hợp bạn có nguy cơ, hãy nghe tư vấn của bác sĩ về sàng lọc sinh thiết gai nhau, về chọc ối và quyết định có làm không.

Điều quan trọng là, người mẹ và gia đình sẽ có sự chuẩn bị tâm lý khi có ý định sinh con, có sức mạnh để đối diện với những khó khăn về kinh tế, về tinh thần. Người mẹ được báo trước về những điều cần làm cho con chứ không bị động, không bị sốc. Vì con cần mẹ mạnh mẽ, cần mẹ luôn ở bên con... 

Là xét nghiệm nhằm phát hiện các thai có nguy cơ cao bị dị tật bẩm sinh, Triple test là loại xét nghiệm sàng lọc sử dụng máu mẹ để tìm hiểu nguy cơ một số rối loạn bẩm sinh ở thai.

   Triple test còn được gọi là bộ 3 xét nghiệm, bởi vì chúng cho biết 3 chỉ số: hCG, AFP và estriol.

   - AFP (alpha-fetoprotein) là protein được sản xuất bởi bào thai.

   - hCG: một loại hormone được sản xuất trong nhau thai.

   - Estriol: là một estrogen (một dạng hormone) được sản xuất bởi cả bào thai và nhau thai.

   Xét nghiệm thường được thực hiện trong tuần thứ 15-20 của thai kỳ, bằng cách phân tích mẫu máu của mẹ. Do đó, nó không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Kết quả xét nghiệm có thể được trả lại cho thai phụ vài ngày sau đó.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU