Bệnh tay chân miệng là gì?
Tay chân miệng là một loại bệnh truyền nhiễm, bệnh có khả năng lây lan nhanh từ người này sang người khác và lây chủ yếu qua đường tiêu hóa. Mầm bệnh chính là từ nước bọt, phỏng nước và phân của những người bị nhiễm bệnh do virus đường ruột gây ra.
Bệnh tay chân miệng có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là ở nhóm dưới 3 tuổi.
Dấu hiệu của bệnh tay chân miệng
- Giai đoạn ủ bệnh: virus sẽ xâm nhập vào cơ thể trẻ và có thời gian ủ bệnh từ 3 - 7 ngày trước khi khởi phát với các triệu chứng rõ rệt.
- - Giai đoạn khởi phát: trong từ 1 - 2 ngày, ở giai đoạn này bé nhiễm bệnh sẽ có triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, lười ăn, tiêu chảy.
- Giai đoạn toàn phát: kéo dài trong 3 - 10 ngày với các triệu chứng tiêu biểu của bệnh như:
- Loét miệng: vết loét đỏ, các vết phỏng nước đường kính từ 2 - 3 mm ở niêm mạc miệng, lưỡi, lợi; làm cho trẻ bị đau miệng, bỏ ăn, tăng tiết nước bọt.
- Các nốt phát ban dạng phỏng nước: các nốt phát ban này ở trong lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Các nốt phát ban sẽ tồn tại trong khoảng 7 ngày và tự biến mất nhưng sẽ để lại vết thâm. Không loét và ít khi bội nhiễm.
- Sốt nhẹ
- Nôn
Xử lý khi bé bị tay chân miệng
Với những bé bị tay chân miệng thể nhẹ (chỉ có mụn nước và loét miệng), có thể chăm sóc và theo dõi điều trị ở nhà.
- Cách ly trẻ bị bệnh với các trẻ khác trong nhà; Người lớn khi tiếp xúc và chăm sóc trẻ bệnh nên mang khẩu trang y tế cho mình và cho cả trẻ bệnh, sau khi tiếp xúc nên rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sạch ngay để hạn chế sự lây lan khi phải chăm sóc trẻ lành.
- Quần áo, tã lót của trẻ bệnh nên được ngâm dung dịch sát khuẩn như dung dịch cloramin B 2% hoặc luộc nước sôi trước khi được giặt sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch.
- Vật dụng cá nhân ăn uống của trẻ như bình sữa, ly uống nước, bát đũa… nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt.
- Cho trẻ uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu.
- Không làm trẻ đau họng thêm bằng cách dùng muỗng mềm cho ăn, không nên ngậm vú giả, không cho ăn uống các loại thức ăn có vị chua hoặc mặn quá dễ làm tổn thương niêm mạc miệng.
- Súc miệng bằng nước muối ấm (1/2 muỗng canh muối hòa trong 200ml nước ấm) nếu trẻ súc được.
- Chỉ dùng thuốc paracetamol để hạ sốt, giảm đau và các thuốc khác do bác sĩ chỉ định.
Một số sai lầm trong cách xử lý khi bé bị tay chân miệng
Tuy rằng việc chăm sóc và xử lý khi bé bị chân tay miệng nói trên khá đơn giản và có thể giúp hồi phục nhanh chóng nhưng có không ít các mẹ hay người nhà mắc phải một số sai lầm trong cách xử lý khi bé bị tay chân miệng.
Vệ sinh miệng cho trẻ bị tay chân miệng sai cách
Tuyệt đối không nên dùng khăn sữa, bông gạc thấm nước muối để vệ sinh răng miệng cho trẻ, vì nó có thể làm tăng nguy cơ chạm vỡ các vết loét và làm tăng nguy phát sinh nấm. Thay vì sử dụng khăn sữa và tăm bông bạn chỉ cần sử dụng nước muối sinh lý xúc miệng cho trẻ sau mỗi lần ăn, trước khi đi ngủ và sau khi đi dậy.
Ủ ấm trẻ bị tay chân miệng quá mức
Nhiều bậc cha mẹ thường có xu hướng ủ ấm cho trẻ quá mức với hi vọng trẻ toát mồ hôi sẽ hạ nhiệt. Tuy nhiên đây là việc làm rất sai lầm, không những không giúp trẻ hạ sốt, bớt bệnh mà còn làm tình trạng tay chân miệng trẻ em có diễn biến xấu hơn, thậm chí gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Lúc này, thay vì ủ ấm trẻ quá mức mẹ nên cho bé mặc đồ rộng rãi, thoáng mát để bé cảm thấy dễ chịu hơn.
Lạm dụng truyền nước
Ngoài ủ ấm trẻ quá mức nhiều bậc phụ huynh còn sai lầm trong việc lạm dụng truyền nước với mong muốn trẻ sẽ mau hồi phục. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế thì biện pháp truyền nước chỉ nên áp dụng khi trẻ có những biểu hiện mất nước nặng như nôn mửa, tiêu chảy, sốt cao và phải theo chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp bé chỉ bị sốt nhẹ và được chỉ định điều trị tại nhà bạn chỉ nên tăng cường cho bé uống nhiều nước và các loại trái cây, nhất là các loại trái cây giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng.
Kiêng khem quá mức
Một điều quan trọng nữa trong cách xử lý khi bé bị tay chân miệng mà các mẹ cần đặc biệt lưu ý đó là tuyệt đối không kiêng tắm. Hãy tắm cho bé mỗi ngày bằng nước ấm để làm sạch cơ thể, giúp bé cảm thấy thoải mái và làm “triệt tiêu” nơi nương náu của các mầm bệnh.
Phòng bệnh vẫn là tốt nhất
Hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh nên cần thực hiện tốt các biện pháp sau: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Nếu có chăm sóc trẻ thì cần lưu ý rửa tay sau mỗi lần thay tã, làm vệ sinh cho trẻ. Vệ sinh các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi, sàn nhà bằng nước và xà phòng, rồi khử khuẩn bằng cloramin B 5% (có thể mua tại nhà thuốc). Đeo khẩu trang mũi miệng khi hắt hơi hoặc ho. Ăn chín uống sôi và khử khuẩn môi trường có trẻ bị bệnh và môi trường xung quanh. Cách ly người bệnh tại nhà cho đến khi khỏi bệnh (thường ít nhất là 7 - 10 ngày). Điều cần lưu ý với các bà mẹ là bệnh tay chân miệng lúc đầu có thể chỉ sốt nhẹ, ho khan, nổi ban... giống như các nhiễm virut thông thường khác nhưng sau đó một số ít sẽ nguy kịch nhanh. Tốt nhất là khi có bất cứ bất thường nào nên đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế gần nhà để được khám chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tổng hợp
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.