Xử lý thế nào với trường hợp thí sinh lỡ thi, bỏ dở 12 năm đèn sách do bị 'tai biến, mất người thân'?

Bị tai biến mạch máu não phải nhập viện cấp cứu, bỏ thi giữa chừng về lo đám tang cho bố... là những lý do không mong muốn khiến các thí sinh bỏ thi.

Lỡ thi môn cuối vì tai biến mạch máu não

Ngày 27/6, thí sinh Trần Hoài Nam (19 tuổi, thường trú tại xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tại Hội đồng thi THPT Trần Phú.

Sau khi hoàn thành 2 môn Lịch Sử và Địa Lý, chuẩn bị bước vào môn thi giáo dục công dân, thí sinh này có dấu hiệu buồn nôn, chóng mặt khó nói và liệt nửa người.

Ngay lập tức, các giám thị và Hội đồng thi đưa em xuống phòng y tế của nhà trường để sơ cứu, sau đó gọi xe cấp cứu chuyển thẳng tới Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ.

 

Sau khi được cấp cứu, qua cơn nguy kịch, bệnh nhân được chuyển vào Bệnh viên Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh và tiếp tục được chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội để điều trị.

Theo người nhà của thí sinh Nam thì em có tiền sử dị dạng mạch máu não, năm 2017 đã được phẫu thuật mạch máu não ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Có thể do trời nắng nóng, thí sinh căng thẳng trong lúc dự thi nên bệnh cũ tái phát.

Bỏ thi giữa chừng về lo đám tang cho bố

Ngày 24/6, ông Nguyễn Ngọc Bang (47 tuổi, trú xã Hương Lâm, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đưa con gái là Nguyễn Diệu Linh (học sinh lớp 12A Trường THPT Phúc Trạch) đến điểm thi làm thủ tục dự thi THPT Quốc gia.

Sau khi trở về nhà, ông Bang vào cánh rừng gần nhà để thả lưới bắt cá. Sau đó, do không thấy ông trở về nhà nên mọi người mới tá hỏa đi tìm kiếm thì phát hiện thi thể ông ở cạnh bờ suối.

Ông Bang, bị xơ gan và bệnh tim hơn 10 năm nên nguyên nhân khiến ông thiệt mạng có thể do trong lúc vào rừng thả lưới bắt thì bệnh tim tái phát.

Nhận được tin bố qua đời, Linh bỏ thi THPT Quốc gia trở về lo đám tang cho bố.

Trưa 25/6, thí sinh Nguyễn Diệu Linh đi thi về mới biết hung tin nên bỏ kỳ thi THPT Quốc gia giữa chừng để ở nhà lo đám tang cho bố.

Được biết, hoàn cảnh gia đình của Diệu Linh thuộc diện đặc biệt khó khăn. Sau nữ sinh này còn có hai em nhỏ. Hiện chính quyền địa phương đang phối hợp với gia đình, nhà trường làm đơn xin đặc cách tốt nghiệp cho nữ sinh này.

Bỏ thi vì cha đâm chết mẹ

Trưa 25/6, ông Tô Văn Mai (47 tuổi, trú thôn Phú Cốc Tây, xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức) cùng vợ là bà Võ Thị Bảy (45 tuổi) bàn chuyện lo đám giỗ cha mẹ. Do phát sinh mâu thuẫn, lời qua tiếng lãi nên ông Mai cầm dao đâm bà Bảy khiến nạn nhân thiệt mạng dù được nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Trường Trần Phú - nơi em Phú theo học đang lập hồ sơ xem xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho em Tô Văn Phú

Chứng kiến cảnh tượng đau lòng trên, cậu con trai là Tô Văn Phú không thể tiếp tục tham gia kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Em mới chỉ hoàn thành bài thi môn Văn vào sáng 25/7. Ước mơ trở thành kỹ sư điện của nam sinh cũng khó thành hiện thực.

Ngày 26/6, Công an tỉnh Quảng Nam tạm giữ ông Tô Văn Mai để điều tra về hành vi Giết người.

Sở GD-ĐT đang tính tới phương án xem xét đặc cách cho Phú tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, với học lực trung bình và hạnh kiểm Khá, môn Văn của Phú phải đạt ít nhất 5 điểm thì mới được đặc cách tốt nghiệp.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh được xét đặc cách tốt nghiệp THPT trong trường hợp sau:

- Bị tai nạn, bị ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt trước ngày thi không quá 10 ngày hoặc ngay trong buổi thi đầu tiên, không thể dự thi. Điều kiện là học lực và hạnh kiểm của cả năm lớp 12 xếp loại khá trở lên, có đủ giấy tờ liên quan và biên bản đề nghị đặc cách tốt nghiệp THPT của trường nơi đăng ký dự thi.

- Bị tai nạn, bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt sau khi đã thi ít nhất một bài thi và không thể tiếp tục dự thi. Hoặc sau khi bị tai nạn, bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt tự nguyện dự thi số bài thi còn lại. Trong trường hợp này, điểm của những bài đã thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT đều đạt 5 trở lên, xếp loại học lực lớp 12 từ trung bình, hạnh kiểm khá trở lên.

Thí sinh cần gửi đơn đề nghị xét đặc cách, xác nhận của chính quyền địa phương và các giấy tờ liên quan.

 

Theo Trí thức trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU