"Ăn nhiều lên, gầy quá!" - chân dung bà ngoại qua những câu nói thân thương mà đứa trẻ nào cũng từng nghe qua

(lamchame.vn) - "Lại đây bà cho cái này, đừng nói với bố mẹ!", bà luôn dặn tôi như thế, cùng với nụ cười hiền đáp lại tiếng khúc khích tinh nghịch của tôi.

“Nhổ tóc bạc cho bà, bà trả công một bịch bim bim!” là cuộc “giao dịch” mà tôi thường có với bà ngày bé. Ngồi nhổ tóc sâu, ngoài gói snack ngon ngọt, tôi còn “lãi” thêm những lời thủ thỉ tâm sự, những câu chuyện hay về phố xóm, đôi khi là những đêm ngủ gọn trong vòng tay bà vì sợ truyện ma bà kể.

Khi đã lớn, tôi biết đấy là cách bà dành thời gian bên con cháu. Giờ đây, tôi không còn có những cơ hội được nhổ tóc bạc trên mái tóc muối tiêu của bà như những ngày bé. Bà đã trở thành một cụ già tóc bạc. Những cuộc đối thoại của tôi và bà cũng thưa dần vì những ràng buộc của công việc của người trưởng thành. Nhưng bà đã trở thành một hình tượng theo tôi suốt cuộc đời, nuôi nấng, yêu chiều tôi theo một cách uốn nắn rất khác với cha mẹ.

“Ai cho anh chị đánh cháu tôi?”

Tôi từng nghe được câu nói: “Khi có cháu, ông bà có cơ hội được làm cha, làm mẹ lần thứ hai”. Chẳng trách vì sao, những người bà luôn dịu dàng và bao dung với cháu nhỏ, thỉnh thoảng có rầy la nhưng tuyệt nhiên không bao giờ đánh đòn. Ngược lại, bà còn là người bảo vệ cháu trước đòn roi của bố mẹ.

“Ăn nhiều lên, gầy quá!” - chân dung bà ngoại qua những câu nói thân thương mà đứa trẻ nào cũng từng nghe qua- Ảnh 1.

Ngày bé, chỉ cần thấy mẹ nhăm nhe lấy cây chổi, tôi lại chạy một mạch lên phòng bà, lèm nhèm nước mắt, cố gắng bày ra gương mặt tội nghiệp nhất. Bà sau đó sẽ giấu tôi đằng sau tấm lưng cong cong, chẳng chất vấn gì mà luôn che chắn cháu bà. Mỗi lúc ấy, tôi cảm thấy vô cùng đắc thắng khi mình “lật ngược” được tình thế, đổi lại cha mẹ mới là người bị trách phạt: “Ai cho anh/chị đánh cháu tôi?” Ai mà chẳng sợ mẹ của mình! Bà thật quyền lực, mỗi câu trách như vậy thôi mà mẹ đã phải bỏ chổi xuống, ấm ức bảo “Mẹ chiều nó thế, nó hư!” Rồi cứ thế, tôi thoát tội.

Không ít lần bà đi chợ, ở nhà bị mẹ mắng, tôi cũng về khóc trong vòng tay của bà. Những buổi trưa hè nóng bức, bà vừa phẩy quạt, vừa xoa xoa chỗ tôi bị đánh. Tôi chìm vào giấc ngủ trong tiếng sụt sùi, lời hứa rằng bà sẽ “tính sổ” với mẹ và trong lời ru “Ầu ơ” êm dịu của bà.

“Lại đây bà cho cái này, đừng nói với bố mẹ”

Không chỉ tôi, mà có lẽ là mọi đứa trẻ, hễ không xin được cha mẹ thứ gì là lại chạy đến giãy nảy với bà, kể tội cha mẹ “ki bo”. Tranh thủ lúc cha mẹ không thấy, bà hay dắt tôi đi mua cái bánh, cái kẹo. Cái gì cha mẹ không đồng ý, tôi sẽ có bà chiều chuộng, chỉ cần chạy lại và níu nhẹ chiếc áo bà ba của bà mà thôi.

Nhiều khi chẳng cần tôi vòi vĩnh, bà luôn nhớ để phần cho tôi những của ngon, của lạ mà tôi mê tít, nhưng nhiều khi thèm thuồng không dám xin vì sợ cha mẹ mắng. “Đừng nói với bố mẹ!”, bà luôn dặn tôi như thế, cùng với nụ cười hiền đáp lại tiếng khúc khích tinh nghịch của tôi.

“Ăn nhiều lên, gầy quá!” - chân dung bà ngoại qua những câu nói thân thương mà đứa trẻ nào cũng từng nghe qua- Ảnh 2.

Khi đã lên cấp 2, chẳng cần đòi, bà thường dúi vào tay tôi tiền tiêu vặt mỗi lúc chuẩn bị dắt xe ra ngoài đi học, đi chơi. Tôi nhớ rõ, vì không có ví, bà gấp gọn trong túi áo và luôn chọn ra những đồng tiền mới nhất để dành cho tôi. Cả “gia tài của ngoại”, những đồng bạc lẻ từ lương hưu chẳng dành cho mình, lại để cho đứa cháu được tiêu xài thoải mái, không cảm thấy thua thiệt với bè bạn.

“Ăn nhiều lên, gầy quá!”, “Cẩn thận không cảm lạnh đấy!”, “Học vừa thôi con ạ!”

Ai thì có thể làm những cô gái, cậu trai lo toan về cân nặng vượt chuẩn, nhưng riêng bà thì không bao giờ. Những mong đợi của bà với cháu thật đơn giản: Mong cháu ăn uống đầy đủ, đừng sụt ký, bà xót; mong cháu giữ gìn sức khoẻ, đừng đổ bệnh, bà thương; mong cháu chăm ngoan nhưng phải lượng sức mình, không quên dành thời gian nghỉ ngơi.

Có lẽ đó là cách quan tâm chung của những người bà, biết cháu đã được uốn nắn bởi sự hà khắc của cha mẹ, nên dù luôn miệng nhắc nhở ti tỉ thứ, những lời căn dặn của bà luôn nhẹ nhàng và chưa bao giờ đặt thêm một áp lực vô hình nào khác.

“Ăn nhiều lên, gầy quá!” - chân dung bà ngoại qua những câu nói thân thương mà đứa trẻ nào cũng từng nghe qua- Ảnh 3.

“Lớn lên con có nuôi bà không?”

Có ai mà lại không nghe câu nói này một lần. Mỗi khi nằm gọn trong lòng bà, bà vuốt tóc tôi và thủ thỉ một câu hỏi nhỏ. Câu hỏi ấy lặp lại xuyên suốt tuổi thơ. Tôi biết đó chỉ là một câu hỏi vui, vì bà luôn phá lên cười mỗi lần tôi phản hồi, dù tôi lúc nào cũng dõng dạc trả lời mình sẽ không để cho bà cô đơn những năm tháng tuổi già, sẽ xây cho bà căn nhà thật to để hai bà cháu cùng ở.

Cho đến bây giờ, khi đã lớn, vẫn là bà thỉnh thoảng sẽ cho tôi những khoản tiết kiệm của mình. Tôi vẫn chưa thực hiện được trọn vẹn lời hứa ngày bé.

Song, tôi biết rằng, đó là mong đợi rằng tôi sẽ luôn nhớ đến bà, chăm sóc bà khi bà già yếu. Đó cũng là cách bà dạy tôi về lòng hiếu thảo, về việc không bao giờ quên đi người đã yêu thương và nuôi nấng mình. Và tôi, trong lòng, luôn tự nhủ rằng sẽ luôn bên bà, chăm sóc bà như bà đã làm với tôi suốt những năm tháng qua.

“Ăn nhiều lên, gầy quá!” - chân dung bà ngoại qua những câu nói thân thương mà đứa trẻ nào cũng từng nghe qua- Ảnh 4.

Tranh minh họa: Pinterest

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang