Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện đang có mặt tại Bệnh viện Dã chiến số 1, đặt tại Trung tâm y tế tỉnh Chí Linh, Hải Dương hỗ trợ công tác điều trị.
Bác sĩ Cấp cho biết, Bệnh viện Dã chiến số 1 đang điều trị 165 bệnh nhân Covid-19, số bệnh nhân có thể tiếp tục gia tăng. Bệnh viện thu nhận được tối đa 210 bệnh nhân.
Theo ông Cấp, khó khăn lớn nhất của đội ngũ y bác sĩ, là phải chuyển đổi Trung tâm y tế Chí Linh thành Bệnh viện Dã chiến trong thời gian rất ngắn, chỉ từ 9h đêm hôm trước đến 8h sáng hôm sau. 11h trưa bệnh viện bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân.
Đội ngũ nhân viên y tế tại Trung tâm y tế Chí Linh khá mỏng, lại phải phân tán phần lớn lực lượng ra phục vụ các khu cách ly F1, nên nhân lực còn lại khá yếu. Chỉ có vài bác sĩ chuyên khoa 1 trở lên, còn lại đa số là bác sĩ đa khoa mới ra trường hoặc những chuyên khoa không liên quan đến Truyền nhiễm.
Đội ngũ lái xe vận chuyển bệnh nhân được hướng dẫn trước khi thực hiện nhiệm vụ. (Ảnh: BSCC)
"Chúng tôi phải tổ chức tập huấn cấp tốc, cử nhân viên vào làm cùng để hướng dẫn trực tiếp", bác sĩ nói và cho hay đã tổ chức bệnh viện dã chiến thành 4 đội điều trị, mỗi đội chịu trách nhiệm 40-60 giường bệnh.
Cơ cấu mỗi đội gồm 4 bác sĩ, 8 y tá trong vòng 1 trực tiếp điều trị bệnh nhân. Vòng 2 gồm 1 bác sĩ có kinh nghiệm và 1-2 bác sĩ phụ việc chịu trách nhiệm cho chỉ định điều trị. Vòng 3 là các chuyên gia từ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương chịu trách nhiệm hội chẩn và hướng dẫn điều trị trên từng ca bệnh cụ thể, để đảm bảo tất cả các bệnh nhân được theo dõi sát và điều trị chuẩn.
Bác sĩ lo ngại, nếu số lượng bệnh nhân liên tục gia tăng sẽ kéo theo tiêu hao về trang thiết bị phòng hộ, đặc biệt mạng che mặt, khẩu trang N95, khi đó sẽ cần bổ sung thêm để đảm bảo công tác điều trị.
Ngoài ra, bác sĩ Cấp cho biết đã thiết lập khoang áp lực âm trong phòng mổ, sẵn sàng cho tình huống không may có bệnh nhân cần phẫu thuật. Vì thiếu điều kiện, nên các bác sĩ đã cùng những người thợ ở Hải Dương, thiết kế máy hút và lọc khuẩn không khí. "Hy vọng trong thời gian ngắn nhất các đơn vị kỹ thuật chính quy có thể giúp chúng tôi thiết lập được phòng mổ áp lực âm chuẩn", bác sĩ chia sẻ.
Thông qua những nghiên cứu sơ bộ, bác sĩ Cấp nhận thấy một số bệnh nhân có vẻ diễn biến lâm sàng xảy ra sớm hơn so với những bệnh nhân nhiễm chủng cũ. "Do chưa có khẳng định chắc chắn về sự khác biệt, nên việc điều trị bệnh nhân nhiễm chủng mới cũng vẫn tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế. Tuy nhiên phải theo dõi diễn biến bệnh nhân sâu sát hơn ", bác sĩ Cấp nói.
Đánh giá về tiên lượng của các bệnh nhân trong vụ dịch này, ông cho rằng, các bệnh nhân xuất phát từ các khu công nghiệp thì đa số là công nhân khỏe mạnh, nhưng những bệnh nhân từ cộng đồng thì cũng có nhiều bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh nền. Tuy nhiên giai đoạn này còn quá sớm để kết luận về tiên lượng của các bệnh nhân này.
Bác sĩ Cấp khuyến cáo người dân nên tuân thủ nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong phòng chống dịch.
Các nhà hảo tâm hỗ trợ suất ăn cho bệnh nhân và nhân viên y tế. (Ảnh: BSCC)
Bác sĩ Trần Văn Giang, Phó trưởng khoa Virus-Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, chưa thể khẳng định các bệnh nhân nhiễm chủng biến thể mới trở nặng hơn so với giai đoạn trước.
Cụ thể, tỷ lệ các bệnh nhân có viêm phổi, phát hiện trên phim CT phổi và các triệu chứng lâm sàng của bệnh và tỷ lệ bị suy hô hấp nặng và can thiệp ở kỹ thuật cao, chưa khác biệt hẳn so với giai đoạn trước.
"Khi tiếp nhận ca bệnh, chúng tôi đều đánh giá tổng thể các yếu tố, xem tình trạng bệnh, có bệnh nền không, diễn biến ra sao. Chúng tôi có hội đồng đánh giá của bệnh viện để xem xét từng ca bệnh", bác sĩ Giang nói.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/benh-nhan-nhiem-chung-virus-sars-cov-2-moi-dien-bien-lam-sang-xay-ra-som-hon-so-voi-nhung-benh-nhan-nhiem-chung-cu-161210402000104809.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.