Angelina Jolie sinh tại Los Angeles, California, Mỹ, năm 1975. Cô lớn lên trong gia đình giàu truyền thống nghệ thuật, với cha Jon Voight và mẹ Marcheline Bertand, hai người đều làm diễn viên.
Lớn lên, Angelina học tại trường trung học Beverly Hills, sau đó chuyển tới Học viện Sân khấu Lee Strasberg. Năm 14 tuổi, cô bỏ học diễn xuất và chuyển sang ngành thời trang vì không mấy đam mê với điện ảnh. Địa điểm để cô chọn để tiến thân và lập nghiệp là London, New York.
Mặc dù bỏ học diễn xuất, nhưng cái duyên với nghề diễn vẫn còn. Năm 18 tuổi, Angelina Jolie được giao vai chính đầu tiên trong đời, cô đóng phim "Cyborg 2" (1993). Sự thất bại của bộ phim, cùng với việc không có sẵn đam mê, Jolie thất vọng, tự trách mình không có khiếu diễn xuất, dẫn đến quyết định không muốn nhận lời mời tham dự bộ phim nào nữa.
Nhưng may mắn tiếp tục mỉm cười với cô khi sau đó 2 năm, cô được giao vai chính trong bộ phim "Hackers". Tác phẩm trở thành hiện tượng, và phút chốc Angelina Jolie vụt lên thành gương mặt được báo chí săn đón.
Năm 2001, với phim điện ảnh "Lara Croft: Tomb Raider", cô chính thức “thăng hạng” thành ngôi sao hạng A. Đến nay, gia tài điện ảnh đồ sộ đã đem đến cho nữ minh tinh hàng loạt giải thưởng quốc tế. Nhưng bên cạnh sự nghiệp diễn xuất ấn tượng, Angelina còn là một nhà hoạt động xã hội đáng nể, đồng thời cũng là một người mẹ với phương pháp nuôi con khoa học.
Vận động chiến dịch giúp đỡ cộng đồng yếu thế
Quay ngược lại thời điểm 2006, khi cô và Brad Pitt vẫn còn “tay trong tay”, cả hai đã lập ra quỹ Maddox Jolie-Pitt để hỗ trợ các chiến dịch nhân đạo như xóa bỏ tình trạng nghèo đói ở vùng nông thôn Campuchia.
Khi phát động, cặp đôi đã quyên góp 1 triệu đô cho Doctors Without Borders, tổ chức cung cấp viện trợ cho những người sống sót sau xung đột vũ trang hoặc thiên tai ở hơn 60 quốc gia. Angelina muốn cả cộng đồng cùng hướng đến những nhóm người yếu thế này.
Tháng 8/2001, Angelina trở thành Đại sứ thiện chí của Liên hợp quốc. Cô lấp đầy lịch trình hằng tuần với các chuyến bay đến Afghanistan, Pakistan hay Iraq, thăm các khu vực bị nạn đói hoành hành, các trại tị nạn chiến tranh cũng như giúp đỡ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh kém may mắn.
“Tôi bắt đầu đi nhiều hơn và nhận ra rằng có quá nhiều thứ mình không biết”, cô nói với tạp chí National Geographic rằng đã bị sốc bởi “sự chênh lệch giàu nghèo và sự mất cân bằng các nguồn tài nguyên trên thế giới”.
Năm 2012, nhờ những nỗ lực không ngừng trong công tác giúp đỡ nhóm người yếu thế, Angelina được bổ nhiệm làm Đặc phái viên của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn.
“Công việc của tôi bây giờ liên quan đến việc đấu tranh cùng những cộng sự của mình để những người tị nạn có quyền lên tiếng và được bảo vệ, để chống lại sự cưỡng ép, và được tiếp cận cơ hội học tập tốt hơn”, cô nói với tờ Vouge vào năm 2020.
Vào tháng 3/2010, một trường học dành riêng cho nữ sinh, do Angelina tài trợ, được xây dựng tại Tangi, Afghanistan. Trước đó 2 năm, cô đã đến thăm thị trấn và phát hiện các bé gái tại đây không có cơ hội tiếp cận giáo dục đầy đủ. Thời điểm mới xây dựng, trường có thể nhận được 800 nữ sinh.
Có lẽ do đã quá quen với giới truyền thông, điện ảnh, Angelina biết cách để tận dụng những gì mình có trong tay để tạo ra ảnh hưởng toàn cầu. Vừa lập tài khoản Instagram không lâu, cô lọt top danh sách những người nổi tiếng đạt được một triệu người theo dõi nhanh nhất.
Từ đây, Angelina bắt đầu tận dụng nền tảng này để nâng cao ý thức xã hội về nhóm người tị nạn tại Afghanistan. Đặc biệt hơn cả, cô cũng tham gia sản xuất các bộ phim về chiến tranh, bóc trần những nỗi kinh hoàng mà chiến tranh gieo rắc.
Lên tiếng để chống lại tấn công tình dục và phân biệt giới
Angelina cũng là nhà hoạt động nữ quyền xuất chúng. Trong 6 năm qua, cô đã làm việc không ngừng nghỉ với các tổ chức nhân đạo để nâng cao nhận thức về vấn đề trên thế giới, đồng chủ trì Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về chấm dứt bạo lực tình dục trong xung đột vào năm 2014.
Nghiên cứu gần đây do Liên minh Chấm dứt Bạo lực Đối với Phụ nữ đã kết luận rằng thái độ đối với bạo lực tình dục có thể thay đổi các kết quả trong các phiên xét xử tội hiếp dâm. Nghiên cứu cho thấy một phần ba người Anh tin rằng nếu một người phụ nữ bị ép buộc quan hệ tình dục, hành động không nhất thiết bị coi là hiếp dâm nếu họ không gặp chấn thương cơ thể. Suy nghĩ này có thể làm giảm nhẹ tội trạng của kẻ hiếp dâm.
Angelina Jolie hiểu nỗi đau của những người trải qua sang chấn tình dục nên tạo ra một quy trình hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân. Đầu tiên, cô tham gia các chiến dịch ngăn chặn và ứng phó với bạo lực tình dục, khuyến khích nạn nhân mở lời và chia sẻ, đồng thời giúp họ khai báo tội phạm trong trường hợp không thể tiếp cận chính quyền địa phương. Angelina cũng đấu tranh để giải quyết sự thiếu hụt ngân sách trong các chương trình hỗ trợ tâm lý và tài chính của những người muốn làm lại cuộc đời.
Không dừng lại ở đó, cuộc sống của những đứa trẻ sinh ra từ “tai nạn” cũng cần được quan tâm. “Phụ nữ hay nam giới trải qua sang chấn bạo lực tình dục, và cả những đứa trẻ ra đời từ cưỡng hiếp, thường bị đối xử như thể họ đã làm gì sai trái. Họ bị chối bỏ và kỳ thị, trong khi những kẻ tấn công thì không bị trừng phạt”, Angelina Jolie cho biết.
Trong buổi nói chuyện với tờ Marie Claire, cô khẳng định giải pháp cho nạn bạo lực giới cần có sự góp sức từ hai giới, rằng bạo lực tình dục “không chỉ là vấn đề của phụ nữ, đàn ông cũng phải tham gia cuộc trò chuyện để đập tan những điều cấm kỵ xung quanh chủ đề này”. Năm 2017, Angelina thúc đẩy sáng kiến ”Đã đến lúc phải hành động” (Time To Act) để buộc tội phạm tình dục phải chịu trách nhiệm về tội ác họ gây ra trong chiến tranh.
“Khi loại bạo lực này xảy ra trong thời bình, chúng ta hoàn toàn nhận thức được rằng đó là một tội ác đáng bị pháp luật trừng phạt, nhưng khi nó xảy ra ở giữa một cuộc xung đột và bạo lực quy mô lớn, mức nghiêm trọng sẽ bị giảm nhẹ, thậm chí rất khó ngăn chặn và đưa ra phán quyết”.
Truyền cảm hứng và lòng dũng cảm cho những người phụ nữ khác
Ngày 14/5/2013 ghi dấu sự kiện Angelina Jolie lần đầu công khai thông tin bị ung thư. Cô đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ cặp ngực nhằm giảm nguy cơ ung thư vú - một thông tin gây sốc cho fan trên khắp thế giới. “Các bác sĩ ước tính tôi có 87% nguy cơ mắc bệnh ung thư vú do gen di truyền và 50% nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng”, Angelina Jolie viết trên New York Times.
Sau hành trình chiến đấu với căn bệnh, ngôi sao hàng đầu Hollywood truyền đi một thông điệp ý nghĩa về việc quan tâm đến sức khỏe của mình, cô mong những người phụ nữ khác học hỏi được từ trải nghiệm của cô. “Ung thư vẫn là một từ khủng khiếp với nhiều người, gây ra cảm giác bất lực nặng nề, nhưng ngày nay bạn có thể xét nghiệm máu xem có nguy cơ mắc ung thư vú và ung thư buồng trứng hay không, từ đó đưa ra biện pháp xử lý kịp thời”.
Những trang nhật ký về hành trình chiến đấu chống lại bệnh tật được Jolie tường thuật chi tiết trên tờ New York Times. Khi một ngôi sao lớn thảo luận cởi mở về các vấn đề sức khỏe, họ có thể tạo ra một làn sóng tích cực trong công tác điều trị sức khỏe cộng đồng, khuyến khích cộng đồng tự đi xét nghiệm và điều trị sớm cũng là một cách giảm gánh nặng về chi phí chữa bệnh.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí uy tín về ung thư CANCER, đã nói về tác động xã hội của Angelina Jolie. Khi được hỏi, “Có phải phương tiện truyền thông (Angelina Jolie) đã khiến bạn nói nhiều hơn đến chủ đề ung thư vú không?”, tờ CANCER cho biết 20,5% người tham gia nghiên cứu trả lời “có”. Sức ảnh hưởng của Angelina rộng khắp đến nỗi mọi người dùng thuật ngữ “Hiệu ứng Angelina” để mô tả về cách cô giúp giảm bớt nỗi sợ của phụ nữ về phẫu thuật.
Về sau, khi đã hồi phục và sẵn sàng quay trở lại các dự án phim mới, Angelina không chối bỏ cơ thể của mình. Cô nhiều lần đứng trước gương và nhìn ngắm cơ thể mới, trân trọng nó và nâng niu những vết sẹo.
“Cơ bản là bạn vẫn còn ngực. Có thể lúc chạm vào thì cảm giác hơi lạ một chút, nhưng bạn vẫn được quyền được cảm thấy mình là phụ nữ. Không cần thấy xấu hổ”. Nhiều lần Jolie còn chụp ảnh mặt mộc và không ngại ngần cho thế giới chiêm ngưỡng những nếp nhăn hay các dấu tích lão hóa khác trên khuôn mặt. Phụ nữ cảm thấy tự tin hơn, họ trân trọng những vết rạn, vết sẹo và sẵn sàng chia sẻ về những lo âu ngoại hình. Những gì Angelina trải qua, cùng với những thứ “không hoàn hảo” cô thừa nhận về mình, đã tạo ra một cuộc cách mạng trong phong trào nữ quyền.
Thành công ngoài xã hội, nhưng khi về nhà lại tự nhận mình “chưa phải một người mẹ đủ tốt”
Cuộc chia tay lùm xùm của Angelina Jolie và Brad Pitt tốn khá nhiều giấy mực báo chí, nhưng cô chưa bao giờ chia sẻ chi tiết về sự kiện. Vào năm 2016, Brad Pitt dính cáo buộc ngược đãi con trai Maddox (khi đó mới 15 tuổi) trong lúc say rượu.
5 ngày sau, Angelina đệ đơn ly hôn, với lý do cả hai có những khác biệt không thể hòa giải, quyết định chấm dứt hôn nhân là “vì sức khỏe của gia đình”. Trong khi đó, Brad Pitt thừa nhận anh có vấn đề về rượu và từng quát mắng con, nhưng phủ nhận hành vi ngược đãi con. Chia tay không dễ với cả hai, đặc biệt khi đôi vợ chồng đã có một thập kỷ yêu nhau và có đến 6 đứa con chung: Maddox, Pax, Zahara, Shiloh và cặp song sinh Knox và Vivienne. Trong đó Maddox, Pax, Zahara là con nuôi.
Dù chia tay, cả hai chỉ sống cách nhau vài dặm và vẫn nỗ lực để đảm bảo cuộc sống tốt nhất cho các con. Hiện Angelina Jolie đang tạm giành lại toàn quyền nuôi con từ chồng cũ, còn Brad Pitt được gặp các con một số ngày nhất định trong tháng. Trò chuyện với tờ Vogue, Jolie cũng muốn các con được ở gần bố. Lớn lên trong gia đình đổ vỡ, nữ minh tinh hiểu chuyện cha mẹ bất hòa, cãi vã dễ gây ảnh hưởng đến tâm lý của con. Vì vậy, giữ mối quan hệ hòa bình là cách tốt nhất để con cái không chịu đựng tổn thương.
Dường như nhận ra những nỗ lực của mình chưa đủ, cô thừa nhận: “Tôi không phải là một phụ huynh hoàn hảo về mọi mặt. Mỗi ngày tôi đều nhận thức rõ hơn về những điều tôi đang làm. Tôi chất vấn liệu mình đã làm đúng chưa, có nói gì sai không”.
Một trong những nguyên tắc dạy con của Jolie là tạo ra môi trường để mỗi đứa trẻ phát triển theo cách của riêng mình, và không đặt mình ở vị trí cao hơn các con. Jolie tin rằng điều này khuyến khích con cái chia sẻ, mở lòng với mẹ. Cụ thể, Angelina không ép buộc con phải ngồi vào bàn học, được tự do tìm hiểu điều mình thích cùng với sự trợ giúp của các chuyên gia giáo dục. Các quy tắc được thay thế bằng những lời gợi ý, ví dụ như gợi ý lau dọn nhà cửa, các con có thể tự quyết định có làm theo sự gợi ý hay không.
Cách giáo dục này phần nào ảnh hưởng bởi mẹ của cô, bà Marcheline Bertrand, người đã qua đời ở tuổi 56 vì ung thư buồng trứng. Bertrand cũng là diễn viên nhưng không có sự nghiệp rực rỡ, tuy nhiên bà không ép con cái phải nối dài ước mơ của mình hay ép Angelina Jolie theo đuổi nghiệp diễn xuất. Bertrand trân trọng sự khác biệt và sẵn sàng đối thoại với con về những trải nghiệm khác nhau.
Là người của công chúng, cô hiểu rõ truyền thông, danh tiếng sẽ ảnh hưởng đến đời tư cá nhân thế nào. Mặc dù khuyến khích con cái tự do phát triển, nhưng cô cũng chú ý bảo vệ con trong các mối quan hệ xã hội. Đó là lý do vì sao cả 6 đứa trẻ đều không được dùng Instagram hay Facebook, dù đôi khi Jolie cũng không thể kiểm soát hoàn toàn. Ngoài ra, Angelina không cho con ở lại nhà bạn. Có lẽ, cái giá phải trả cho danh tiếng chính là sự thoải mái trong các mối quan hệ. Có nguồn tin cho rằng con cô không có nhiều bạn vì lối sống khép kín.
Hiện tại, mối quan hệ của cô và các con vẫn rất gắn bó. Trong buổi công chiếu phim "Eternals" hồi cuối năm ngoái, cô đã dẫn con tham dự sự kiện. Lũ trẻ cho biết thích mẹ đóng vai mạnh mẽ như nhân vật Thena trong phim.
Ba tháng trước, cô trở lại ghế đạo diễn với bộ phim "Without Blood" được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên. Hai con trai là Maddox (21 tuổi) và Pax Thiên (18 tuổi) cũng hỗ trợ mẹ hết mình trong quá trình làm phim. “Chúng tôi phối hợp ăn ý. Hai con trai làm việc trong bộ phận trợ lý đạo diễn - đóng vai trò liên lạc giữa đạo diễn và các bộ phận khác của đoàn phim”.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.