Bận rộn ngày Tết, mẹ cho bé ăn gì để vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa nhanh?

Tết đến là lúc mọi người tất bật sắm sửa cho gia đình. Đối với những gia đình có con nhỏ thì ắt hẳn sẽ bận rộn hơn rất nhiều vì vừa phải lo toan việc nhà, vừa phải chăm sóc cho các bé.

Nhiều bậc phụ huynh không khỏi lo lắng vì không có thời gian chế biến thức ăn cho con, dẫn đến những ngày tết các bé chỉ ăn toàn bánh mứt, kẹo ngọt. Để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ các mẹ nên cố gắng giành thời gian điều chỉnh ăn gần với bữa ăn ngày thường cho trẻ.

Đối với trẻ dưới 2 tuổi:

Thông thường bữa ăn của các bé dưới 2 tuổi chủ yếu là cháo, sữa, bột, các thức ăn giàu dinh dưỡng được chế biến từ sữa.

Với các bé có chế độ ăn là cháo, mẹ có thể cho bé ăn các loại bột ăn dặm thay cho cháo vì các loại bột này đã được chế biến đủ chất dinh dưỡng và chỉ cần nấu chín bằng cách pha với nước ấm.

Nếu sử dụng “cháo ăn liền”, để cân đối giữa các chất dinh dưỡng phải cho thêm một muỗng dầu ăn trước khi cho nước sôi vào cháo. Bé ăn xong cháo thì cho bé ăn một miếng phô mai hoặc một quả trứng luộc để có chất đạm, sau đó cho bé ăn trái cây nếu mẹ không có sẵn rau để nấu cho bé.

Trẻ trên 2 tuổi

Đối với trẻ trên 2 tuổi, thức ăn của trẻ đa dạng hơn. Bé có thể ăn các món ăn truyền thống ngày Tết cùng với gia đình.

Cần đảm bảo chế độ ăn đầy đủ cho bé là 3 bữa chính và 3 bữa phụ. Bánh chưng bánh tét được làm từ nếp, thịt, đậu xanh nên rất giàu chất dinh dưỡng và năng lượng rất cao, có thể làm bữa ăn chính thay cho bữa cơm hằng ngày của bé.

Ngoài ra, để tránh cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa trong dịp Tết, các bậc cha mẹ cần chú ý:

- Ăn nhiều rau xanh để giảm táo bón, ợ nóng hay khó tiêu cho các bé ngày Tết. Các mẹ nên lên kế hoạch tích trữ rau xanh trong mùa Tết để cung cấp đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu và hỗ trợ hệ tiêu hóa cho bé tốt hơn. Một số loại củ mẹ có thể để lâu như khoai tây, cà rốt, củ cải, su hào…

- Uống nhiều nước lọc: Bé chắc chắn sẽ thích các loại nước ngọt với đủ hương vị dâu, chanh, táo… hơn là nước lọc. Tuy nhiên, những loại nước ngọt này sẽ khiến bé bị đầy bụng, khó tiêu dẫn đến chán ăn. Các mẹ nên hạn chế tối đa không cho con uống quá nhiều nước ngọt mà thay vào đó khuyến khích con uống nước lọc, nước canh. Ngoài ra, mẹ cũng có thể cho con uống các loại sữa tươi, sữa công thức vào ngày Tết để bổ sung đều đặn dưỡng chất cho con.

- Không ăn đồ tái sống: Các mẹ đặc biệt lưu ý, không cho bé ăn đồ tái sống vào dịp Tết để ngừa tiêu chảy, ngộ độc. Đồ tái sống thường có trong những bữa ăn lẩu hoặc nướng của gia đình. Các loại thịt như thịt bò, cá thường được bố mẹ nhúng sơ vào nước nóng hoặc nướng chín tái để giữ lại độ mềm ngọt của thịt cá.

– Hạn chế bánh kẹo: Bánh kẹo là thực phẩm không thể thiếu trong ngày Tết, và chúng cũng là thực phẩm được yêu thích nhất đối với bất kỳ bé nào. Tuy nhiên, đây chính là thủ phạm hàng đầu khiến bé có nguy cơ bị sâu răng, tăng lượng đường trong máu, rối loạn tiêu hóa… Vì vậy, mẹ cần hạn chế cho bé ăn bánh kẹo. Với những bé dưới 3 tuổi, mẹ nên để bánh kẹo khỏi tầm với của bé, ngoài ra sau khi bé ăn kẹo mẹ nhớ cho bé uống nước lọc.

– Đối với trẻ còn đang bú mẹ phải duy trì tối đa nguồn sữa mẹ giúp trẻ có sức đề kháng tốt hơn với các bệnh tật.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang