BS Phạm Nguyên Quý: Bỗng một ngày ung thư "ập tới", đừng quên 4 điều cứu sống chính mình!

Bỗng một ngày ung thư ập tới, hãy xem chuyên gia khuyên gì để bạn có thể cứu sống mình hoặc những người xung quanh. Vì ung thư không chừa bất cứ ai, hãy thôi thờ ơ với chúng!

Bệnh ung thư thường ập đến như một "thảm họa", gây nên nhiều thay đổi trong cuộc sống của người bệnh. Khi nhận tin ung thư, nhiều bệnh nhân bị sốc tâm lý, hốt hoảng vì không biết phải làm gì hoặc bất an vì không thể kiểm soát được tình hình.

Nhiều người kể lại cảm giác sau khi nhận tin ung thư là "Đầu óc trống rỗng", "Trời đất tối sầm", "Chỉ biết khóc ngẩn ngơ" hay "Quên cả lối về". Cũng có người trở nên giận dữ, tâm lý bất ổn, chán ăn, mất ngủ, tuyệt vọng.

Hãy nhớ rằng: Ung thư không phải là chết

TS.BS Phạm Nguyên Quý, chuyên khoa ung thư tại Nhật Bản, kiêm thành viên của Tổ chức Y học cộng đồng cho biết trước tiên, người bệnh và gia đình cần biết rằng y học đã có rất nhiều tiến bộ trong việc điều trị ung thư. Ung thư không còn đồng nghĩa với cái chết. Tùy vào giai đoạn bệnh, tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ đề xuất cách xử trí phù hợp và điều này cần thời gian để cân nhắc kỹ lưỡng.

Đối với ung thư giai đoạn sớm, chuyện chữa lành là hoàn toàn có thể thực hiện được. Nhiều loại ung thư giai đoạn sớm có thể được chữa khỏi với hiệu quả 85 - 90% và có khi là hơn 95%.

Đối với ung thư giai đoạn muộn, việc chữa lành có thể khó khăn nhưng nhiều người vẫn có thể chung sống hoà bình với bệnh. So với 20 năm trước, thời gian sống thêm của bệnh nhân ung thư đã được cải thiện đáng kể và ngày càng có nhiều người vượt qua loại bệnh hiểm nghèo này.

Hãy nói ra nỗi khổ tâm của bạn

Dù vậy, nhiều người vẫn rất sốc và tự hỏi "Tại sao lại là tôi?" hoặc nghi ngờ "Không thể có chuyện này!". Đây là một trong những phản ứng tự nhiên của con người khi gặp phải chuyện xấu hoặc rơi vào tình thế khó khăn.

Khi đó, các bạn đừng tự chôn giấu cảm giác đau khổ, nuối tiếc, bất an của mình mà hãy kể cho người nhà hoặc bạn thân về những điều bạn cảm thấy. Khóc thật to cũng không sao. Nhiều người vì e ngại làm phiền người khác mà không tâm sự chuyện của mình cho ai. Nhưng hãy nhớ rằng chuyện khó khăn thì nên nói cho người quan trọng với mình. Người thân và bạn bè sẽ là chỗ dựa cho bạn khi khốn khó.

BS Phạm Nguyên Quý: Bỗng một ngày ung thư ập tới, đừng quên 4 điều cứu sống chính mình! - Ảnh 1.

Người thân và bạn bè sẽ là chỗ dựa cho bạn khi khốn khó. Nguồn: Wiki.

Đôi khi, một số người cảm thấy khó có thể tâm sự với người thân, bạn bè về vấn đề này. Khi đó, hãy tìm đến nhân viên y tế hoặc người đồng bệnh đã từng trải qua chuyện đó. Những người đồng hành thông thái sẽ giúp bạn vượt qua khó khăn trước mắt.

Giảm nhẹ sự bất an và buồn khổ

Những chấn động tâm lý sau khi nhận tin xấu về ung thư thường tự hồi phục dần dần qua thời gian. Khi bình tâm hơn, bệnh nhân có thể nhận ra những điểm còn chưa rõ trong phần giải thích của bác sĩ. Khi đó, hãy hẹn gặp bác sĩ để hỏi thêm và nên đi cùng một người thân (tốt nhất là người hiểu biết) để ghi chép lại những thông tin cần thiết.

Nên nhớ rằng tùy vào tính cách mà mỗi người sẽ có một cách phản ứng khác nhau với tin xấu. Khi tâm trạng đang bất an và buồn khổ, chúng ta không cần phải cố gắng đối mặt với ung thư. Nghe nhạc, vẽ tranh, xem phim, đọc sách, đi bộ ngắm cảnh hoặc làm bất cứ việc gì bạn thích là những việc bạn có thể thử làm để thư giãn. Hãy nhớ về những lần bạn đã vượt qua khó khăn trong quá khứ và thử lại những cách mà mình đã áp dụng. Những phương pháp đó có thể giảm nhẹ bất an, tuyệt vọng trong lần này.

Hãy xem ung thư như là một sự cố tai nạn trong cuộc đời. Khi mới bị tai nạn thì ai cũng sốc nhưng rồi sẽ có cách vượt qua và thích nghi.

Việc cần làm đầu tiên sau khi biết mình bị ung thư

Đó chính là tìm hiểu về căn bệnh của mình.

Ngay khi nhận tin xấu về chẩn đoán ung thư, ai cũng rất khó giữ bình tĩnh để nghe kỹ thông tin chi tiết về bệnh trạng và kế hoạch điều trị. Điều này là dễ hiểu vì sốc tâm lý đang làm bệnh nhân hoang mang hoặc ở tâm trạng muốn phủ định mọi việc. Bạn nên hẹn lại bác sĩ để nghe giải thích vào một ngày khác, khi có người thân đi cùng. Khi đó, bạn nên viết lại ngắn gọn những thông tin thu nhận được vào một tờ giấy nhỏ.

Bạn nên viết ra để xem bản thân hiểu như thế nào về căn bệnh của mình chứ không chỉ ghi lại những điều bác sĩ đã giải thích. Hiểu biết đúng về căn bệnh ung thư của mình là điều rất quan trọng. Bạn có thể tham khảo một số câu hỏi sau đây

• Tôi bị ung thư gì?

• Ung thư đã được chẩn đoán xác định hay chỉ ở mức có nghi ngờ?

• Ung thư hiện đang ở giai đoạn nào? Điều đó có nghĩa là gì?

• Trong tương lai, những triệu chứng nào có thể xuất hiện? Tôi cần đối phó với các triệu chứng đó như thế nào?

BS Phạm Nguyên Quý: Bỗng một ngày ung thư ập tới, đừng quên 4 điều cứu sống chính mình! - Ảnh 3.

Hãy trao đổi với bác sĩ những điều bạn chưa biết. Ảnh minh hoạ.

• Phương pháp điều trị hoặc kết hợp điều trị nào là tốt nhất?

• Xin cho biết những tác dụng phụ, biến chứng có thể xảy ra khi theo điều trị đó? Có cách nào để xử trí những triệu chứng đó không?

• Xin giải thích rõ hơn về điều trị như tần suất, thời gian và chi phí

• Tôi cần lưu ý những gì trong sinh hoạt và ăn uống hằng ngày?

• Tôi có thể tìm thêm thông tin về bệnh ung thư này ở đâu?

Thông thường, từ khi nhận chẩn đoán ung thư tới khi bắt đầu điều trị bệnh nhân phải trải qua thêm vài lần xét nghiệm hay chẩn đoán hình ảnh, thậm chí phải nhập viện để khảo sát kỹ lưỡng hơn. Nhiều bệnh nhân nôn nóng hỏi tại sao không được chữa trị ngay. Lúc này, bệnh nhân nên nhớ rằng điều trị ung thư là một quá trình phức tạp và bác sĩ cần thận trọng "cá nhân hóa" chương trình điều trị cho mỗi người bệnh của mình.

Ung thư thường xuất hiện thầm lặng trong cơ thể từ 3 - 4 năm, có khi là từ 10 năm trước nên việc chờ thêm 2 - 4 tuần cũng không ảnh hưởng nhiều tới kết quả điều trị. Ngược lại, việc vội vã khởi động điều trị khi chưa rõ về căn bệnh và thể trạng người bệnh có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều.

Vì thế, trong thời gian lên kế hoạch điều trị này, hãy thu thập thông tin về bệnh trạng của mình và tìm hiểu cách chăm sóc và điều trị "tiêu chuẩn" trong tình huống đó. Việc chuẩn bị tốt về mặt thông tin thường giúp bệnh nhân sẵn sàng hơn và tự tin hơn khi bắt đầu điều trị.

TS.BS Phạm Nguyên Quý cho biết: "Tôi đã thấy hàng nghìn tình huống khác nhau, nhưng nỗi đau chung nhất mà tôi cảm nhận được từ những bệnh nhân là SỰ CÔ ĐƠN. Bệnh nhân ung thư thường cô đơn vì không muốn làm phiền những người xung quanh. Họ cố gắng tỏ ra mạnh mẽ hoặc muốn giấu kín cảm xúc thật của mình. Ngay cả khi chia sẻ về những khó khăn trong cuộc sống, hay về nỗi khổ tâm khi phải sống với nỗi lo về cái chết lửng lơ, nhiều bệnh nhân nói rằng họ vẫn thấy cô đơn vì bác sĩ lẫn người thân cũng không thể thấu hiểu và đồng cảm với các vấn đề của họ. Vì thế, chúng tôi soạn thảo Cẩm nang đồng hành với bệnh nhân ung thư, hy vọng cuốn sách này có thể giúp và đồng hành cùng bệnh nhân ung thư để họ đỡ cô đơn trong cuộc sống của mình". Cuốn sách sẽ có mặt tại các nhà sách vào vài tháng tới.

Ngoài ra, bạn có thể tìm tới những người có cùng trải nghiệm về ung thư. Hiện nay, ngày càng có nhiều người vượt qua ung thư và đang trở lại cộng đồng để hỗ trợ người bệnh mới. Bạn có thể tìm thấy họ trong các nhóm Hỗ trợ bệnh nhân ung thư mà dự án Y học cộng đồng đang kết nối.

 
https://soha.vn/bs-pham-nguyen-quy-bong-mot-ngay-ung-thu-ap-toi-dung-quen-4-dieu-cuu-song-chinh-minh-20220405160745986.htm

 

Theo soha.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang