Bố mẹ cãi vã, con trẻ hoang mang sợ hãi: Hệ lụy khôn lường, người lớn cần biết để xem lại bản thân!

Trên thực tế, đã từng có không ít trẻ nhỏ vì thường xuyên phải chứng kiến cảnh bố mẹ cãi vã mà cảm thấy lo lắng, sợ hãi và thậm chí là bị trầm cảm.

Sáng 26/11, tại chung cư Goldmark City, 136 Hồ Tùng Mậu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, người dân bàng hoàng phát hiện bé gái tên L. (12 tuổi) rơi từ tầng 39 của tòa nhà xuống đất. Khi cơ quan chức năng đến hiện trường, cháu bé đã tử vong.

Theo đó, bé L. nhảy lầu vì buồn chuyện gia đình. Bố mẹ sắp ly hôn, vì không chịu được cú sốc mà cháu bé đã có quyết định dại dột.

Câu chuyện đau lòng này một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo đến những người làm cha mẹ về những tác động tiêu cực lên con trẻ khi cha mẹ bất hòa cũng như cách thức ứng xử cần thiết với con cái khi người lớn xảy ra xung đột.

Trong các gia đình, việc vợ chồng đôi khỉ xảy ra tranh cãi là điều khó tránh khỏi. Có những lúc, có lẽ vì quá mệt mỏi, áp lực cuộc sống quá lớn, vì chuyện tiền bạc, chuyện gia đình… mà người làm cha mẹ mất kiểm soát, không thể kìm nén cảm xúc dẫn đến các cuộc "chiến tranh".

Tuy nhiên, bố mẹ cần phải nhận thức được rằng: Nếu xung đột quá thường xuyên, quá kịch liệt, hơn nữa còn không thể giải quyết được, việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến con cái. 

Theo độ tuổi khác nhau, trẻ sẽ bị tác động theo những cách khác nhau, ví dụ với trẻ mẫu giáo, các bé sẽ sợ sệt, ảnh hưởng đến tâm sinh lý, việc ăn, ngủ.

Với trẻ tiểu học, việc chứng kiến bố mẹ thường xuyên tranh cãi, gia đình thường xuyên căng thẳng sẽ khiến các em cảm thấy chán nản uất ức, từ đó ảnh hưởng đến việc học hành, còn với các bạn lớn hơn một chút, việc này thậm chí có thể dẫn đến khả năng trẻ tự làm hại chính mình.

Chính bởi lẽ đó, khi người lớn đang đứng trước nguy cơ nảy sinh xung đột, phải làm sao để tránh làm tổn thương đến con cái là việc mà người làm bố mẹ rất cần lưu tâm.

Khi bố mẹ cãi nhau, nếu đôi bên có thể bình tĩnh trở lại và thảo luận vấn đề phát sinh theo lý trí thì đây chính là giải pháp tốt nhất. 

Chỉ có điều trong phần lớn các trường hợp, người trong cuộc không thể điều khiển cảm xúc về trạng thái bình thường, vì thế mà càng cãi nhau càng gay gắt, cuối cùng rơi vào vòng xoáy chữa đầy những năng lượng tiêu cực, khiến không khí gia đình vô cùng căng thẳng.

Những tác động khôn lường từ việc bố mẹ hay cãi vã đối với con cái: Người lớn nên biết để tự điều chỉnh chính mình! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Có một số người, biểu hiện của họ trong các tình huống này chẳng khác gì một đứa trẻ, gào khóc, la hét, thậm chí là vì cả giận mất khôn mà buông ra những lời nói thiếu suy nghĩ, ví dụ như "chia tay ngay đi", "ly hôn đi"…

Khi con cái nhìn thấy cảnh người lớn mất kiểm soát, cãi vã xung đột không ai nhường ai, chúng sẽ cảm thấy bất an, buồn và thậm chí sẽ khóc vì sợ. Có một số các bạn nhỏ thậm chí vì chuyện này mà gặp vấn đề về tâm lý, khó ngủ, không muốn đi học hoặc cả ngày chỉ muốn ở với bạn bè, không muốn về nhà.

Nếu như cuộc cãi vã của bố mẹ có liên quan đến trẻ, trẻ sẽ cho rằng bố mẹ cãi nhau vì lỗi của mình và sống trong sự lo lắng, sợ hãi rằng mình có thể sẽ mất đi gia đình.

Trong trường hợp không thể nhẫn nhịn, để xảy ra cãi vã, nên làm gì để tránh gây tổn thương cho con cái?

Con người sống với nhau nhưng ý kiến bất đồng là điều cũng thường thấy, điều quan trọng là mỗi người cần bình tĩnh, học cách lắng nghe và thử tìm kiếm điểm tương đồng trong sự khác biệt, không nên tùy tiện nóng nảy dẫn đến cãi vã, càng không nên cuốn trẻ con vào cuộc tranh cãi, đặc biệt là khi vấn đề tranh cãi liên quan đến trẻ.

Trong trường hợp không thể kiểm soát nguy cơ xảy ra một cuộc chiến, bố mẹ hãy cố gắng không để việc này xảy ra trước mặt con cái.

Những tác động khôn lường từ việc bố mẹ hay cãi vã đối với con cái: Người lớn nên biết để tự điều chỉnh chính mình! - Ảnh 2.

Nếu đã lỡ cãi nhau dưới sự chứng kiến của con, sau cuộc cãi vã, bố mẹ cần nhanh chóng xin lỗi và làm hòa, để con cái biết rằng giữa bố với mẹ đã không còn chuyện gì, ý kiến dù không tương đồng nhưng không đồng nghĩa với việc bố mẹ sẽ ly hôn hoặc không còn yêu thương nhau.

Tất nhiên, không một gia đình nào là hoàn hảo, sau xung đột, bố mẹ nên từ từ cho con cái biết, có một số việc vì không thể kìm nén mãi trong lòng, việc nói ra những suy nghĩ, quan điểm của mình mới có thể giúp bố mẹ thoải mái hơn.

Mối quan hệ của bố mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm sinh lý của con cái, thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến tinh thần, học tập, nghề nghiệp cũng như các mối quan hệ trong tương lai của trẻ.

Vì thế, người làm cha mẹ hãy nhìn lại mình, lắng nghe nhau nhiều hơn, yêu thương nhau nhiều hơn để tạo cho con cái một bầu không khí gia đình hạnh phúc, để trẻ luôn cảm nhận được niềm vui, sự yêu thương.

 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang