Bé 15 tháng tuổi tử vong sau 3 ngày gửi nhà trẻ không phép

Khi chồng đưa con trai mới 15 tháng tuổi tại điểm giữ trẻ về nhà, người vợ phát hiện con không còn ý thức được, đầu bầm tím, chân tay mềm hẳn, sau đó tử vong.

Vợ chồng anh Khẳm đau buồn kể lại sự việc.

Vợ chồng anh Khẳm đau buồn kể lại sự việc.

Thẫn thờ nhìn di ảnh con

Gạt dòng nước mắt, anh Nguyễn Thành Khẳm (SN 1993, ngụ khu vực 5, phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) kể, khoảng 17h ngày 5/6, anh đến điểm giữ trẻ tại nhà bà Võ Thị Gái (SN 1964, thường gọi là bà Năm Rô, ngụ khu vực 3, phường Bùi Thị Xuân) đón con trai là cháu N.T.K. (15 tháng tuổi) thì bà Gái nói cháu đang ngủ. 

Khi đến chỗ con nằm trên chiếc võng, anh thấy trên trán cháu có vết bầm, nên gặng hỏi bà Gái. Lúc này, bà Gái nói cháu bị té xe lắc lúc 9h sáng nên bị bầm ở trán, bà đã chườm đá cho tan vết bầm.

Sau khi nghe bà Gái nói, anh Khẳm định đánh thức con dậy thì được bà khuyên cháu mới ngủ nên để cho cháu ngủ thêm xíu nữa. Bà Gái còn bảo anh ẵm cháu trên tay để con gái bà lấy xe máy chở về, tí anh hãy quay lại lấy xe. Nghĩ con đang ngủ nên anh ẵm con trên tay để con gái bà Gái lái xe chở về.

Khi anh Khẳm ẵm cháu K. vừa về đến nhà cũng là lúc vợ là chị Trịnh Thị Thúy Nga đi làm về nên đặt cháu lên nệm cho chị trông. Ở nhà, chị Nga phát hiện cháu K. không còn ý thức được nữa, đầu bầm tím, chân tay mềm hẳn. Dù hoảng sợ nhưng chị vẫn để con cho bà nội trông rồi lấy xe máy chạy đến nhà bà Gái hỏi rõ sự tình để còn biết cách cứu chữa cho con.

“Tôi đến nhà hỏi thì bà Gái bảo cháu chị té xe lắc. Nghi ngờ cháu không phải té xe lắc vì té xe lắc bình thường thì không thể nghiêm trọng như vậy được nên tôi bảo bà ấy nói thật là cháu bị té xe lắc, té cầu thang hay bị đánh. Lúc này, bà ấy vừa run vừa nói lắp bắp rằng đưa cháu đi bệnh viện gấp”, chị Nga kể lại sự việc.

Quay ngược về nhà, vợ chồng chị Nga nhanh chóng đưa cháu K. đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định cấp cứu. Trên đường đến bệnh viện, cháu không còn cảm giác và ý thức gì cả, mà liên tục co giật. Tại đây, các bác sĩ chụp phim và xác định cháu bị chấn thương sọ não. 

“Bác sĩ nói sọ não của cháu có một vết rạn nứt. Máu bầm tụ trong não của cháu quá nhiều và lâu. Tới 22h cùng ngày, bác sĩ chụp phim lần 2 và bảo để trị liệu thuốc tan máu bầm cho cháu, chứ mổ thì rất nguy hiểm bởi phần trăm thành công là rất mong manh. Gia đình xin đưa cháu vào bệnh viện ở TP HCM nhưng bác sĩ nói cháu quá yếu không thể đi được”, chị Nga nghẹn ngào.

Đến tối ngày 7/6, sức khỏe của cháu K. yếu dần. Các bác sĩ tiếp tục chụp phim và xác định máu bầm đã lan rộng khắp não cháu. Đến 1h ngày 8/6 thì cháu không qua khỏi. “Đêm đó, con thở dần yếu đi, nhịp tim xuống thấp, tay chân và môi dần lạnh. Cháu nấc lên 2 tiếng, rồi đi. Tận mắt chứng kiến con ra đi, tôi không nói nên lời, còn đau đớn hơn cả cái chết”, chị Nga nghẹn ngào.

Hoạt động không phép đã 14 năm

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vợ chồng anh Khẳm cưới nhau vào năm 2017 và đến nay chỉ có một đứa con duy nhất là cháu K. Vợ chồng anh mới gửi con cho bà Gái giữ ngày 2/6 thì đến ngày 5/6 cháu gặp nạn. Trước khi xảy ra sự việc, anh làm công nhân gỗ, còn vợ làm công nhân may cho các công ty tại địa phương. Vợ chồng anh đang sống với cha mẹ già.

 

Ngôi nhà cũng là điểm giữ trẻ không phép của bà Gái.

Ngôi nhà cũng là điểm giữ trẻ không phép của bà Gái.

“Có phải như bà Gái bảo rằng cháu bị té xe lắc hay không, hay cháu bị bạo hành. Bởi cháu bị tụ máu ở não và nứt sọ thì phải một lực rất lớn tác động vào đầu cháu, chứ không đơn giản là té xe lắc. Chúng tôi mong ngành chức năng sớm tìm ra sự thật để trả lại công bằng cho con tôi”, anh Khẳm nói.

Theo bà Nguyễn Thị Tường Vi - Chủ tịch UBND phường Bùi Thị Xuân, ngay sau khi cháu K. qua đời, chính quyền địa phương đã đến động viên, chia sẻ với gia đình anh Khẳm.

“Còn điểm giữ trẻ tại nhà bà Gái là tự phát, không có giấy phép, hoạt động đã 14 năm. Tại thời điểm xảy ra sự việc, bà đang giữ 5 cháu bé. Ngay sau khi xảy ra sự việc, địa phương đã yêu cầu bà Gái chấm dứt hoạt động giữ trẻ. Bà Gái có nói là cháu K. bị té xe lắc vào 9h ngày 5/6, còn nguyên nhân về cái chết của cháu K. như thế nào thì hiện đang được cơ quan công an điều tra làm rõ”, bà Vi cho biết.

“Có cung ắt có cầu nên cấm hẳn thì rất khó”

Theo ông Nguyễn Xuân Tịnh - cán bộ văn hóa, xã hội phường Bùi Thị Xuân, trên địa bàn có nhiều công ty, xí nghiệp, do vậy nhu cầu lao động rất cao. Những cặp vợ chồng trẻ ở đây hầu hết đều tham gia làm công nhân nên họ phải gửi con để đi làm.

Tuy nhiên, theo quy định, các trường mẫu giáo, mầm non tư thục chỉ được nhận trẻ từ 36 tháng tuổi trở lên. Trong khi đó, con của những công nhân này đều rất nhỏ nên họ phải gửi ở những điểm giữ trẻ tự phát như nhà bà Gái.

“Ở địa phương hiện có 29 điểm giữ trẻ tự phát như nhà bà Gái. Có cung ắt có cầu nên cấm hẳn thì rất khó. Vậy nên, chính quyền địa phương thường xuyên tăng cường kiểm tra về cơ sở vật chất, vệ sinh thực phẩm cho các cháu; đồng thời nhắc nhở các điểm giữ trẻ không được bạo hành các cháu, phải có đạo đức nghề nghiệp, có lòng yêu thương trẻ”, ông Tịnh cho biết.

“Tôi tha thiết mong các cô giáo, các điểm giữ trẻ hãy đặt những đứa trẻ vào trường hợp con cháu của các cô. Hãy đối xử với các cháu như đối với con, cháu ruột của mình. Hãy yêu thương và chăm sóc cho các cháu. Bọn trẻ ngây thơ và không có tội nên đừng làm tổn thương các cháu, đừng gây tội ác với các cháu”, chị Th. cho biết. 

 

Theo Phapluatplus

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang