Là cha mẹ, ai cũng mong con mình giỏi giang, ngoan ngoãn, tương lai thành đạt và có cuộc sống hạnh phúc. Tuy nhiên, những gì trẻ đạt được trong tương lai chính là thành quả sau một quá trình nỗ lực, không ngừng cố gắng trong suốt tuổi thơ của con. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào tình yêu thương và phương pháp giáo dục của cha mẹ.
Mỗi gia đình lại có một cách dạy con tuỳ thuộc vào tính cách của bé. Dẫu vậy, để con thông minh, lớn lên giỏi giang, thành đạt thì các bậc cha mẹ đều có một mẫu số chung trong phương pháp giáo dục. Mới đây, theo một nghiên cứu chỉ ra, bố mẹ của những em bé giỏi giang, ngoan ngoãn thường có 5 đặc điểm này, tưởng đơn giản nhưng không phải phụ huynh nào cũng đủ kiên nhẫn để thực hiện.
Đặc điểm thứ 1: Bố mẹ dạy con tự lập từ bé
Cha mẹ cần lưu ý cách dạy con từ thực tế khắc nghiệt của thế giới hiện đại để con có thêm kinh nghiệm sống mà không phải học hỏi từ bạn bè hay phải trả giá sau này. Để giúp con trở thành người tự lập, tự chủ và đối phó tốt với đời sống thực trong tương lai, cha mẹ cần lưu ý cách nuôi dạy như sau:
- Không theo sát mọi chuyện của con: Là cha mẹ, ai cũng quan tâm đến con cái của mình. Tuy nhiên, việc cha mẹ luôn theo sát từng ly từng tý sẽ tạo cho con cảm giác ''bị quản lý''. Chúng sẽ thấy bất tiện, không thoải mái ở mọi khía cạnh trong cuộc sống.
- Biết chấp nhận thất bại ở con: Chiến thắng không phải là tất cả dẫu không ai muốn thất bại. Đôi khi cha mẹ hoài nghi bản thân vì mong muốn trở nên hoàn hảo khiến chúng ta nghĩ rằng mình đang thất bại trong việc làm phụ huynh. Hãy cho phép con trải qua thất bại và nhìn con đứng lên.
- Để con biết chịu trách nhiệm: Hãy để con tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình và cha mẹ đứng quan sát từ xa, xem xét thái độ và mức độ tiến bộ của con. Điều này không phải là phó mặc, mà là dạy con trách nhiệm bản thân.
- Đừng quá vỗ về: Mức độ an ủi, vỗ về con vừa phải có tác dụng tốt nhưng nếu nuông chiều con quá mức sẽ làm con yếu đuối, không quyết đoán sau này. Hãy tâm sự với con, thay vì cứ nựng con kiểu như ''mẹ thương con quá, xót xa con của mẹ quá''.
Đặc điểm thứ 2: Bố mẹ dạy con học kỹ năng mềm/ kỹ năng xã hội từ nhỏ
Dạy kỹ năng sống cho trẻ là một việc làm vô cùng cần thiết để giúp bé biết xử lý và ứng phó tốt hơn với những tình huống bất chợt xảy ra. Một số kỹ năng cần thiết mà cha mẹ nên dạy con như:
- Dạy trẻ kỹ năng giao tiếp: Đây là kỹ năng quan trọng cần hình thành sớm từ mỗi trẻ, từ lúc các bé biết nói bập bẹ là chúng ta nên hướng dẫn bé cách giao tiếp rồi. Giao tiếp với người lớn, với bạn bè, mỗi đối tượng sẽ cần có cách nói chuyện khác nhau.
- Dạy con biết cách cảm ơn, xin lỗi đúng lúc: Bố mẹ khôn ngoan là những người biết dạy những kỹ năng sống cho trẻ qua hành động biết cảm ơn và xin lỗi đúng lúc, đúng chỗ. Trẻ làm sai, cần phải học cách xin lỗi với thái độ thành khẩn.
- Dạy con cách cư xử văn minh ở mọi nơi: Việc dạy con cách cư xử văn minh, lịch sự ngay từ nhỏ sẽ giúp các bé hình thành những phẩm chất đạo đức tốt, hứa hẹn trở thành những công dân có ích cho xã hội.
- Dạy bé cách đối phó với nguy hiểm, tình huống đột xuất: Bất cứ lúc nào, trẻ cũng có thể gặp nguy hiểm. Điều cần thiết lúc này là hãy dạy cho trẻ cách nhận biết, đối đầu và phản ứng lanh lẹ khi rơi vào những tình huống thiếu an toàn. Đó là các kỹ năng như khi gặp người lạ, con sẽ phải ứng xử ra sao, bố mẹ vắng nhà có người lạ đến thì làm thế nào, ở trường hoặc bất cứ nơi đâu có tình huống cấp bách con phải xử lý thế nào.
Đặc điểm thứ 3: Bố mẹ để con tự nếm trải và đứng lên sau vấp ngã
Trong cuộc sống, không ai hoàn hảo đến mức chẳng bao giờ mắc sai lầm. Đó có thể là những lỗi lầm nhỏ như quên chưa học thuộc bài trước khi lên lớp, lỡ làm hỏng đồ dùng học tập... nhưng cũng có thể là những sai lầm lớn như bị phát hiện quay cóp trong giờ kiểm tra, đánh nhau gây nguy hiểm đến sức khoẻ... và thậm chí còn hơn thế nữa.
Sau mỗi lần làm sai, trẻ chắc chắn sẽ phải đối mặt với loạt lời chỉ trích. Con cái cần được tôn trọng, nhưng không có nghĩa là vì thể diện của con, cha mẹ sẵn sàng đứng ra bao bọc cho trẻ ngay cả khi chúng làm sai. Việc xây dựng tính kỷ luật cho trẻ và giúp con sẵn sàng đương đầu với những lời chỉ trích là nhân tố không thể thiếu để trẻ được uốn nắn nên người.
Nếu để mặc con trẻ gây rối mà không giải quyết vấn đề, thậm chí ''mắt điếc tai ngơ'', dung túng cho hành vi đó thì sẽ có thể dẫn đến những hậu quả cay đắng trong tương lai. Thế nên, khi mắc phải sai lầm, trẻ phải tự mình đứng lên, đối mặt và tìm cách sửa đổi, có như thế con mới vững tâm, tự tin vượt qua những đắng cay trong cuộc sống sau này.
Đặc điểm thứ 4: Bố mẹ sống hoà thuận, hạnh phúc và tôn trọng con
Trên thực tế, con cái không phải cứ cho học trường tốt, đắt tiền thì sẽ được giáo dục tốt nhất mà nền tảng giáo dục tốt nhất để dành cho con cái chính là "chồng yêu vợ". Sự tu dưỡng phẩm hạnh của cha mẹ sẽ quyết định họ sẽ nuôi dạy con thành người như thế nào; và biểu hiện của con trẻ sẽ phản ánh lời nói và hành động của cha mẹ.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần tôn trọng con. Rất nhiều gia đình định nghĩa sai về sự tôn trọng dẫn đến những vấn đề tiêu cực trong mối quan hệ của bố mẹ và con cái. Tôn trọng không phải là bất chấp đồng ý những yêu cầu dù rất phi lý từ con cái, cũng không phải để con ''tự lực cánh sinh'' trong những quyết định quan trọng về nghề nghiệp, sở thích cũng như cách sống...
Vậy thế nào là tôn trọng đúng cách? Tôn trọng là việc bố mẹ cư xử đúng mực, không xâm phạm đến quyền riêng tư của con cái, có thái độ quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc và sức khỏe của con, từ đó có thể hỗ trợ con trong việc đưa ra các quyết định hợp lý nhất. Khi các con nhận được sự tôn trọng từ bố mẹ, chúng sẽ ý thức hơn với hành động, cuộc sống của mình để hoàn thiện nhân cách và có những bước tiến dài trên quá trình phát triển bản thân.
Đặc điểm thứ 5: Bố mẹ nghiêm khắc trong dạy con nhưng không dùng đòn roi, quát mắng
Chuyên gia cho rằng, nhiều người nghĩ khi buông những lời cay độc, mắng chửi thậm tệ con sẽ thấy xấu hổ mà tự thay đổi. Đó là suy nghĩ sai lầm, thiếu hiểu biết. Khi một đứa trẻ phải liên tục nghe những lời cay nghiệt từ cha mẹ mình, chúng sẽ bị ảnh hưởng tâm lý, khó phát triển trí tuệ một cách toàn diện. Chúng luôn mang trong mình mặc cảm vì nghĩ rằng mình là một đứa trẻ tồi tệ, hư hỏng, mất dạy.
Trong mắt các con, đòn roi hay lời miệt thị không khiến chúng nhận ra lỗi lầm mà chỉ càng thêm căm hận và thù ghét bố mẹ vì đã hành xử như thế. Thế nhưng, không phải là bố mẹ không yêu con, mà là yêu theo cách không đúng. Sự thiếu hiểu biết về giáo dục con cái có thể mang lại những hậu quả lâu dài khó lường.
Lý do khiến cha mẹ dùng cách quát mắng, đòn roi thể hiện sự bất lực trong giáo dục con cái. Khi con có lỗi, cha mẹ thường dọa nạt, trừng phạt bằng đòn roi. Thấy không còn hiệu quả, họ lại chuyển sang dùng những lời nhẹ nhàng, nhưng mang nặng tính giáo huấn. Thấy con không chuyển biến, cha mẹ đành dùng đến những lời cay độc. Cứ như vậy tạo thành cái vòng luẩn quẩn, không giúp con tiến bộ, mà chỉ khắc sâu thêm oán thù đối với trẻ.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.