Trong hành trình khai mở vùng đất mới, người Tày đã mang theo món bánh coóc mò đến nhiều nơi như Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Trong đó, bánh coóc mò của người Tày - Nùng ở Thái Nguyên tuy rất đỗi bình dị nhưng lại quyến rũ lạ lùng bởi hương thơm đồng nội hoà quyện giữa nếp với lá.
Từ "coóc" trong tiếng Tày nghĩa là sừng, "mò" nghĩa là bò. "Bánh coóc mò" hình chóp nhọn, trông giống sừng bò nên còn có tên gọi dân dã là "bánh sừng bò".
Người Tày thường làm bánh coóc mò trong ngày đầy tháng hoặc thôi nôi của trẻ với mong muốn trẻ mạnh khỏe, ngoan ngoãn, hay ăn chóng lớn.
Chọn gạo làm bánh
Cách làm bánh coóc mò nhìn tưởng đơn giản nhưng ngoài khâu chọn nguyên liệu còn đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của các bà, các mẹ trong việc gói bánh.
Công đoạn gói bánh không chỉ quyết định thẩm mĩ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng của bánh.
Bánh coóc mò được làm từ gạo nếp nương, hạt trắng đục, tròn mẩy. Sau khi lựa chọn kỹ lưỡng, gạo được đãi sạch rồi ngâm trong nước lạnh nhiều giờ cho mềm.
Khi bóp nhẹ thấy hạt gạo vỡ vụn thì vớt gạo để ráo nước, sau đó trộn lẫn với lạc (hoặc đỗ xanh, đỗ đen), xóc thêm chút muối. Lạc gói bánh thường là loại hạt đỏ, tròn đều, vừa thơm bùi, lại tạo màu đẹp.
Gói bánh
Bánh coóc mò được gói bằng lá chuối, lá ỏng lấy trong rừng hoặc lá mai, có nơi dùng lá chít hoặc lá dong gừng (thường mọc rải rác, ẩn mình dưới bóng râm của rừng tre, vầu, có mùi thơm giống hệt lá gừng).
Để gói bánh, người ta sẽ đặt hai lá gối lên nhau, cầm hai đầu lá vắt chéo thành hình chiếc phễu. Múc khoảng 1,5 chén nhỏ gạo nếp đã trộn lạc đổ đầy đến miệng lá.
Có thể dùng một tay giữ phần chóp nhọn của bánh, một tay túm hai đầu lá gập xuống để gạo khỏi rơi ra ngoài, rồi bẻ lá sang bên.
Dùng tay vỗ nhẹ bên ngoài cho gạo xuống đều hoặc lấy chiếc đũa nhỏ chọc nhẹ để gạo nén chặt hơn rồi dùng lạt buộc lại. Sở dĩ phải nén gạo chặt tay để trong quá trình luộc, nước không ngấm vào bánh.
Lạt gói bánh coóc mò được chẻ từ cây giang hoặc cây mỡ. Yêu cầu duy nhất với người chẻ lạt phải thật đều, nhỏ, mềm và dai để khi gói bánh, lạt không làm rách lá. Ngày nay, nhiều nơi thay thế lạt chẻ bằng các loại dây buộc cho thêm phần tiện dụng.
Luộc bánh
Công đoạn buộc lạt chính là khâu quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng của bánh coóc mò. Nếu tay người buộc lạt quá lỏng thì khi luộc, nước sẽ ngấm vào khiến bánh bị nhão, mất ngon. Còn lỡ tay buộc chặt quá thì hạt gạo lại không nở hết, bánh không chín được, không dẻo mà cũng không thơm.
Bánh sau khi gói được ngâm vào nước lạnh khoảng 1 giờ cho bánh ngấm đủ nước, khi luộc sẽ nhanh chín. Thấy nước trên bếp sủi tăm thì thả bánh vào nồi, luộc trong khoảng 2-3 tiếng.
Bánh coóc mò - Thức quà quê dân dã
Bánh coóc mò có 4 góc, ba góc nhọn và một góc tù. Khi chín, bánh chuyển màu xanh và rền như bánh chưng, đạt độ dẻo nhất định, không quá nhão nhưng cũng không được khô.
Cắn miếng bánh, người ăn sẽ cảm nhận ngay được hương thơm gạo nếp nương, thoảng mùi thanh khiết đồng quê của lá gói. Càng nhai càng thấm vị ngọt đậm đà, thơm bùi béo ngậy của lạc đỏ quyện trong cái dẻo mềm của nếp.
Người ưa ngọt có thể chấm bánh với mật hoặc đường, tha hồ ăn no mà chẳng hề ngán.
Nếu có dịp đến với Thái Nguyên, bạn đừng quên thức quà quê giản dị là xâu bánh coóc mò rất đỗi thân thương và ngọt ngào nhé!!!
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.