Xuân Bắc: ‘Tôi không đủ tuổi để chê Bắc Đẩu Công Lý’

Nhắc đến Công Lý, Xuân Bắc khẳng định đó là một bạn diễn tài năng và anh không đủ tuổi để chê.

- Xem lại Táo Quân của 15 năm trước, không khó để nhận ra những nét diễn rất hồn nhiên của anh, Công Lý , Tự Long hay Vân Dung. 15 năm sau, nét hồn nhiên ấy đã được thay thế bằng sự trải đời đến từng câu thoại?

- Các cụ có câu “Khôn đâu tới trẻ, khỏe đâu tới già”, đương nhiên là đúng như thế rồi. 15 năm trước, chúng tôi rất hồn nhiên. Nhưng sự hồn nhiên ấy đến một thời điểm nào đó sẽ là không an toàn, vì không thể đảm bảo được tiết tấu của chương trình.

Bây giờ, chúng tôi đã có kinh nghiệm trong việc chuyển tải nội dung nhưng bù lại, sức khỏe cũng đã khác. Khó thuộc thoại hơn là có. Nhưng suy cho cùng, đó là sự bù trừ, hai cái đều có mặt mạnh và mặt yếu cả.

- Anh và nhiều nghệ sĩ đã có “thanh xuân”, hay nói đúng hơn là cả tuổi trẻ ở Táo Quân. Nhưng khi tuổi trẻ đã phần nào qua đi, mà như chính anh thừa nhận về việc “khó thuộc thoại”, phải chăng một cuộc chuyển giao đã thực sự cần thiết?

- Tôi là một trong những người trẻ nhất nhóm, giờ cũng đã ngoài 40 tuổi. Từ lâu, chúng tôi cũng muốn có các em trẻ lên để kế tiếp. Mọi người thấy năm nay dàn thiên lôi rất đông. Dần dần, ai cũng thế thôi, chắc chắn sẽ có sự thay đổi.

Mỗi người có vai trò nhất định trong chương trình, gắn với yếu tố lịch sử như dấu mốc quan trọng. Như NSND Khải Hưng, người đưa ra ý tưởng cho chương trình, nhưng vai trò lịch sử như vậy là đủ, sau đó chuyển giao cho đạo diễn Đỗ Thanh Hải làm Táo Quân.

Chúng tôi cũng sẽ như thế, có thể là năm 15, 20 hoặc tới năm thứ 16 đã phải nhường. Không ai có thể làm mãi mà đạt được hiệu quả.

- Chí Trung có nói về việc Táo Quân đã lên đến đỉnh và do vậy nên dừng lại để thực hiện một chương trình khác. Những chia sẻ như vậy ảnh hưởng thế nào đến cảm xúc của anh?

- 2-3 năm nay luôn có tin đồn anh Chí Trung sẽ không làm nữa. Thực ra thì còn 364 ngày phía trước. Đương nhiên là trong ê-kíp dù ai nghỉ, chúng tôi cũng cảm thấy khó khăn.

Nói thay thì thay cả chương trình cũng được, nhưng nếu một người dừng lại thì lại khó hơn vì mỗi người nay đã trở thành mắt xích quan trọng. Sự tung hứng đã biện chứng với nhau.

Thực ra, khi chúng tôi bắt đầu làm Táo Quân, không ai nghĩ sẽ làm đến 15 năm. Lúc ấy nghĩ bây giờ làm thì cứ làm thôi, chứ không biết đến lúc phải dừng lại sẽ thế nào.

Nhưng chất lượng vẫn là yếu tố quyết định. Nếu bạn vẫn cứ muốn làm nhưng chất lượng của bạn đi xuống, kém đi, không đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi thì cũng làm vô nghĩa, đương nhiên bạn phải dừng lại.

- Cá nhân anh đã bao giờ nghĩ nên dừng lại?

- Cả 15 năm thì không đúng, nhưng 12 năm liên tiếp Táo Quân được mong đợi. Nhiều năm, Táo Quân là chương trình được mong đợi nhất trong năm.

Với một chương trình, hai năm được chờ đợi đã thành công lắm rồi mà đây là nhiều năm liền, thành công vang dội.

Nói như cộng đồng mạng là thành công “điên đảo luôn”. Nếu Táo Quân, đến lúc nào đó được coi là đã hoàn thành xong sứ mệnh thì tôi nghĩ cũng sẽ nhường bước cho chương trình tiếp theo, câu chuyện tiếp theo, diễn viên tiếp theo.

- Mọi năm, sự ăn ý giữa anh và Công Lý đã góp phần không nhỏ vào việc sát phạt các Táo, tạo nên sự hấp dẫn cho chương trình. Nhưng năm nay, Công Lý lại được cho là không có nhiều đất diễn, sự tung hứng do vậy cũng không còn nhiều, anh có nghĩ mình đã “lấn sân” đồng nghiệp?

- Chúng ta hay đòi hỏi sự chuyên nghiệp trong biểu diễn, nhưng tôi nghĩ còn phải chuyên nghiệp trong thưởng thức nữa. Thứ nhất đúng về phía kỹ thuật, năm nay chủ yếu là game show – trò chơi, mà cái này thì Công Lý không quen bằng Xuân Bắc.

- Nhưng có những lúc anh Công Lý gần như đứng hình, phải chăng vì các diễn viên khác quên thoại?

- Tôi nghĩ đó là việc cá nhân của anh Lý. Còn nói về tổng thể chương trình, có những năm anh Lý nổi bật lên vì vai trò của Bắc Đẩu trong kịch bản. Có năm vai Nam Tào nổi bật hơn.

Còn về góc độ chuyên môn, tôi không nghi ngờ, không có quyền quyết, không đủ tuổi để nghi ngờ anh Công Lý vì anh ấy diễn rất hay. Nhưng tùy từng năm mà đạo diễn sẽ giao cách diễn, diễn xuất cho từng nhân vật khác nhau.

Năm nay, tôi ước được như anh Lý để ít phải nhớ thoại vì nhớ thoại dúng là vô vàn gian khổ. Các bạn biết không, khi chương trình ghi hình xong, tôi đã phải ở lại để quay thêm đến 1-2h sáng vì trong lúc ghi hình, có lúc tôi vì quá mệt mỏi, mà lời thoại không trơn tru.

Và tôi nghĩ không phải nói nhiều mới là diễn nhiều.

- Khi xem xong buổi ghi hình, có một số khán gỉa phản hồi là chương trình hơi lê thê, chỉ đến trò chơi giành ghế mới thực sự cuốn hút người xem. Anh nghĩ gì nhận định này?

- Phải khẳng định chương trình nào cũng là cố gắng của ê-kíp, trong đó hạt nhân là Đỗ Thanh Hải. Ghi hình kéo dài tới 4 tiếng rưỡi, do vậy, cảm giác dàn trải là dễ hiểu.

Nhưng mọi người phải nhớ rằng Táo Quân là chương trình vừa có thủ pháp của sân khấu, vừa có thủ pháp của truyền hình.

Thủ pháp của truyền hình là “Lan hát Điệp nghỉ”, nghĩa là ống kính về ai người ấy diễn xuất, người còn lại có thể uống nước.

Nhưng nếu là sân khấu thì tất vả đều phải diễn, đó là nguyên tắc. Một nguyên tắc nữa của sân khấu là không được dài. Hay đến mấy mà dài cũng thành lê thê.

Với Táo Quân, có rất ít người được xem trực tiếp, chủ yếu mọi người xem bản trên truyền hình, và đó là bản đã cô đọng.

- Có năm Táo Quân rất được yêu thích, những câu thoại có thể tạo “sóng” trên mạng, nhưng cũng có năm chương trình gây thất vọng nặng nề. Cá nhân anh đã dự đoán như thế nào về phản hồi của khán giả cho Táo Quân 2018?

- Một chương trình ra đời như đứa con tinh thần, tôi nói thẳng là tôi không thích lời chê. Ai nói rằng sẵn sàng đón lời lời chê, này nọ nọ kia, tôi không biết, còn tôi thì không bao giờ thích.

Đặc biệt lại là lời chê thiếu chuyên môn, thì tôi đặc biệt ghét và nhiều khi tôi ngó lơ lời chê mang tính vùi dập.

Có người ý kiến là chương trình phải thế này, phải thế kia, sao không nêu vấn đề này, sao không nêu vấn đề kia, tôi cho đó là những người thiếu nhận thức đúng đắn về xã hội.

Chúng tôi đều có danh hiệu, cũng đang làm công tác quản lý, chúng tôi có độ nhạy cảm nhất định về các vấn đề xã hội.

Tiếng cười đơn thuần khác, tiếng cười ẩn dụ, ẩn ý, cười đấy mà đau đấy… lại là chuyện khác.

Thế nhưng, dù không thích, tôi cũng không bài trừ lời chê.

- Táo Quân 2018 có sự tham gia diễn xuất của ba bố con anh. 15 năm trước, anh không thể tưởng tưởng được có một ngày đứng chung sân khấu Táo quân với 2 cậu con trai. Điều đó thú vị và có ý nghĩa như thế nào với anh?

- 15 năm trước, tôi còn không biết mình sẽ có hai cậu con trai. Khi Bi tham gia Bố ơi mình đi đâu thế, cũng có nhiều đơn vị muốn hai bố con cùng xuất hiện, nhưng tôi từ chối. Hơn ai hết, tôi hiểu được sức ép của truyền thông mà con sẽ phải chịu.

Và cho đến giờ phút này tôi phải thấy tự hào vì con mình không bị cảm giác đang nổi tiếng, không bị chi phối bởi bất cứ điều gì.

Nhưng đến chương trình Táo Quân, kỷ niệm 15 năm, tôi nghĩ “Tại sao lại không cho các con tham gia?”, đó là kỷ niệm đẹp của chương trình, và sẽ là kỷ niệm đẹp của chính bố con tôi, cũng là dấu ấn đẹp của cá nhân các cháu.

Tự hào mà nói, cháu nó cũng rất đáng yêu trên sân khấu. Vài thông tin mà mọi người có thể chưa biết đầy đủ là tôi vô cùng nghiêm khắc khi hướng dẫn cháu về lời thoại.

- Bi Béo có những câu thoại rất dễ tạo sóng như “Cầm tiền thì sợ tiền rơi, cầm tờ A4 đời đời ấm no”, anh đã hướng dẫn con như nào trước những câu thoại đầy sức nặng đó?

- Khi làm việc, tôi muốn câu ấy Bi sẽ nói nhưng anh Đỗ Thanh Hải rất tinh tế,. Anh Hải để cho trước khi Bi nói câu đó, Bi phải nói câu “Có phải tờ A4 bố cháu thường hay nói không?”. Để làm gì, để câu nói đó không phải Bi nói ra.

Khái niệm “tờ A4” trong đầu một đứa trẻ là không ổn, ở đây đứa trẻ chỉ nhắc lại lời của người lớn. Hình ảnh một đứa trẻ ngồi trên vai người khác vào thay bỉm rất biện chứng với ý tờ A4 là như thế.

Suy cho cùng, đó là lỗi của bố mẹ, nhiều đứa trẻ không muốn nhưng chính bố mẹ hướng con vào những thứ như thế, rất nguy hiểm.

- 2017 là một năm sóng gió với Xuân Bắc. Chính năm 2017, công chúng, dư luận phát hiện ra anh là một người rất… sợ vợ?!

- Tôi rất tự hào về chuyện sợ vợ. Khái niệm đó được tôi đưa ra trước khi tôi lấy vợ, chứ không phải thông qua sự việc “gì ấy”, mà tôi mới nói như vậy.

Đằng sau việc sợ vợ là khát khao mong muốn một gia đình hạnh phúc, êm ấm. Bản chất của nó có thể hiểu là, bỏ đi những gì không đáng, để cùng nhau hướng đến những điều tốt đẹp hơn, quan trọng hơn.

Tôi là người hầu như chưa biết sợ ai, bố mẹ tôi còn không sợ vì tôi có làm gì sai đâu?

Tôi chỉ có sợ một thứ là sợ ốm.

- Mạng xã hội là một đề tài được nhắc đến trong Táo Quân. Câu chuyện của anh và vợ mình có lẽ cũng bắt đầu từ mạng xã hội. Có người thấy mạng xã hội giải quyết được mọi thứ từ những cuộc kiện cáo, tố tụng. Có người nhận ra được hệ lụy của nó. Anh vốn nổi tiếng là khôn khéo trên mạng, anh có bao giờ tham vấn cho vợ mình về việc dùng mạng xã hội?

- Tôi nghĩ nếu nói về mạng xã hội thì phải mở một tọa đàm nho nhỏ. Có người tưởng như mình khôn ngoan nhưng lại là dại dột trên mạng xã hội, có người tưởng là dại dột lại rất khôn ngoan.

- Nhưng anh nghĩ sao về việc công khai hóa chuyện riêng tư trên trang cá nhân để dư luận bàn tán? Và hình như, cũng từ sự công khai trên mạng xã hội, người ta đã thấy một góc khuất của Xuân Bắc?

- (Cười) Ghi cho tôi sau câu hỏi này là một tiếng cười lớn nhé, cười rất lớn.

- Bây giờ anh cười, nhưng anh đã im lặng ở thời điểm ầm ĩ đó. Tại sao?

- Tôi không trả lời chuyện riêng tư và tôi cũng không đi giải thích chuyện của mình với ai bao giờ.

- Anh có cho con trai mình dùng mạng xã hội?

- Tôi chưa cho sử dụng, thậm chí bản thân tôi cũng rất ít sử dụng.

Tôi có trang cả triệu người theo dõi nhưng tôi sử dụng theo cách của tôi. Và quan điểm của tôi là chỉ mang niềm vui đến cho mọi người.

Khi tôi cần chia sẻ với Tự Long, tôi sẽ gọi cho Tự Long chứ tôi không post lên Facebook là: Tự Long ơi, bạn đang ở đâu, mai mình hẹn nhau nhé.

- Anh dùng mạng xã hội thật khôn ngoan?

- Tôi chẳng khôn đâu mà như tôi đã nói đấy, khôn đôi khi lại là dại mà dại đôi khi lại là khôn.

- Theo anh sự đồng cảm trong việc dùng mạng xã hội, đồng cảm trong việc dạy con ảnh hưởng như thế nào đến việc xây dựng hạnh phúc gia đình?

- Sẽ không được gọi là gia đình nếu chỉ có hai vợ chồng. Gia đình là phải có con trẻ. Đương nhiên là sẽ rất sung sướng nếu gia đình nào đó mà quan điểm dạy trẻ em được thống nhất, còn nếu 95% khác nhau thì là bởi lẽ tuổi thơ của người bố và người mẹ khác nhau.

Đôi khi, phụ huynh sẽ tự thân đưa con mình vào hoàn cảnh mình đã trải qua. Nếu trong gia đình, bạn lớn lên trong môi trường X, tôi lớn lên trong môi trường Y, hai chúng ta thành vợ chồng, cách chúng ta giáo dục trẻ em sẽ khác nhau.

Do vậy, nhìn vào cách họ đối xử với con, cách họ đối xử với nhau sẽ biết được rằng họ khác nhau như thế nào và có hòa hợp, thống nhất hay không.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU