Ăn hoa quả ngay sau bữa ăn có đúng không?
Hoa quả là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe, nhiều người cho rằng ăn trái cây tráng miệng ngay sau bữa chính sẽ tốt cho hệ tiêu hóa. Chính vì thế mà trái cây luôn nằm vị trí đầu tiên trong danh sách đi chợ của các bà các chị.
Chứa ít calo, giàu vitamin và khoáng chất cũng như chất xơ nên các loại trái cây đều được chứng minh giảm nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, tim mạch, ung thư, sỏi thận, béo phì, loãng xương, huyết áp cao... Do vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mọi người nên ăn trái cây tươi thường xuyên.
Chị Nguyễn Tuyết Mai (35 tuổi ở phố Hội Vũ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) là chủ một cửa hàng mỹ phẩm, ngoài công việc ra chị còn là nhân viên một tập đoàn bảo hiểm, nên hết ngồi làm việc văn phòng đến đi gặp khách hàng vô cùng bận rộn, chị ít có thời gian chăm chút bữa ăn cho bản thân.
Khi được hỏi về việc dùng hoa quả như thế nào trong ngày, chị nói: "Do cuộc sống thường xuyên phải đi ra ngoài làm việc, tôi chỉ có thời gian ăn một bữa chính với gia đình, sau mỗi bữa ăn cả nhà lại quây quần ăn trái cây ngay. Đấy là khoảng thời gian duy nhất tôi có thể ngồi bổ sung hoa quả cho cơ thể.
Hoa quả tươi rất tốt cho sức khỏe, giàu vitamin. Tôi nghĩ rằng ăn trái cây sau bữa ăn chẳng có tác hại gì, thậm chí còn giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn".
Trái ngược hoàn toàn với quan điểm của chị Mai là ăn trái cây sau bữa ăn tốt cho tiêu hóa, anh Lê Đình Đức (34 tuổi, ở Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại cho rằng, sau khi ăn thì dạ dày đã no, nếu tiếp tục ăn hoa quả thì sẽ tăng thêm thức ăn làm dạ dày bị quá tải.
"Nếu ngay sau khoảng thời gian vừa dùng bữa chính xong đã ăn trái cây, tôi nghĩ chỉ làm tăng thêm gánh nặng cho dạ dày. Với những kiến thức tôi có được về sinh học, thì trong thành phần trái cây có chứa một số lượng lớn các loại axit, đường, glucose, tinh bột… càng làm tăng thêm sự tắc nghẽn tại cơ quan tiêu hóa nếu ăn ngay sau bữa chính. Chứ tôi không nghĩ là tốt cho hệ tiêu hóa như nhiều người vẫn nghĩ", anh Đức lý giải.
Các nhà khoa học cho biết, thời gian lưu lại trong dạ dày của những loại thức ăn là khác nhau, đường khoảng 1 tiếng, protein khoảng 2-3 tiếng, còn chất béo khoảng 5-6 tiếng. Hoa quả là thức ăn tiêu hóa nhanh, vì thế nếu ăn ngay sau mỗi bữa ăn chính sẽ được tiêu hóa sau cùng dẫn đến việc hoa quả phản ứng và lên men tạo ra cồn và các độc tố có hại cho dạ dày. Thói quen tưởng như vô hại này hóa ra lại có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Ảnh minh họa.
Ăn hoa quả vào lúc nào mới đúng cách?
Nhìn chung các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng mọi người nên ăn hoa quả xen kẽ các bữa ăn chính (tức là ăn vào các bữa phụ sáng và chiều), và cũng không nhất thiết phải ăn trước bữa ăn như một số luận thuyết. Còn đương nhiên là tránh ăn ngay sau bữa ăn. Hãy coi trái cây như món ăn vặt lành mạnh để duy trì năng lượng tối ưu cho cơ thể và tiêu hóa chúng một cách tốt nhất.
Nói sâu hơn về vấn đề này, TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện y học ứng dụng Việt Nam phân tích: "Đối với một số bệnh thì việc ăn hoa quả trước và sau rất có liên quan đến sức khỏe.
Ví dụ những người có vấn đề về dạ dày thì không nên ăn hoa quả trước bữa ăn, đặc biệt là những hoa quả có vị chua. Đối với những đối tượng suy dinh dưỡng cũng không nên sử dụng trái cây trước bữa ăn chính, vì nếu ăn vậy sẽ làm đầy dạ dày và khiến chúng ta chán ăn bữa chính.
Đối với những người thừa cân béo phì thì càng không nên ăn hoa quả ngay sau bữa ăn, vì đường trong hoa quả là đường fructose, nó không kích thích tạo no, vì thế người ăn cảm thấy rất ngon miệng, việc ăn có thể không có điểm dừng, ăn liên tiếp mà không biết rằng cơ thể bị đầy năng lượng".
Còn với người khỏe mạnh bình thường, chuyên gia khuyến nghị, tốt nhất là nên ăn hoa quả vào giữa các bữa ăn, tức là sắp xếp giờ ăn hoa quả trái cây vào khoảng thời gian giữa bữa sáng và bữa trưa, hoặc giữa bữa trưa và bữa chiều, coi như đấy là một bữa phụ bằng hoa quả.
TS Trương Hồng Sơn không quên nhấn mạnh: "Đấy là cách hợp lý nhất"!
Theo soha.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.