Theo Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, từ cuối tháng 9, đặc biệt trong tháng 10/2020, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã phải chịu ảnh hưởng liên tiếp của 5 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới (chưa kể cơn bão số 10 đang vào Nam Trung Bộ).
Đặc biệt, cơn bão số 9 mạnh nhất gần 20 năm qua đổ bộ vào đất liền (tâm bão tại Quảng Ngãi) với sức gió cấp 11-12 giật cấp 14-15. Mưa lớn đã gây ngập lụt trên diện rộng, lúc cao điểm tới 1,2 triệu người bị ảnh hưởng ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam. Đây là đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt, khi bão chồng bão, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ, vượt lịch sử.
Đến nay, bão, mưa, lũ sạt lở đất trong tháng 9, 10/2020 đã làm 242 người chết và mất tích, trên 200.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái; nhiều công trình cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nghiêm trọng, phải mất rất nhiều thời gian, nguồn lực mới phục hồi, tái thiết lại được. Tổng thiệt hại kinh tế do bão lũ trong thời gian qua gần 28.800 tỷ đồng.
Hỗ trợ khôi phục sản xuất, chăn nuôi
Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai cho biết, trước mắt, cần hỗ trợ khẩn cấp cho 9 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên để khắc phục hậu quả thiệt hại do bão, mưa lũ, sạt lở đất: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, với tổng kinh phí gần 9.500 tỷ đồng.
Trong đó, sẽ tập trung vào nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn; hỗ trợ gia đình có người bị chết, mất tích, di dời dân cư khẩn cấp; khắc phục nhà bị sập, trôi, hư hỏng nặng do bão, mưa lũ, sạt lở đất. Hỗ trợ gạo cứu đói, giống cây trồng, cơ số thuốc, hóa chất lọc nước, vắc-xin, hóa chất khử trùng phòng, chống dịch trong chăn nuôi, thủy sản…
Theo Bộ NN&PTNT, đến nay, Bộ đã huy động được nguồn hỗ trợ từ các đơn vị cho người dân các tỉnh miền Trung giống cây trồng vật nuôi, thủy sản, thuốc, thức ăn chăn nuôi... ước tính khoảng 100 tỷ đồng.
Tại các tỉnh ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ như Quảng Trị, Quảng Bình, Huế, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quân khu IV và V sẽ được hỗ trợ để khôi phục sản xuất, đặc biệt nhanh chóng khôi phục chăn nuôi gia cầm.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Bộ đã huy động được trên 1,1 triệu con giống gia cầm, 300 nghìn tấn thức ăn chăn nuôi và vắc-xin, thuốc thú y… để hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất. “Chăn nuôi gia cầm sẽ được chú trọng vì có chu kỳ sản xuất ngắn, từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ có sản phẩm. Như vậy bà con sẽ có sinh kế, kết quả tái sản xuất cho những chu kỳ sau”, ông Tiến nói.
Về chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, các địa phương phải khử trùng, tiêu độc, đảm bảo môi trường an toàn, sạch bệnh thì mới tái chăn nuôi, tránh thiệt hại. Cục sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia xây dựng mô hình nuôi gia cầm để tuyên truyền, phổ biến tại các địa phương.
Về thủy sản, các viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản và cơ quan quản lý địa phương tổ chức quan trắc môi trường vùng nuôi nhằm đảm bảo môi trường an toàn trước khi thả nuôi. Tổng cục Thủy sản kết hợp với lực lượng thú y tổ chức hướng dẫn làm sạch môi trường, quan trắc môi trường nuôi đảm bảo các thông số mới khuyến cáo người dân đưa con giống vào sản xuất.
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.