Vì nhiều lý do mà không ít các cặp vợ chồng lựa chọn chia tay nhau dù đã có con chung. Dù yêu thương con nhưng họ cho rằng nếu trong gia đình bố mẹ luôn mâu thuẫn thì con cái khó mà hạnh phúc được. Bởi vậy họ lựa chọn cho nhau lối đi riêng sau nhiều lần cân nhắc và đi đến quyết định vẫn cùng nhau chăm sóc con cái.
Sau khi bố mẹ ly hôn, đứa trẻ ít nhiều chịu sự tổn thương nhất định, đặc biệt là khi bố, mẹ có người mới. Nếu không cư xử khéo léo, gắn kết tình cảm giữa con và mẹ kế/ bố dượng sẽ dẫn đến sự khó hòa hợp trong gia đình. Điều này ảnh hưởng không ít tới tính cách và sự phát triển của con trong tương lai.
Dưới đây là câu chuyện của chị Hoàng Thị Hiên (38 tuổi) kể về câu chuyện của con trai là bé Lê Minh Đức (8 tuổi) và chồng mới của mình - một người đàn ông quốc tịch Đức. Cũng như nhiều gia đình khác, hai bố con đôi khi xảy ra những bất đồng khó nói, sự hờn dỗi, tức giận và cả buồn bực. Thế nhưng bằng sự khéo léo của mình, chị Hiên đã giúp cho hai cha con trở nên yêu thương nhau hơn.
"Những điều không hoàn hảo trong cuộc sống:
Dạo này cậu bé nhà mình bước vào giai đoạn nổi loạn cộng với sự nuông chiều của ông bà nên con càng ương bướng và ít nghe lời bố mẹ hơn. Đỉnh điểm là khi ba yêu cầu bạn học bài thì bạn xin chơi thêm 10 phút nữa rồi mới học. Sẵn đang giận con mấy hôm tích tụ lại, chồng mình nổi cáu lên, thu hết đồ chơi của con gác lên cao. Bạn bé nhà mình cũng nổi giận đứng nhìn thách thức và không nói một lời xin lỗi.
Mình nhẹ nhàng đến bên con nói: Con xin lỗi ba đi, con miễn cưỡng làm theo nhưng thái độ chưa chân thành. Chồng mình thấy vậy liền quát lên: Tao không cần lời xin lỗi của mày rồi yêu cầu con ra khỏi phòng.
Con chạy về phòng riêng, chui vào một góc nhỏ ngồi lặng im. Mình bước theo con vào phòng, ôm lấy con và không nói gì cả. Một lúc sau con nói: Con không thích ba nữa, ba không thương con, ba thu hết Lego của con gác lên cao.
Mình vẫn ôm con: Ừ, mẹ biết nhưng hồi hai mẹ con mình mới sang đây ai mua một hộp bánh kẹo to để trong phòng con nhỉ, con có nhớ con được ăn một lúc hẳn 3 cái kẹo hình máy bay không? Rồi mình kể cho con nghe những kỉ niệm cùng ba, hai ba con cùng nhau lắp giường, đóng bàn học trong phòng con. Vào những ngày trời nắng đẹp cả nhà cùng đi chơi. Mình tìm trong điện thoại những bức hình hai cha con. Khuôn mặt con dần tươi tỉnh lại, con tham gia kể chuyện cùng mình khi mình quên những chi tiết nhỏ, hai mẹ con ôm nhau kể hết chuyện nọ chuyện kia.
Sau cùng mình hỏi con: Con biết tại sao hôm nay ba nổi giận không? Và mình kể cho con nghe công việc của ba, những hôm ba làm việc khuya ngủ quên luôn ở Sofa đến tận sáng hôm sau con cũng thấy. Con im lặng suy nghĩ. Mình nói: Ba rất thương hai mẹ con mình, ba đi làm, ba dạy con học và chơi cùng con, mẹ con mình thiếu gì ba cũng mua. Cậu bé nói: Con xin lỗi ba nhưng ba không cần. Mình khích lệ con: Nếu như con vừa ôm ba vừa xin lỗi thì mẹ nghĩ ba sẽ vui đấy.
Cậu bé nhút nhát vẫn không dám ra xin lỗi, mình khích lệ con: Mẹ đi cùng với con nhé. Hai mẹ con mình dắt nhau vào phòng, mặt chồng mình vẫn lạnh lùng. Con mình lí nhí nói lời xin lỗi nhưng mặt ba vẫn lạnh lùng. Mình nhìn con gật đầu khích lệ, con bước đến ôm cổ ba và nói: Con xin lỗi ba. Lúc này tảng băng lạnh lùng kia mới tan chảy, anh ôm lấy con và nói: Lần sau phải nghe lời ba nhé, việc học là rất quan trọng. Mình nhẹ nhàng rút lui để không gian riêng cho hai cha con. Một lúc sau nghe tiếng 2 cha con cùng nhau cười đùa, mình cũng âm thầm cười theo.
Tối đến trước khi ngủ, mình cảm ơn chồng đã đồng hành cùng mình dạy con mà không hề nhắc đến việc anh tức giận đuổi con ra khỏi phòng, mình tin anh đã tự hiểu. Mình nhấn mạnh tầm quan trọng của người cha trong việc giáo dục cậu con trai đang ngày một lớn, anh ôm mình và hứa sẽ cùng mình nuôi dạy con tốt nhất.
Đa số đàn ông dù có mạnh mẽ đến đâu cũng mềm lòng trước tình yêu thương hồn nhiên của con trẻ, mình đã lợi dụng điều này để kết nối chồng và con, những người không cùng một dòng máu và kết quả chồng và con mình ngày càng gắn kết, thương yêu và hiểu nhau hơn", chị Hiên tâm sự.
Bé Đức bên bố dượng của mình.
Chia sẻ thêm về câu chuyện của bản thân, chị Hiên cho biết sau khi chia tay chồng cũ, chị đã tìm được hạnh phúc mới cho mình. Việc quyết định lập gia đình đã khiến chị trăn trở, suy nghĩ rất nhiều và hơn ai hết chị biết bản thân là người quan trọng nhất với con trai nên bằng mọi cách chị sẽ luôn ở bên, giúp gắn kết và không để con phải tổn thương.
"Mình cảm ơn cả hai bố con vì đã cùng cố gắng. Thời điểm mới sang Đức, con trai mình cũng phải mất một thời gian dài để hòa nhập với môi trường, bạn bè mới. Và lúc nào bên cạnh con cũng có mình. Hiện tại gia đình rất vui vẻ, hạnh phúc và mình hài lòng về điều đó. Con trai mình cũng đã vui vẻ, thích đi học và cháu còn rất giỏi môn Toán nữa", chị Hiên vui vẻ tâm sự.
Quả thực, việc lập gia đình mới là một quyết định cực kỳ dũng cảm, người mẹ sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn. Cả con riêng và chồng mới cũng vậy, nếu không có sự khéo léo, tinh tế thì rất khó để sống chung một cách yêu thương, hòa thuận. Thế nhưng ai cũng khen chị Hiên đã có hành xử rất đúng đắn, không để một ai phải khó xử, đặc biệt là con trai chị Hiên cũng không bị tổn thương khi mẹ có bến đỗ mới.
https://afamily.vn/be-trai-am-uc-vi-bo-duong-noi-cau-quat-mang-nang-loi-nguoi-me-chi-lam-mot-hanh-dong-ma-chong-lap-tuc-thay-doi-yeu-thuong-con-rieng-20220222091959244.chn
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.