Đến nay, điểm cách ly tập trung tại Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã hoạt động được hơn 10 ngày, đón gần 1.000 người từ nước ngoài về cách ly phòng dịch Covid-19.
Cũng chừng đó thời gian, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an và dân quân… phải gánh trên vai nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ cho những người trong khu cách ly.
Tại khu cách ly, các cán bộ chiến sĩ được phân công nhiệm vụ riêng rẽ để đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ người dân ở vòng trong và vòng ngoài.
Trong đó, những cán bộ mặc quần áo màu xanh bảo hộ kín mít từ đầu đến chân là những người làm nhiệm vụ ở bên trong. Họ phải tiếp xúc trực tiếp với người dân ở các phòng cách ly.
Là một trong những cán bộ đảm nhiệm vòng trong, Trung tá Đoàn Phương Đông (SN 1972, Trợ lý bảo vệ dân vận - Ban chính trị thuộc Ban chỉ huy quân sự quận Hoàng Mai) chia sẻ với VTC News về những vất vả, hiểm nguy của các anh trong cuộc chiến chống Covid-19.
Trung tá Đoàn Phương Đông trong phòng ở cho cán bộ, chiến sĩ trong khu cách ly.
Theo Trung tá Đông, khó khăn lớn nhất đối với những cán bộ, chiến sĩ tại khu cách ly là những ngày đầu họ đến nơi đây. Họ phải cùng sinh viên dọn dẹp đồ đạc chuyển đi để làm nơi ở cho người từ sân bay về, sau đó họ lại đưa quân tư trang cá nhân của người được cách ly vào các phòng.
Khi nơi đây đưa người vào thì họ lại phải đảm nhiệm công việc phục vụ nhu cầu thiết yếu như bữa ăn, đồ dùng, đồng thời mang đồ người nhà gửi cho người đang cách ly.
Bữa ăn trưa của họ thường là 14h, còn bữa tối lúc 20h. Có lúc đang ăn, anh Trung và đồng nghiệp lại phải bỏ giữa chừng để làm nhiệm vụ đột xuất.
"Khi chúng tôi nhận được cuộc điện thoại thông báo có bệnh nhân bị ốm, sốt thì mọi người lại tạm dừng bữa ăn để đi mặc quần áo bảo hộ rồi đến mở cửa phòng, hỗ trợ y tế làm nhiệm vụ.
Sau khi xong việc, mọi người được về thì lại phải tắm giặt, thay quần áo lần nữa. Quay trở lại phòng, cơm canh dang dở khiến mọi người cũng không muốn ăn nữa vì quá bữa", Trung tá Đông chia sẻ.
Trung tá Đông cùng đồng nghiệp mang đồ cho người dân ở trong phòng cách ly.
Không chỉ phải xử lý những trường hợp khẩn cấp, các cán bộ, chiến sĩ cũng phải giải quyết nhiều ca khiến các anh “mặt đỏ, tía tai”.
Khi các chị em đến ngày “đèn đỏ” nhưng không được ra ngoài, họ phải gọi các anh lên để mua băng vệ sinh giúp. Nếu là người đã có gia đình như anh Đông thì sẽ không mấy ngại ngùng nhưng những thanh niên trẻ chưa lập gia đình thì nhiệm vụ này khiến họ "đỏ mặt".
Luôn nhiệt tình phục vụ, cởi mở với người dân nên các anh luôn nhận được tình cảm trìu mến từ những người trong khu cách ly.
“Có những hôm chúng tôi đưa cơm đến phòng cho người dân và sau đó gõ cửa thông báo: “Em ơi, anh ơi ra lấy cơm”. Khi cửa được mở ra, chứng kiến chúng tôi đầm đìa mồ hôi, ướt cả đồ bảo hộ khiến họ cảm động rưng rưng nước mắt...”, Trung tá Đông kể.
Khác với Trung tá Đông, Trung tá Ngô Quang Dinh (Ban chỉ huy quân sự Hoàng Mai) làm nhiệm vụ ở vòng ngoài, tiếp đón người thân của người trong khu cách ly. Trong những ngày đầu khi đồ tiếp tế được chuyển vào bên trong, Trung tá Dinh cũng phải căng mình để tiếp nhận đồ, trò chuyện với mọi người.
Trung tá Ngô Quang Dinh cùng các thanh niên tình nguyện giải thích cho người dân hiểu về quy định không được mang đồ ăn, thức uống vào trong khu cách ly.
Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, khi lãnh đạo TP Hà Nội có chỉ đạo không đưa đồ ăn, uống vào khu cách ly thì Trung tá Dinh luôn phải đưa ra những quyết định cứng rắn để thực hiện nhiệm vụ.
"Ở đây giờ có quy định không tiếp nhận đồ ăn, uống cho người ở bên trong khu cách ly, bởi chúng tôi đã cung cấp đầy đủ. Chúng tôi không thể cho chị gửi sữa vào cho con được, vì nếu như vậy thì còn những người khác thì sao", Trung tá Dinh nói với một người phụ nữ nằng nặc đòi gửi sữa cho người nhà.
Trung tá Dinh chia sẻ, việc nhận đồ ăn uống được lực lượng tại bộ phận tiếp công dân làm kiên quyết để phòng tránh dịch bệnh từ đồ ăn đem vào. Bên cạnh đó, các chiến sĩ cũng phải giải thích cho mọi người hiểu về quy định của khu cách ly.
Cuộc chiến chống Covid-19 chưa biết sẽ kéo dài đến bao giờ, nhưng những cán bộ chiến sĩ như các anh sẽ hoàn thành mọi nhiệm vụ của cấp trên giao phó, sẵn sàng phục vụ nhân dân để chung tay đẩy lùi đại dịch, để cuộc sống sớm trở lại bình thường.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.