Hãy tưởng tượng một buổi sáng bình thường bạn bước chân ra khỏi nhà để làm công việc quen thuộc. Bạn lùa đàn gia súc ra bãi cỏ để chúng kiếm ăn. Cảnh vật thật thanh bình với trời xanh, mây trắng, cây cối và hồ nước xa xa. Bỗng, một đám mây kỳ dị dần dần tiến tới chỗ bạn và ban đầu bạn tò mò không biết nó ở đâu ra.
Rồi đột nhiên, không khí thay đổi. Bạn không thể thở. Thậm chí không thể nói. Xung quanh ngập tràn một mùi thật kinh khủng mà mỗi khi hít vào bạn lại cảm thấy lồng ngực mình đau nhói. Bạn ngã xuống, tầm nhìn mờ dần đi, cả đầu và cơ thể không thể kiểm soát được. Bạn lê tấm thân hy vọng cầu cứu nhưng vô vọng. Từ mũi và miệng của bạn bắt đầu chảy máu. Xung quanh, bạn thấy đàn gia súc, từng con từng con một, vật vã trong cơn giãy chết. Cả cơ thể bạn cũng đang run lên trong cơn hấp hối …
Đó hoàn toàn là những chuyện đã xảy ra với người dân của làng Nyos, vào cái ngày định mệnh ấy, ngày 21 tháng 8 năm 1986, trong một thảm kịch đã tuyệt diệt cả một ngôi làng. Một trong những thảm kịch tự nhiên kỳ lạ và bí ẩn nhất trong lịch sử xảy ra tại khu vực hồ Nyos – vốn là hồ nước được hình thành trên miệng một núi lửa đã ngừng hoạt động tại Đông Bắc Cameroon.
Cảnh tượng kinh dị xảy ra vào ngày hôm đó ở làng Nyos
Đột nhiên, không hề báo trước, từ lòng hồ đã tạo ra một đám mây chết chóc bao trùm toàn bộ một vùng đất trong vòng bán kính 25 km (16 dặm), di chuyển với tộc độ gần 100 km/h. Bàn tay thần chết của đám mây đã rút kiệt khí oxy trong không khí, rải xác chết trên đường đi của nó, khiến 1.746 người và hơn 3500 sinh vật sống khác tử vong chỉ trong vòng vài phút.
Thảm họa được miêu tả hệt như trong cảnh ngày tận thế của Kinh thánh, với cảnh người và vật chết trong đau đớn mà không rõ lý do, không một dấu vết. Rất nhiều người dân từ các làng Cha, Nyos, Subum thuộc phạm vi ảnh hưởng của hồ chết ngay trong giấc ngủ của mình. Những người khác tử vong ngay lập tức khi họ đi ra cửa để nhìn xem chuyện gì đang xảy ra. Vài người cố chạy trốn nhưng không kịp. Thậm chí ngay cả những con ruồi nhỏ cũng không thoát được, không một ai có thể ngăn chặn được sức mạnh của tử thần vô hình.
Một vài người còn sống sót kể lại về thảm kịch kinh hoàng này: “Tôi không thể thốt lên lời. Tôi bắt đầu mê man. Tôi không thể mở miệng được vì ngửi thấy một mùi thật kinh khủng … Tôi nghe thấy con gái mình đang ngáy theo một cách thật ghê sợ, thật bất bình thường … Khi tôi đi qua giường con gái … tôi đã gục ngã … Tay tôi bị vài vết thương mà tôi không biết nó ở đâu ra. Tôi muốn cất tiếng nói nhưng hơi thở không bật ra … Con gái tôi thì đã chết.” Đó là lời tường thuật của anh Joseph Nkwain, người tỉnh dậy sau ba tiếng bị bất tỉnh. Anh trốn thoát được do đã kịp thời chạy xe máy vượt xa tầm ảnh hưởng của đám mây.
Các nhà khoa học đã xác nhận rằng, vào thời điểm đó, hồ Nyos đã thải ra một lượng khí độc CO2 khổng lồ từ 300 đến 1,6 triệu lít. Và vì khí CO2 nặng hơn không khí xung quanh, nó nhanh chóng chìm xuống các thung lũng dưới đây, bao trùm nó trong một tấm lưới khí độc dày đặc.
Giải thích của nhà khoa học về hiện tượng này
Do nằm trên miệng núi lửa, các khí độc từ đó thoát ra đều được lưu giữ hết ngày này qua ngày khác trong lòng hồ, tích tụ dần thành một lượn lớn tập trung ở vùng nước sâu nhất. Và do sự chênh lệch nhiệt độ của vùng nhiệt đới đã tạo ra một dòng nước ấm làm “nắp đậy” trên dòng nước lạnh dưới đáy.
Nhưng do một lí do nào đó, “nắp đậy” đã bị bật ra. Cho đến giờ, vẫn không ai nắm chắc được điều gì đã phá vỡ dấu phong ấn. Có thể là động đất, sạt lở hoặc phun trào núi lửa hay đơn giản hơn là một loại máy móc nặng nề nào đó đã khuấy động dòng nước. Không có câu trả lời rõ ràng, thậm chí còn có thuyết âm mưu cho rằng đó là hậu quả của một cuộc nổ bom thử nghiệm giữa chính phủ Isarel và Cameroon.
Ngòi nổ kích hoạt thì chìm vào bí ẩn, nhưng kết quả của nó thì thật thảm khốc.
Ngày nay, để ngăn chặn thảm kịch xảy ra một lần nữa, vào năm 2001, các kỹ sư đã lắp đặt dưới lòng hồ một bộ đường ống để hút khí CO2 và thải nó từ từ vào không khí. Năm 2011, một bộ ống khác được lắp đặt thêm sau khi các nhà nghiên cứu đưa ra lời cảnh báo về một vụ nổ khí gas “có thể lớn hơn cả những thảm họa trước đó.”
Tuy nhiên, khi một vấn đề được giải quyết thì một rắc rối khác lại nổi lên. Thành lòng hồ đang bị suy yếu và chỉ cần một vài tác động vào vùng đất xung quanh đấy, làm xô lệch đi thì không ai có thể lường trước được hậu quả gì có thể xảy ra. Ngay lập tức, một con đập được xây quanh hồ, nhưng vòng bảo vệ này vẫn còn quá mong manh.
Dù sao thì cho đến giờ, hồ Nyos vẫn giữ được vẻ hiền hòa của nó. Chúng ta hãy hy vọng rằng các nhà khoa học sẽ sớm tìm ra cách kiểm soát hoàn toàn con quái vật say ngủ này để sự kiện kinh hoàng hơn 30 năm trước sẽ không xảy ra một lần nữa.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.