Bí quyết tự làm bánh trôi ngũ sắc ngon nhanh gọn hoàn toàn từ thiên nhiên

(lamchame.vn) - Ngày Tết Hàn Thực ở Việt Nam là thời điểm cả gia đình quây quần bên nhau nặn bánh trôi bánh chay, đặt lên bàn thờ để tưởng nhớ tổ tiên, cội nguồn. Công thức bánh trôi ngũ sắc hoàn toàn sử dụng những nguyên liệu từ thiên nhiên để tạo màu cho vỏ bánh nhưng thành phẩm cực kì lung linh.

Tết Hàn Thực được xem là một ngày lễ truyền thống của Việt Nam khi người dân khắp vùng đều nặn bánh trôi, bánh chay cúng lên tổ tiên vào ngày 3/3 Âm lịch hàng năm. Theo chuyên gia văn hóa Nguyễn Hồng, ngày Tết Hàn Thực bắt nguồn từ văn hóa Trung Quốc. Nhưng tại Việt Nam có những điểm khác biệt lớn, mang đậm bản sắc dân tộc rõ nét.

"Vào ngày Tết Hàn Thực, người dân Việt Nam lamd bánh trôi, bánh chay. Bánh được làm ra đều đặt lên bàn thờ để cúng bái và tưởng nhớ gia tiên, mang ý nghĩa nhớ về cội nguồn. Đặc biệt, hình tượng nặn nhiều chiếc bánh trôi, bánh chay tròn vo, nho nhỏ, xếp đầy trên đĩa cũng mang hàm ý tưởng nhớ đến mẹ Âu Cơ khi sinh ra bọc trăm trứng, thể hiện người dân Việt Nam nhớ rõ cội nguồn con rồng cháu tiên của mình" - chuyên gia văn hóa này chia sẻ.

Bánh trôi ngũ sắc thờ cúng tổ tiên

Công thức bánh trôi ngũ sắc lamchame.vn giới thiệu đến các bạn hoàn toàn sử dụng những nguyên liệu từ thiên nhiên để tạo màu cho vỏ bánh nhưng thành phẩm cũng cực kì lung linh. Hy vọng công thức bánh trôi ngũ sắc này sẽ giúp tạo nên những giây phút vui vẻ cho nhà bạn vào dịp Tết Hàn Thực.

Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu

A. Công thức cơ bản (màu trắng)

  • 100 g bột nếp
  • 85 ml nước ấm (lượng nước có thể thay đổi tuỳ vào độ hút nước của bột)
  • 20 viên đường mật
  • 20 g vừng trắng rang chín

B. Để làm bánh các màu, thay nước trong phần (A) bằng các hỗn hợp sau

* Màu xanh lá

  • 30 g lá nếp/ lá dứa (pandan leaves)
  • 100 ml nước

* Màu xanh lam:

  • 1-2 g hoa đậu biếc khô
  • 85 ml nước

* Màu hồng:

  • 1-2 g hoa bụp dấm khô (hibicus)
  • 85 ml nước

* Màu vàng:

  • 15 ml nước cốt chanh leo
  • 70 ml nước

Ghi chú:

  • Đường làm bánh trôi: nếu không tìm được loại đường mật thì có thể thay bằng đường thốt nốt hoặc đường mía đóng miếng rồi tự chia thành những viên vừa ăn.
  • Bạn có thể dùng các loại nguyên liệu tự nhiên khác để làm màu: ví dụ dành dành (màu vàng), gấc (màu đỏ), lá cẩm (màu tím), trà xanh…

Bước 2: Tiến hành làm bánh

1. Chuẩn bị màu tự nhiên:

  • Rửa sạch 30g lá dứa (lá nếp), cắt nhỏ rồi xay nhuyễn với 100ml nước. Sau đó vắt lấy nước cốt.
  • Hoa đậu biếc và hoa bụp giấm khô ngâm cùng 85ml nước sôi để lấy màu
  • Chanh leo rửa sạch, bổ đôi, bỏ hạt để lấy nước cốt.
  • Lá nếp cắt nhỏ xay nguyễn với nước

2. Chuẩn bị vỏ bánh:

– Cho 100g bột nếp vào bát to rồi từ từ đổ 85ml nước ấm vào, dùng tay nhào đều đến khi khối bột mềm dẻo, không quá khô hay ướt. Lượng nước có thể thay đổi tuỳ vào độ hút nước của bột. Bột không được quá khô (cầm vào bẻ ra thấy bột bở và dễ vỡ) hay quá ướt (cảm giác bột có độ chảy). Nếu bột quá khô hay ướt, có thể chữa bằng cách thêm bột khô hoặc nước để điều chỉnh.

Dùng nilon che kín bột để bột không bị khô.

Nhào bột không quá khô hoặc quá ướt

– Làm tương tự với những màu bột khác. Tỉ lệ bột và nước là 100g bột nếp : 85ml nước ấm. Nên làm nước màu rất đặc để khi trộn với bột, màu nhạt dần thành vừa.

Trộn nước với bột tùy chỉnh với từng loại bột

– Chia khối bột ra làm nhiều phần nhỏ (~10gram) rồi ấn dẹt từng khối bột, đặt nhân vào giữa rồi miết kín lại, vo tròn. Cần miết kín bột để không khí không bị lọt vào bên trong bánh, khi luộc bánh sẽ dễ bị nứt/vỡ.

3. Nặn và luộc bánh trôi:

Nặn bánh trôi

Nặn bánh trôi để riêng từng màu

– Chuẩn bị một nồi nước to và 1 một bát nước lạnh. Đun sôi nước, đợi nước sôi mạnh rồi thả bánh vào luộc. Nên luộc bánh theo các màu từ nhạt đến đậm để bánh không bị lẫn màu với nhau. Nếu làm nhiều thì nên luộc riêng từng màu, thay nước để các màu và vị không bị lẫn với nhau.

– Bánh nổi lên mặt nước là đã chín. Để bánh nổi khoảng 1 – 2 phút trong nồi, giúp vỏ bánh mềm dẻo và nhân có thời gian chảy một chút sẽ giúp bánh ngon hơn. Vớt bánh ra, thả vào bát nước lạnh cho bánh không bị dính vào nhau.

– Bánh trôi vớt ra, sắp trên đĩa. Bạn có thể bày lẫn các màu bánh với nhau để đĩa bánh nhìn đẹp mắt hơn.

Vớt bánh trôi ngũ sắc đặt cạnh nhau nhìn đẹp mắt

4. Trang trí:

– Dùng đấu ngón tay nhúng sơ qua nước, chấm vào bát đựng vừng trắng đã rang chín rồi dính lên mặt bánh. Bằng cách này vừng sẽ không bị lộn xộn như khi rắc lên trên.

Bánh trôi sau khi luộc nên dùng trong ngày, để lâu bánh dễ bị khô và cứng, sẽ kém ngon hơn.

Thành phẩm bánh trôi ngũ sắc

Chúc các bạn thành công!

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang