Làn sóng dịch thứ 4 với số ca nhiễm tăng nhanh, riêng TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh với trung bình 3.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Điều này đòi hỏi một chiến lược phòng chống dịch hoàn toàn mới, trong đó vaccine đóng vai trò quyết định trong chiến lược phòng chống dịch bệnh. Trong chiến lược này, Nhà nước đóng vai trò quyết định nhưng đồng thời cũng có nhiều không gian cho sự tham gia của khu vực doanh nghiệp tư nhân và xã hội. Hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam có kêu gọi sự tham gia của các tổ chức y tế tư nhân, thể hiện sự ứng phó linh hoạt của cả khối công và tư trước bối cảnh dịch bệnh, đồng thời thể hiện vai trò cũng như khả năng của khối y tế tư nhân.
"Cuộc chiến với dịch lần này còn nhiều khó khăn, cam go, thách thức và thường trực hiểm nguy nhưng chúng tôi luôn sẵn sàng để ra tuyến đầu chống dịch, bảo vệ sức khoẻ và tính mạng người dân. Trước tình hình này, chúng tôi sẵn sàng gác lại vấn đề kinh doanh để toàn tâm toàn ý cùng cộng đồng chống dịch", Lãnh đạo Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, cho biết.
Ngay sau lời kêu gọi của Bộ Y tế, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ đã nhanh chóng chuyển đổi công năng Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức thành nơi điều trị người bệnh COVID-19. Sự tham gia của các bệnh viện tư nhân như Hoàn Mỹ kịp thời chia lửa với hệ thống y tế toàn thành phố. Số ca mắc mới và bệnh nặng tiếp tục tăng cao gây áp lực lớn chưa từng có lên hệ thống y tế TP.HCM. Ngành y tế đang nỗ lực tăng cường hệ thống bệnh viện tiếp nhận, điều trị để giảm đến mức thấp nhất số ca tử vong.
Hiệu quả điều trị được thấy rõ khi có sự phối hợp với các cơ sở điều trị trong tháp 5 tầng để tận dụng thế mạnh bệnh viện công lập và phát huy thế mạnh của bệnh viện tư nhân chăm sóc cho người bệnh.
Chỉ trong 7 ngày, Bệnh viện Điều trị COVID-19 Hoàn Mỹ Thủ Đức đã đi vào hoạt động, tiếp nhận và điều trị nhiều ca bệnh. Dù còn nhiều khó khăn, lãnh đạo Bệnh viện cũng đang nỗ lực nâng quy mô từ 100 giường lên 200 giường bệnh để mở thêm nhiều cơ hội cho nhiều người dân được chăm sóc tận tình, được cứu sống tính mạng. Bệnh viện đã được Bộ Y tế công nhận đủ năng lực và cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật realtime RT-PCR. Với cơ sở vật chất hoàn toàn mới, hiện đại và khang trang, Bệnh viện có đầy đủ khả năng thực hiện tốt hoạt động phân luồng, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, hạn chế lây nhiễm chéo ở mức thấp nhất nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động chăm sóc và điều trị người bệnh COVID-19.
Dịch bệnh bùng phát đặt ra một thách thức rất lớn đối với TP.HCM trong việc ổn định an sinh xã hội và bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của người dân. Tuy nhiên, thử thách lớn này chứng tỏ tính hiệu quả của khối doanh nghiệp tư nhân trong việc chung tay cùng chính quyền ứng phó với các tình huống khẩn cấp.
Trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã kịp thời bắt tay nhau để có thể hỗ trợ cộng đồng nhanh nhất có thể. Những cộng đồng nhỏ nhanh chóng lan toả thành cộng đồng lớn hơn, quyên góp máy thở, vật dụng y tế cho tuyến đầu; hay kết nối thành chuỗi cung ứng thực phẩm, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân ở những khu vực bị phong toả. Họ đã cho thấy rõ mô hình thực hiện các hoạt động CSR theo tinh thần hợp tác, tạo ra giá trị chia sẻ chung cho toàn xã hội (Creating Shared Value – CSV) chính là chìa khóa để giải quyết bất kỳ vấn đề nào trong xã hội, không riêng gì dịch bệnh. Vì vậy, để có sự phát triển chủ động và bền vững ứng phó với dịch bệnh, Chính phủ cần áp dụng mô hình hợp tác công tư (PPP) trong chiến lược vaccine, khuyến khích tư nhân nghiên cứu phát triển vaccine, tạo điều kiện để khu vực tư nhân thành lập các trung tâm nghiên cứu, tham gia các hoạt động ứng phó với thảm hoạ...
Theo afamily.vn