Bà mẹ thạc sĩ 2 con chia sẻ bí kíp "ngó lơ cái cân". Các mẹ có con còi nhất định phải đọc

Em không nhớ nổi đã bao nhiêu lần được xóm giềng hỏi han các bé bao tuổi nặng nhiêu ký rồi há hốc mồm ngạc nhiên xong khuyên răn em phải cho con ăn nọ kia uống siro kia nọ.

Em là một người mẹ có bằng thạc sĩ, nuôi con gái 5 tuổi được 16 kg, con trai hơn 2 tuổi được 10,5 kg. Em sống sót đến ngày hôm nay, chiều chiều vẫn cười hề hề dắt con đi dạo trong xóm, ai khuyên gì cũng vui vẻ cảm ơn không một lời nặng nhẹ, ấy không phải là nhờ em giỏi giang gì cả, mà chỉ nhờ mặt dày không biết xấu hổ mà thôi. Nhưng để lên được cái “cảnh giới” này, em cũng qua 4, 5 năm đau khổ mà nhiều khi có nói với chồng, chồng cũng chả hiểu được nữa là.

Cái bẫy của cầu toàn

Em sinh con gái đầu lòng, nuôi con cũng tạm gọi là ổn cho đến khi bé ăn dặm được đến 9 tháng tuổi là em thấy bé ngán cháo các kiểu lắm rồi. Em cũng ngó nghiêng xem các mẹ tập con ăn BLW, nhưng phần em thì nhát gan, con gái lại có cơ địa trào ngược rất dễ ói ọc, thêm phần bà ngoại cháu cứ dèm pha nói đã có răng cỏ gì đâu mà nhai, nên em cứ cố nấu cháo rồi nghĩ đủ chiêu trò dụ đút con ăn, phải nói là khổ vô cùng các mẹ ạ. Mở TV, xem quảng cáo, xem bé Xuân Mai đủ hết mà con cứ thấy mẹ bưng chén cháo ra là xua tay ngậm chặt miệng (cũng may là em còn sáng suốt chưa cho đi ăn rong khắp xóm í). Cả bà cả mẹ có hôm thêm bố phụ nữa để đút ăn, nuôi mãi đến thôi nôi bé cũng được 9kg8 (chuẩn phết nhờ!) nhưng trong thâm tâm em biết chuyện ăn uống của con mình rất không ổn.


Từ khi tròn 1 tuổi, bé biếng ăn vô cùng, buồn nhất là hễ mẹ mời món ăn gì thì bé cũng bật ra câu: không! Bé từ chối thử mọi món ăn, ngờ vực nhìn mẹ như kiểu mẹ lại sắp lừa con muỗng cuối chứ gì (Ảnh minh họa)

Dụ con ăn không được, em quay ra tự buộc tội mình nấu dở. Cuộc chạy đua “nấu ngon, nấu ngon hơn, nấu ngon mãi” này rút cục đã làm em kiệt sức, mà mẹ con lại không có thời gian để vui chơi với nhau nhiều như trước. Nên thôi em lại quăng hết các công thức cao siêu cóp nhặt, ba mẹ ăn sao thì dọn cho con vậy, hôm nào mệt mẹ con mình dắt nhau đi chơi, mẹ cho ăn hàng. Em tập ngó lơ khi con lọng cọng làm rơi vãi thức ăn, tập nén cái cau mày khi thấy con chỉ ăn vài muỗng là buông, tập AQ thôi hôm nay không ăn cơm nhưng có ăn quả chuối…

Mỗi năm ở trường khám sức khỏe, cô giáo báo chỉ số cân nặng chiều cao, em lại AQ thôi thì hơi nhẹ nhưng mà chiều cao vẫn đủ đây này. Quan trọng là con ăn ít nhưng khỏe, chạy chơi vui vẻ cả ngày, từ khi mẹ không còn cằn nhằn chuyện ăn uống của con, quan hệ giữa mẹ con chúng mình công nhận là “lên một tầm cao mới”!

BLW (Baby Lead Weaning) cũng thua cái cân luôn!

Đến khi sinh bé thứ hai, em quyết tâm sửa sai. Kỳ này em kiến thức lẫn kinh nghiệm xương máu đã đầy mình rồi, em cũng không ép anh ăn cháo nữa. Thế là mẹ bỏ qua sự can ngăn của bà ngoại, mời anh ăn cơm nát, cơm hạt, cơm nắm chấm ruốc, trứng luộc cắt nhỏ, bánh xèo nhân cá, trứng hấp, nui, mì, khoai lang, bắp, các loại rau củ luộc..., nói chung cứ nhà có gì cũng mời anh. Anh hào hứng ăn bốc, trây trét khắp bàn ghế, chóp chép trông yêu lắm. Phải tội trước bữa ăn thì mẹ phải lót giấy báo cũ xuống dưới ghế ăn của anh cho đỡ bẩn sàn nhà, chuẩn bị sẵn quần áo, anh xong bữa thì mẹ bế đi tắm gội, xong mẹ quay ra dọn dẹp chiến trường.

Ăn kiểu này thì kỹ năng phát triển rất tốt, 10 tháng anh cầm nĩa xiên trái cây cho vào miệng gọn gàng, 12 tháng đã bưng ly uống nước, bưng chép canh húp sột sột, dùng ống hút thành thạo. Thấy đồ ăn là anh mừng run cả người, nhào tới xin, mẹ thấy con thèm ăn thì mừng trong dạ lắm. Nhưng thú thực thì lượng thức ăn vào bụng anh cũng không nhiều, mẹ anh thấy anh cứ còi dí ra thì cũng lo, nên anh tự ăn xong thì mẹ cũng cố đút thêm cho vài muỗng, khi nào anh chê thì mẹ mới dẹp.


(Ảnh minh họa)

Phấn khởi thế chứ 1 tuổi anh cân nặng 8kg1 mà thôi! Mẹ anh có tí rầu nhưng quyết không nhụt chí, bảo kỹ năng ăn tốt thì từ từ anh sẽ tăng lượng ăn thôi. Quả thật năm tuổi thứ 2 anh ăn khá hơn, chịu uống sữa tươi, nhưng mà đời thì lắm bất ngờ. Trong năm này, anh ốm nhiều trận ra trò: sốt siêu vi, viêm phổi, tiêu chảy cấp khiến cân nặng cứ trồi sụt mãi. Đến sinh nhật 2 tuổi anh cũng chỉ  được 10kg2. Nhưng nhìn anh ăn uống vui vẻ, lém lỉnh như con chuột nhắt mẹ anh lại cố tự an ủi: rồi sau này cũng sẽ cao lớn đẹp trai nặng 60 cân như bố nó thôi.

Thế đấy, qua bao nhiêu ghềnh thác, em tạm rút ra một số “nguyên lý” trong việc “quẳng cái cân đi mà sống” như sau, xin chia sẻ với các mẹ trong hành trình chăm bẵm “siêu còi” sao cho đỡ stress:

Điều gì là quan trọng nhất: Đối với mình, quan trọng nhất là con hạnh phúc vui vẻ, mối quan hệ mẹ con đầy yêu thương và tin cậy. Vì vậy, mình không bao giờ đánh mắng dằn vặt con để mong con ăn nhiều hơn một tí. Cứ thấy bản thân stress, con khóc lóc sợ hãi là mình biết cần điều chỉnh lại chính mình. Mình đã bỏ qua cái cân để chọn sự thoải mái trong gia đình, nơi giờ ăn là niềm vui, là giờ phút “enjoy” chứ không phải để ba mẹ gầm gừ con không nuốt nổi.

Ngưng so sánh: Một số gia đình thích so sánh con mình với con hàng xóm, riêng mình thì không. Nếu chồng bạn đem bạn ra so sánh với vợ anh hàng xóm thì ắt bạn cũng nổi điên. Chúng ta không thể xin thượng đế đổi cho mình một đứa con khác, con cũng không được chọn cửa sinh ra, vậy thì chấp nhận nhược điểm của nhau, cùng nhau phát huy ưu điểm chả phải tốt hơn sao. Từ khi chủ động dừng cuộc đua với cái cân, mình thấy đời mình dễ thở hẳn. Sự nhẹ nhõm của mình thậm chí còn gây ngạc nhiên thích thú cho một số bạn bè, và nhiều mẹ có con “siêu còi” cũng hỏi han mình kinh nghiệm để bớt stress.


(Ảnh minh họa)

Kỹ năng, niềm vui ăn uống quan trọng hơn lượng thức ăn: Con ăn đúng cách, an toàn, vui thích với việc ăn chính là nền tảng bền vững cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của con mai sau. Không khí vui vẻ trong gia đình cũng là tiền đề cho sự tự tin, hạnh phúc của con. Vậy sá gì vài muỗng cơm mà khiến con sợ hãi, ngờ vực đồ ăn lẫn cha mẹ mình?

Dỗ trẻ ăn, không ép ăn: Tuy mình không cho con đi ăn rong, ép con ăn, nhưng mình cũng dụ con, dỗ con ăn thêm một ít. Những bữa bé ăn ít, mình cũng cho xem clip ca nhạc, hoạt hình thêm 15 phút để dỗ con ăn thêm. Nhưng mình nhận thấy, lạm dụng TV Ipad trong thời gian dài 30 – 40 phút cũng không giúp bé ăn nhiều thêm hơn được đâu.

Tôn trọng những ngày con biếng ăn sinh lý. Hãy tìm một bác sĩ đáng tin cậy sẽ vô cùng hữu ích cho cả mẹ lẫn con. Đây sẽ là chỗ dựa tinh thần cho mẹ khi con biếng ăn sinh lý, biếng ăn do bệnh. Nhờ những lời khuyên đúng đắn này, mình bỏ qua những bình siro đầy lysine kích thích ăn uống, những lời khuyên uống sữa tươi thay nước mà bình tĩnh chờ con ăn ngon miệng.

Kết bạn với các mẹ “còi” khác: Để đỡ thấy mình đơn độc, để chia sẻ với nhau những bí kíp hay, dìu nhau qua những ngày gian khó

Vậy đấy, hành trình nuôi các “siêu còi” của em vẫn đang tiếp tục. Em cứ cố gắng bình tĩnh lạc quan để con vui vẻ lớn. Có một điều, em quên tiết lộ, đó là mẹ của các “siêu còi” này lúc tốt nghiệp đại học chỉ nặng có 40 cân, bây giờ sau “hai lửa” rồi vẫn chỉ 44-45 cân thì chúng nó còi cũng phải, ấy là lỗi của ông bà ngoại ban cho mẹ con em bộ gen “ăn hoài ăn mãi không sợ mập”, chứ nào phải lỗi của em, đúng không các mẹ?

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang