Sản phụ sợ "đẻ không đau" sẽ gây đau lưng
Là một bác sĩ sản khoa đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đỡ đẻ nên bác sĩ Trần Ngọc Đính (Trưởng khoa Dịch vụ D5, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cũng rất thấu hiểu tâm lý của các sản phụ khi sinh nở. Bác sĩ đã kể lại kỉ niệm một lần gặp sản phụ đang trong cơn chuyển dạ vô cùng đau đớn nhưng nhất quyết không chọn phương pháp "đẻ không đau": "Sáng sớm vào viện, vừa đặt chân tới phòng đẻ mắt nhắm mắt mở thì nghe tiếng đau rên ở đâu đó... Một em hộ sinh nét mặt mệt mỏi sau đêm trực dài "ngao ngán" nói "Em có giải thích nên làm giảm đau trong đẻ mà sản phụ không chịu, 2 vợ chồng không đồng ý vì sợ... đau lưng về sau".
"Đau như đau đẻ" là câu nói dân gian mà các cụ nhà ta hay dùng để nói về quá trình chuyển dạ sinh. Đau như xé da, xé thịt; đau như chưa bao giờ được đau; đau khủng khiếp... Tóm lại đau thật là đau.
Theo bác sĩ Trần Ngọc Đính, đau đẻ thường không quá khó chịu khi mới bắt đầu chuyển dạ nhưng sẽ thường tồi tệ hơn vào thời điểm cuối.
Đau như vậy thì đẻ làm sao được? Bác sĩ có giúp mình không đau hoặc bớt đau được không?
Sợ "đau đẻ" là một sự sợ hãi chính đáng nhưng... yên tâm! Bác sĩ luôn bên cạnh bạn trong lúc sinh và có cách giúp bạn giảm đau bằng phương gây tê ngoài màng cứng hay còn gọi là "đẻ không đau".
Do việc chưa hiểu đúng về "đẻ không đau", cộng thêm sự truyền miệng "kiểu đe dọa" từ các mẹ nên nhiều người đã không chọn phương pháp giảm đau này khi sinh nở.
Lợi ích khi giảm đau bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng
Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp làm mất cảm giác từ bụng đến chân thông qua một mũi tiêm vào sống lưng. Thuốc gây tê được đưa vào ngoài màng cứng qua 1 ống nhỏ (gọi là catheter) sau đó thuốc sẽ phủ kín các dây thần kinh khiến chúng tê liệt, nhờ đó ngăn chặn được quá trình dẫn truyền cảm giác đau.
Gây tê ngoài màng cứng và gây tủy sống là 2 phương pháp khác nhau. Gây tê tuỷ sống thường áp dụng trong mổ lấy thai.
Bác sĩ Trần Ngọc Đính cũng phân tích một số ưu điểm của phương pháp giảm đau này:
- Sản phụ sẽ không cảm thấy đau nhưng vẫn vận động được, vẫn hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình vượt cạn.
Bác sĩ Trần Ngọc Đính
Giữa một người dùng giảm đau ngoài màng cứng với một người không sử dụng thì việc sau sinh, sau mổ phải ngồi cho bé bú, cả hai đều có khả năng đau lưng như nhau.
- Sản phụ sẽ được nghỉ ngơi, thậm chí có một giấc ngủ ngon để dành sức cho việc rặn đẻ khi mọi thứ đã sẵn sàng (việc đẻ lúc này nhàn vô cùng).
- Không giống như gây mê, đối với gây tê ngoài màng cứng, chỉ một lượng thuốc rất nhỏ có thể tiếp cận với em bé, vì vậy nó rất an toàn cho bé.
- Phương pháp này áp dụng cho cả chuyển dạ sinh thường và cả giảm đau sau mổ đẻ.
Sự thật về mũi "đẻ không đau" khiến sản phụ đau lưng về sau
Nhiều người lo ngại vùng thắt lưng khi gây tê ngoài màng cứng sau này thường đau nhức. Đây cũng là lý do khiến nhiều sản phụ nhất quyết không chọn phương pháp giảm đau này khi sinh thường.
Bác sĩ Trần Ngọc Đính giải thích: "Thật ra giữa một người dùng giảm đau ngoài màng cứng với một người không sử dụng thì việc sau sinh, sau mổ phải ngồi cho bé bú, cả hai đều có khả năng đau lưng như nhau.
Lý do nhiều người đau lưng sau sinh là do tư thế sai khi ngồi cho bé bú, thay tã, thức chăm bé, ngồi nhiều hơn là nằm nghỉ ngơi... Thế nên các mẹ, các bà thường đổ lỗi oan cho mũi giảm đau rất tốt này".
Tại các bệnh viện, mũi giảm đau bằng phương pháp giảm đau bằng gây tê ngoài màng cứng thường được tính ngoài giá dịch vụ sinh nở, dao động khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/mũi.
Theo helino.ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.