"Phải rời bỏ ngôi nhà của mình, chúng tôi cũng rất buồn"
Việc 221 bác sỹ, nhân viên Bệnh viện Bạch Mai xin nghỉ việc, chuyển công tác trong thời gian qua là chuyện hy hữu chưa từng có trong lịch sử Bệnh viện này nói riêng và ngành y tế nói chung.
Trưa 14/4, chia sẻ với phóng viên, một bác sĩ thuộc diện nhân lực chất lượng cao, công tác lâu năm tại Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ông là 1 trong số hơn 200 bác sĩ, nhân viên xin nghỉ việc trong thời gian qua.
Theo vị này, ông vẫn còn tuổi công tác và theo quy định mới còn được kéo dài hơn nhưng vẫn xin nghỉ việc. Hiện ông chưa chuyển sang đơn vị khác công tác mà về nhà nghỉ ngơi, tập trung vào giảng dạy, hỗ trợ cho các bệnh viện khi được mời.
Nói về lý do xin nghỉ việc, vị bác sĩ này cho rằng, ở đây không phải vì vấn đề áp lực, kinh tế mà do cảm thấy không phù hợp với cơ chế quản lý mới nên ông xin nghỉ.
"Với tuổi của tôi làm để cống hiến cho nghề, cho khoa học, các học trò nhưng tôi thấy ở đó bị hạn chế và cách quản lý mới không phù hợp như muốn đi đâu, làm gì phải lên kế hoạch, xin phép, đồng ý mới được đi... Đồng thời, còn nhiều vấn đề khác nên tôi không làm được, xin nghỉ", vị này chia sẻ.
Bệnh viện Bạch Mai.
Vị này cũng cho hay, Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện hạng đặc biệt, tuyến cuối, đơn vị chủ lực trong họat động khám chữa bệnh của ngành Y nên các y, bác sĩ đều muốn được làm việc, cống hiến tại đây.
Tuy nhiên, việc phải nghỉ hay chuyển công tác, nhiều đồng nghiệp của ông cũng cảm thấy buồn, trăn trở.
Vị bác sĩ này cũng cho rằng, theo quan điểm của ông, tên tuổi của Bệnh viện Bạch Mai được xây dựng trong hơn 100 năm qua và có được như bây giờ là nhờ vào việc cứu chữa, phục vụ cho đông đảo người dân, nhất là người nghèo.
Còn giờ đây lại chuyển đi theo hướng chăm sóc chất lượng cao, tăng giá để phục vụ một số người chắc chắn sẽ có những ý kiến trái chiều, chưa thể đồng tình.
Cũng trao đổi với PV, một bác sĩ đã chuyển công tác khỏi bệnh viện Bạch Mai từ trước Tết Nguyên đán cho hay, nguyên nhân chính khiến mình nghỉ việc là do cơ chế của bệnh viện thay đổi sau khi có lãnh đạo mới.
Theo vị này, với cơ chế mới được đưa ra, các cán bộ nhân viên y tế phải làm việc nhiều hơn trước, trong đó, phải học thêm các kỹ năng, áp lực công việc nặng nề hơn, cộng thêm dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng, thậm chí khiến BV bị phong tỏa lại khiến tổng thu nhập lại giảm hơn trước.
Vị bác sĩ này nói, khi anh còn làm việc, mức thu nhập thời gian cuối trước khi rời bệnh viện đã giảm 30 - 40%.
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Bạch Mai trong buổi trao quyết định bổ nhiệm 20 bác sĩ cao cấp của bệnh viện
"Bệnh viện Bạch Mai như ngôi nhà thứ 2 nên khi phải rời bỏ ngôi nhà của mình, chúng tôi cũng rất buồn. Thế nhưng, mỗi người có một lý do riêng và không gắn bó được nữa thì chúng tôi phải rời đi, để tìm cho mình một môi trường mới, tốt hơn", vị bác sĩ này nói.
Còn trao đổi với PV, một vị từng là Trưởng khoa và một số bác sĩ đã nghỉ việc tại Bệnh viện Bạch Mai chỉ xác nhận đã nghỉ việc mà từ chối chia sẻ lý do.
Không phải chảy máu chất xám
Trước đó, TS.BS Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, trong số 221 bác sĩ, nhân viên bệnh viện nghỉ việc thời gian qua, có hơn 113 người là lao động phổ thông làm việc tại các đơn vị dịch vụ, nhà thuốc, tang lễ.... do bệnh viện kiện toàn, tinh gọn.
28 bác sĩ chuyển công tác, thôi việc, trong đó có 1 Phó Giáo sư, 7 Tiến sĩ y học, 2 Tiến sĩ ngành dược học… Những người này chuyển sang nơi có thu nhập cao hơn.
Một số chuyển sang nơi khác, trong số này có Trưởng Khoa Dược, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Trưởng Khoa Thăm dò chức năng, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ.
Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai cũng nhấn mạnh, công tác cán bộ tại bệnh viện không có bất thường, không phải là chảy máu chất xám và không ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện.
Ông Thành nói, có nhiều lý do dẫn đến chuyện 221 người lao động rời bệnh viện thời gian qua, trong đó có việc bệnh viện sắp xếp lại, xóa bỏ đơn vị dịch vụ, nhà tang lễ, giảm số nhà thuốc từ 10 xuống còn 5... dẫn đến có trên 100 lao động dôi dư.
Bên cạnh đó, doanh thu giảm nên thu nhập y, bác sĩ, nhân viên bệnh viện cũng giảm ít nhất 30%, một số bộ phận có thể giảm hơn.
Năm 2020, 2 nguyên lãnh đạo của bệnh viện (cựu Giám đốc và cựu Phó giám đốc) bị bắt để điều tra nghi vấn xung quanh việc mua sắm trang thiết bị và xã hội hóa tại bệnh viện. Ngoài ra, trước những áp lực do dịch đã khiến một số y, bác sĩ bức bối, từ đó không ít người xin nghỉ.
Về ý kiến cho rằng một số người lao động xin nghỉ việc vì bệnh viện nợ lương và chậm lương, ông Thành khẳng định không có chuyện này. Đây là thông tin không chính xác.
"Ngược lại, đối với các trường hợp chấm dứt hợp đồng do tinh gọn bộ máy, đơn vị không còn chức năng… Bệnh viện đều hỗ trợ 2 tháng thu nhập cho cán bộ nhân viên trước nghỉ chế độ, giải quyết toàn bộ chế độ chính sách trước nghỉ. Đồng thời, cam kết nếu bệnh viện có khôi phục lại các dịch vụ, hoạt động này trong tương lai sẽ mời lại các nhân viên đã từng công tác quay trở lại", ông Thành nêu rõ.
Về thông tin cho rằng, nhân viên, bác sĩ trong bệnh viện phải chịu nhiều áp lực, trong đó, có việc cá nhân sai phạm nhưng Bệnh viện Bạch Mai lại có quyết định kỷ luật tập thể, TS Thành cho rằng, đó là quan điểm của bệnh viện trong việc "phòng hơn chữa".
"Chúng tôi không còn quan điểm ai làm người nấy chịu mà yêu cầu lãnh đạo và cả đơn vị có người sai phạm cũng phải có trách nhiệm, từ đó, tạo ra hiệu quả trong việc phòng ngừa.
Trước đây, người ta thấy hoặc sắp thấy đồng nghiệp sai phạm có thể sẽ kệ nhưng khi cả đơn vị phải chịu trách nhiệm thì mọi người cùng phải phòng ngừa, không dám làm sai", ông Thành nói và nhấn mạnh, từ khi có biện pháp xử phạt rất nghiêm túc đã giúp thay đổi hẳn tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/bac-si-nghi-viec-o-benh-vien-bach-mai-khong-hop-cach-quan-ly-di-dau-lam-gi-phai-xin-phep-161211404135122500.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.