Tháng Ba, khi những đốm lá màu cốm giót nhún nhảy trên cành trong nắng, người ta lại thấy chộn rộn một nỗi thèm thuồng cái vị ngòn ngọt, thanh thanh, bùi bùi, man mát, trơn trơn của miếng bánh trôi, bánh chay. Là vì thời tiết dụ mị lòng người, hay vì một tục lệ ngàn đời đã mã hóa thành gen, cứ dịp ấy, độ ấy là kích hoạt một thói quen mĩ vị? Khó có thể đưa ra đáp án rạch ròi!
Chỉ biết rằng cứ đến đầu tháng 3 âm, nhiều vùng miền ở cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền Bắc lại rục rịch nào ngâm gạo xay bột, nào đường phên, vừng để làm bánh trôi bánh chay. Và vào mồng 3 tháng 3 Âm lịch, tức Tết Hàn thực, bất kể giàu nghèo sang hèn thế nào, dâng đĩa bánh trôi, bát bánh chay lên ban thờ cúng ông bà Tổ tiên là nét văn hóa đẹp của nhiều gia đình.
Bốn ngàn năm trồng lúa nước, người Việt có hàng trăm thứ bánh làm từ bột gạo, với đủ vị mặn ngọt, với đủ chất béo thanh, với đủ kiểu cách sang hèn. Trong đó, bánh trôi, bánh chay không phải là thức quà đặc sắc nhất, ăn cũng được mà không ăn cũng chẳng sao. Nghi lễ cúng bánh trôi, bánh chay cũng không phải một nghi lễ truyền thống bắt buộc bởi theo nhiều người, Tết Hàn thực xuất phát từ sự tích về Giới Tử Thôi của Trung Quốc.
Dẫu vậy, bánh trôi, bánh chay vẫn cứ là thức quà được ái mộ của tháng 3 âm lịch. Cứ nhìn các bà các mẹ đầu tháng 3 tất bật chuẩn bị bột, đường hay đi chợ sớm tạt vào những gánh rong vỉa hè ăn quà thì biết. Mấy ai không gọi một đĩa bánh trôi để “nhấm nhót” (chữ của Vũ Bằng), hay một bát bánh chay mát dạ cho buổi sáng dông dài.
“Có ai đã từng dự những bữa tiệc ở những nhà hàng cao mười tầng lầu, nuốt một cách khó khăn những món casulee giá hàng ngàn một đĩa, ăn những cái bánh ngọt đầy tú hụ hạnh nhân, đường, săngti và mứt… tất cả đã thấy rằng nhiều khi ăn một bát phở xe đậu ban đêm ở ngoài đường lại ngon hơn, uống một chén nước trà tươi thật nóng, rít một hơi thuốc lào thật say lại thú hơn rồi nhẩn nha thưởng thức một đĩa bánh chay hay nhấm nhót mấy cái bánh trôi lại làm thỏa mãn ông thần khẩu hơn”, Vũ Bằng viết về những thức bánh làm bằng bột nếp trong Tháng Ba, rét nàng Bân - Thương nhớ mười hai.
Với Vũ Bằng, vị thực khách Hà Thành sành nhất thế kỷ XX, bánh trôi bánh chay chỉ lướt qua tháng Ba vài dòng như vậy. Nhưng một từ “nhấm nhót” cũng đủ phác họa một món ăn chơi tinh tế, chỉ có thể ăn ít một, và chỉ có thể ăn thật chậm rãi, nhẩn nha. Và cũng chỉ một câu như thế, cũng đủ để người ta thấy “địa vị" không thể thay thế của những món bánh dân dã nhưng gói gọn hốt cốt tháng Ba này.
Công bằng mà nói, bánh trôi, bánh chay là một trong những loại bánh truyền thống có nguyên liệu đơn giản và dễ làm bậc nhất của người Việt với gạo nếp, đường phên, đỗ xanh, vừng trắng và tất nhiên không thể thiếu bột sắn dây ướp hoa bưởi mẻ Giêng Hai vừa làm. Nguyên liệu chỉ có vậy, dễ tìm, dễ mua, muốn đắt cũng có mà muốn rẻ cũng kiếm được, cứ lựa cơm gắp mắm theo bàn tay tháo vát, giỏi thu vén của người nội trợ.
Khó nhất vẫn là khâu chuẩn bị bột. Bột làm bánh phải là gạo nếp, mà ngon nhất là nếp cái hoa vàng vụ mùa, pha với gạo tẻ theo tỷ lệ của kinh nghiệm, nhào cho thật dẻo, thật ráo, rồi ủ lại cho đủ độ quện dính. Khi đã có bột, đường phên dã xắt hạt lựu, vừng trắng đã rang thơm, đỗ xanh chà vỏ, đãi sạch, đồ chín, ngào đường rồi chỉ cần nồi nước đun sôi thêm chậu nước nguội để luộc bánh xong vớt ra thả vào ngay cho khỏi nát. Dễ thế, nên gần như người Bắc Bộ nào cũng từng có háo hức một lần làm bánh trôi, bánh chay.
Chiếc bánh trôi trắng tròn, mướt mát, bên ngoài thì bùi vị vừng, dẻo vị gạo, bên trong thì ngọt lịm vị đường mật, thoang thoảng se se vị gừng. Mỗi chiếc bánh nhỏ xinh vừa một lần bỏ miệng, dính nhẹ nên phải lựa nhai cho khéo, cho kĩ, thưởng thức chậm rãi hương vị của đồng quê.
Chiếc bánh chay lại dẹt, vị đậm đà hơn, ăn nóng ăn nguội đều ngon cả. Bởi cái ngọt của đỗ xanh ngào đường đã được trung hòa lại bằng nước chè sắn dây hoa bưởi. Múc thìa nước trong như thạch, xắn nhẹ miếng bánh dẻo, cảm giác như được tận hưởng những gì tinh túy nhất của trời đất phút giao mùa.
Giờ thì bánh trôi bánh chay còn là thứ để các chị em đảm đang thể hiện tình yêu với bếp núc. Những chiếc bánh ngũ sắc rực rỡ được nhuộm màu bằng rau củ quả tự nhiên. Người ta trộn bột bánh với nước lá nếp, với thanh long, bí ngô, lá cẩm… cho ra đủ thứ màu hấp dẫn đến nghẹt thở. Rồi không chỉ là chiếc bánh tròn, các chị em biến tấu phá cách với muôn vàn tạo hình tỉ mỉ, sáng tạo đến kinh ngạc.
Bánh trôi, bánh chay thức quà quê mùa năm xưa giờ có thể lên bàn tiệc 5 sao, khoe vẻ ngoài ngọc ngà kiêu sa mĩ miều; hay chí ít cũng đủ đẳng cấp để hiện diện trên mạng xã hội phô bày niềm kiêu hãnh của những phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà.
Chiếc bánh của tháng Ba cứ thế chiếm lĩnh những ngày xuân chín rục, len lỏi vào đời sống thường nhật của người Hà thành, từ già tới trẻ, từ gánh rong hè phố, sạp tre chợ quê đến new feed của những cô nàng sành và đảm. Ngon hay không ngon, truyền thống hay hiện đại, nước lã đun sôi hay nước rau củ quả đủ màu, vừng hay không vừng… chẳng ai tranh cãi.
Chỉ biết, cứ giả thiết một tháng Ba âm lịch, khi nắng vừa bừng lên trên những tán lá xanh và rét nàng Bân còn ngấp nghé ngoài biên ải, thấy háo háo trong người mà ra phố không tìm được một bát chè sắn dây hoa bưởi có lót đáy hai lát bánh chay và rắc đỗ xanh bào, không có đĩa bánh trôi lốm đốm những hạt vừng trắng, xem có thấy nhớ thấy thèm cái vị trơn mát dẻo bùi, cái màu trắng ngần dung dị, cái thanh khiết lưu luyến nơi đầu lưỡi?
Hẳn là khó chịu lắm, bí bách lắm, như một nỗi niềm chưa tìm được nơi trút tâm tư.
Thế nên, tháng Ba vẫn cứ phải có bánh trôi, bánh chay, như hoa tầm xuân phải nở màu hồng phai, hoa dâu da nở màu trắng xám, hoa xoan nở tím ngần, hoa gạo đỏ lập lòe, hoa loa kèn xanh nõn. Dâng đĩa bánh, bát chè lên bàn thờ gia tiên, thành kính nhìn khói hương nhè nhẹ trầm mặc, thấy lòng bâng khuâng, xao xác. Thức quà thanh tịnh ấy như kết nối con cháu với Tổ tiên muôn đời.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.