Bắt con ôm hôn người khác thể thể hiện tình cảm, bố mẹ có thể hại con mà không biết

Đúng là những cái ôm hôn có sức mạnh vô cùng to lớn, giúp gắn kết tình cảm giữa những đứa trẻ và bố mẹ, người thân xung quanh nhưng không vì thế mà bạn có thể bắt con làm điều chúng không muốn.

Một thực tế xảy ra là mỗi khi có ai đó giúp đỡ hay tặng quà cho con cái của mình, các bố mẹ thường hay nói: “Hãy cảm ơn ông/bà vì món quà đi con”, “Hãy chạy lại và nói lời cảm ơn với cô/chú về sự giúp đỡ ấy”, “Cô mới mua quà Giáng sinh cho con này, con tặng cô một cái ôm để cảm ơn đi”… Tất cả điều này xuất phát từ tâm lý lo sợ rằng những đứa trẻ sẽ không biết cách thể hiện sự biết ơn, sự cảm ơn đối với mọi người xung quanh.

Tuy nhiên, nếu bạn đang có một bé gái thì bạn nên thay đổi suy nghĩ này. Đó là lời khuyên mà Hội Nữ Hướng Đạo Mỹ (Girl Scouts of America – GSA - một tổ chức thanh thiếu niên dành cho nữ tại Hoa Kỳ và các bé gái sống ở hải ngoại) đưa ra trong một bài nghiên cứu mới đây có tên “Các bé không nợ bất cứ ai một cái ôm hôn nào”.

Cha mẹ nên nhìn nhận lại cách dạy dỗ con cái mình ở việc thể hiện tình cảm, trong đó nhấn mạnh sự biết ơn, cảm ơn, thay vì bắt con phải "ôm để cảm ơn" (Ảnh minh họa).

Với bài nghiên cứu này, GSA đã đào sâu vào văn hóa thể hiện sự bằng lòng, sự cảm ơn và biết ơn từ đó đưa ra quan điểm về cách giáo dục của các phụ huynh đối với con em mình trong vấn đề này.

Tổ chức này đưa ra một lập luận mạnh mẽ để thuyết phục quan điểm của mình rằng các phụ huynh nên nhìn nhận lại cách dạy dỗ con cái mình ở việc thể hiện tình cảm, trong đó nhấn mạnh sự biết ơn, cảm ơn.

Theo đó, GSA nói rằng là những người lớn, là những người đã trưởng thành, các bậc cha mẹ đều có thể hiểu rằng cảm giác biết ơn là một cảm giác xuất hiện hết sức tự nhiên của con người, nó đến và đi không hề bắt buộc, gượng ép. Tuy nhiên, đối với trẻ em, việc cha mẹ và các thầy cô giáo ép con hoặc khuyến khích con ôm người khác để cảm ơn là không nên. Thậm chí, một số ông bố bà mẹ còn dạy con rằng dù có không thích nhưng cũng phải “giả vờ” biết ơn về món quà hoặc việc gì đó người khác làm cho mình.

Những bài học mà các bé gái học được khi còn nhỏ về việc thiết lập ranh giới vật lý và quyền được tôn trọng sẽ theo con trong suốt cuộc đời (Ảnh minh họa).

Nhà tâm lý học phát triển của nhóm Girl’s Scout, Tiến sĩ Andrea Bastiani Archibald, cho biết: “Quan niệm về sự bằng lòng dường như chỉ đúng với người lớn, còn trẻ em thì khác. Những bài học mà các bé gái học được khi còn nhỏ về việc thiết lập ranh giới vật lý và quyền được tôn trọng sẽ theo con trong suốt cuộc đời. Điều đó có thể ảnh hưởng đến cảm giác của bản thân và cơ thể của bé khi lớn lên”.

Nguy cơ tiềm ẩn từ những cái ôm

Trong thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đưa quá nhiều tin tức về các vụ tấn công tình dục trẻ em. Nó có thể xảy ra ở khắp mọi nơi, gia đình, trường học, nơi công cộng... Vậy mà bạn lại dạy con phải ôm những người giúp đỡ mình để cảm ơn. Vậy là thay vì dạy con không bao giờ để người khác chạm vào cơ thể nếu không thích thì đó dường như lại là hành động gián tiếp tiếp tay cho cái xấu.

Do đó, bố mẹ nên dạy con, đặc biệt là các bé gái, hiểu rằng cơ thể chúng là của chúng và con có quyền làm những gì mình muốn. Không ai có quyền ép con phải ôm (hoặc được ôm) người mà con không muốn.

Không muốn ôm - tín hiệu tinh tế ở trẻ

Theo thông tin từ trang tin Yourtango, người lớn không thể kết tội nếu một đứa trẻ không muốn ôm ai đó. Bên cạnh đó, bố mẹ tinh ý sẽ nhận ra thái độ chống đối của con có thể còn là “tín hiệu” cho thấy điều gì đó không bình thường đang xảy ra. Bởi cảm xúc của trẻ thường rất thật, phải có lý do gì đó thì con mới không muốn ôm hoặc để người khác ôm.

Bố mẹ nên dạy con, đặc biệt là các bé gái, hiểu rằng cơ thể chúng là của chúng và con có quyền làm những gì mình muốn (Ảnh minh họa).

Khi đó, thay vì trách mắng con thì điều bạn cần làm là lựa chọn thời điểm thích hợp nhẹ nhàng hỏi lí do vì sao nhằm giúp con tháo gỡ những khúc mắc. Có thể những lý do mà con bạn đưa ra là không quá nghiêm trọng nhưng việc tâm sự, chia sẻ cùng con sẽ giúp con giải tỏa những nỗi lo lắng, sợ sệt cũng như biết được lý do vì sao con không thích ôm, để từ đó không ép buộc con nữa.

Ôm không phải là cách duy nhất để thể hiện tình cảm

Không thể phủ nhận rằng những cái ôm mang lại nhiều lợi ích tích cực, đặc biệt là giúp kết nối tình cảm giữa những đứa trẻ với bố mẹ, người thân xung quanh. Thế nhưng không vì thế mà bắt con phải làm theo. Bởi khi trẻ lên 4 tuổi, con đã có quyền tự chủ đối với cơ thể của mình.

Hãy để con bộc lộ cảm xúc thật của mình và làm chủ cơ thể của mình (Ảnh minh họa).

Nếu con tỏ thái độ không thích ôm, bạn có thể hướng dẫn con dùng cách khác để thể hiện tình cảm. Chẳng hạn như vẽ một bức tranh, hát một bài hát, chia sẻ đồ ăn hoặc đơn giản nữa là nói lời cảm ơn.

Đừng biến con bạn thành một “con thú nhồi bông”, hãy để con bộc lộ cảm xúc thật của mình và làm chủ cơ thể của mình. Điều quan trọng là bố mẹ nên định hướng để con không có những lời lẽ thô tục, hoặc hành động thiếu lịch sự.

Nguồn: Tổng hợp

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang