Jasmine Shortland 23 tuổi đã không có mặt khi cậu bé Bryan-Andrew Lock qua đời trong giấc ngủ tại nhà ông bà vào ngày 11 tháng 8 năm ngoái.
Mẹ cậu bé đã được thông báo rằng con mình tử vong bởi chứng đột tử ở trẻ nhỏ, nhưng kết luận điều tra vào tháng 2 năm nay cho thấy rằng cậu bé đã tử vong bởi nhiễm trùng huyết.
Jasmine nhớ lại những lời cuối cùng mà Bryan – Andrew nói với cô là “Con yêu mẹ” khi đó con của cô hoàn toàn khỏe mạnh và chỉ bị đau cổ vào ngày hôm đó.
Khi kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy Bryan đã chết vì nhiễm phải một loại vi khuẩn hiếm gặp lây truyền qua vết xước trên nốt thủy đậu của cậu bé. Điều này khiến Jasmine vô cùng sốc.
“Tôi đang cố gắng nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh khác rằng nếu con bạn bị thủy đậu, nó có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng. Tôi đã nghĩ rằng thủy đậu là căn bệnh bình thường và đứa trẻ nào cũng từng mắc phải. Những đứa con khác của tôi cũng đã từng mắc bệnh và chúng đã khỏi nhanh chóng, khỏe mạnh bình thường, không có bất kỳ vấn đề gì.”
Bryan-Andrew đã không bất kỳ triệu chứng gì kỳ lạ trước cái chết đột ngột, ngoài việc cậu bé phàn nàn về việc mình bị đau cổ, khuôn mặt và phần cổ hơi sưng lên. Nhưng mẹ của cậu chỉ nghĩ rằng Bryan có thể bị quai bị.
Bryan và anh trai của bé là Austin đã ở nhà ông bà ngoại vào đêm đó. Sáng hôm sau Bryan đã không thể tỉnh dậy. Mọi người gọi xe cứu thương và các bác sĩ tiến hành hồi sức tim phổi nhưng quá muộn, Bryan đã mãi mãi ra đi.
Jasmine nói rằng: “Đêm trước đó thằng bé vẫn chạy nhảy, cười đùa và dường như không có điều tồi tệ gì đang xảy ra cả”.
“Bố của tôi đã chạy tới nhà tôi và nói rằng Bryan – Andrew đã chết và tôi không tin điều đó, tôi đã chạy thẳng đến nhà bố mẹ. Thằng bé vừa nói chuyện với tôi tối hôm đó và còn bảo rằng con sẽ sớm gặp lại mẹ”.
“Tôi đã từng nghe đến loại vi khuẩn Strep B nhưng tôi chưa bao giờ nghe đến Strep A cho đến ngày hôm đó. Khi bác sĩ bảo rằng con tôi đã chết vì nhiễm phải loại vi khuẩn này. Đã không có bất kỳ dấu hiệu nào để tôi biết rằng con đang gặp nguy hiểm, con chỉ có những triệu chứng giống như quai bị, không có phát ban và không có bất cứ điều gì không bình thường.”
Bryan còn quá nhỏ và cơ thể cậu bé đã không thể kháng lại loại vi khuẩn khủng khiếp này, khiến bé bị nhiễm trùng huyết và tử vong.
Thông tin về loại vi khuẩn mà Bryan nhiễm phải được thông báo cho Jasmine vào tháng 2 năm 2017 sau khi có kết quả khám nghiệm tử thi. Theo bản báo cáo khám nghiệm, Bryan-Andrew đã mắc căn bệnh thủy đậu vào tháng 5 năm 2016 và đã nhiễm phải loại vi khuẩn Atreptococcus A xâm nhập vào cơ thể thông qua những vết xước trên nốt thủy đậu dẫn đến nhiễm trùng.
Jasmine nói rằng: “Điều duy nhất an ủi tôi là con đã ra đi trong giấc ngủ và không phải chịu bất kỳ đau đớn nào”.
Sau khi mất Bryan-Andrew, Jasmine càng thêm đau đớn hơn khi phát hiện ra rằng mình mang thai 10 tuần và đã sảy thai bởi những cơn căng thẳng mà cô phải chịu đựng vì sự ra đi của Bryan.
Jasmine nói: “Tôi đã không hề biết mình mang thai cho đến khi cơn đau bụng ập đến, thật khủng khiếp, tôi gần như đã mất mạng. Tôi đã mất rất nhiều máu nhưng rồi tôi vẫn sống. Tôi nghĩ rằng có thể chính Bryan-Andrew đã tiếp thêm sức mạnh cho mình”.
“Tôi đã mất hai đứa con chỉ trong khoảng một tháng rưỡi, thai nhi có thể là một cô bé. Bryan-Andrew đã luôn mong có một em gái và giờ thằng bé sẽ thay tôi chăm sóc con bé ở thế giới bên kia.”
Sau sự ra đi của cậu con trai, Jasmine trở nên thận trọng hơn. Giờ đây mỗi khi con ốm, cô sẽ đưa lũ trẻ tới bệnh viện để đảm bảo rằng chúng an toàn và sẽ không có bất cứ điều gì đáng tiếc xảy ra.
Hiện tại Jasmine đang nỗ lực tuyên truyền để giúp các bà mẹ khác nâng cao nhận thức về những biến chứng có thể xảy ra khi trẻ mắc bệnh thủy.
Những biến chứng nguy hiểm của căn bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu do một loại siêu vi mang tên Varicella Zoster Virus (VZV) gây nên, thủy đậu là một bệnh rất dễ lây truyền: Khi 1 người mang siêu vi thủy đậu nói, hắt hơi nhảy mũi) hoặc ho... thì các siêu vi đó theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài tan thành bụi. Người khác hít phải bụi đó sẽ lây bệnh ngay. Bệnh xảy ra phần nhiều ở trẻ em, nhưng cũng không ít người lớn mắc bệnh này. Thông thường, từ lúc nhiễm phải siêu vi, đến lúc phát ra bệnh - được gọi là thời gian nung bệnh hoặc ủ bệnh - là khoảng 2-3 tuần.
Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng vô cùng nguy hiểm như:
- Nhiễm trùng và bội nhiễm thứ phát tại các mụn rộp
- Nhiễm trùng huyết, xuất huyết
- Viêm cầu thận cấp
- Viêm não, viêm màng não
- Viêm phổi thủy đậu
- Tổn thương thần kinh trung ương
- Viêm tai
- Bệnh zona
- Viêm thanh quản
Điều trị bệnh thủy đậu đúng cách
Bệnh Thủy đậu thường nhẹ và tự khỏi nên có thể để bệnh nhân tại nhà để chăm sóc. Việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng.
- Để người bệnh nằm trong phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng mặt trời.
- Vệ sinh mũi họng hằng ngày cho bệnh nhân bằng dung dịch nước muối sinh lý.
- Thay quần áo và tắm rửa hằng ngày cho người bệnh bằng nước ấm trong phòng tắm.
- Cho ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước nhất là nước hoa quả.
- Nếu bệnh nhân có ngứa nhiều, khó chịu nên đưa đến khám tại các cơ sở y tế.
- Trường hợp bệnh nhân sốt cao, có thể dùng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường theo hướng dẫn của thầy thuốc.
- Dùng dung dịch xanh Milan để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ.
- Dùng kháng sinh trong trường hợp nốt rạ bị nhiễm trùng: nốt rạ có mũ, tấy đỏ vùng da xung quanh...
- Nên tránh những quan điểm và việc làm không đúng như:
+ Kiêng gió, kiêng nước, để người bệnh ở trong phòng quá kín, cho mặc quần áo quá dày, không tắm rửa vệ sinh hằng ngày khiến người bệnh ngứa ngáy khó chịu, sẽ gãi gây trầy xước các nốt phỏng nước dễ dẫn đến biến chứng nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu.
+ Sử dụng các loại lá cây… đắp lên nốt rạ của người bệnh.
+ Không được dùng những loại thuốc uống hoặc thuốc bôi ngoài da khi không có chỉ định của thầy thuốc.
+ Dùng thuốc Aspirin để hạ sốt.
Theo Mirror
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.