Bức thư mẹ gửi cô hiệu trưởng và câu chuyện chọn trường cho con ai cũng phải đọc

Tôi viết những dòng này khi dư âm của clip trẻ em bị bạo hành tại lớp mầm non dân lập vẫn còn đang nóng hổi trên các diễn đàn mạng. Chúng ta ai cũng phẫn nộ đau lòng, nhưng làm thế nào để những cảnh ấy đừng xảy ra nữa mới là điều mà tôi mong muốn. Dẫu biết mỗi gia đình một hoàn cảnh, tôi vẫn xin chia sẻ những trải nghiệm của mình trong việc chọn trường và cùng con đến trường trong suốt những năm đầu đời của bé.

Học phí bao nhiêu

Đó có lẽ là vấn đề đầu tiên mà chúng ta nghĩ đến. Tôi cho rằng nên liệu cơm gắp mắm. Tôi thường dành ít nhất 20% thu nhập để dự phòng và tiết kiệm, sau đó tôi cân đối thu chi hàng tháng để định ra mức học phí cho con. Nếu “cố” quá, khiến mức sinh hoạt thường nhật của gia đình bị suy giảm hay cha mẹ trở nên lo âu mệt mỏi thì đều không tốt. Nhưng cũng chớ có ham rẻ, nếu mỗi tháng ở nhà bạn tốn kém cho bé vài triệu thì rõ ràng bạn sẽ thấy những lớp dân lập thu phí trên dưới 1 triệu ở những đô thị lớn (tính cả công chăm sóc và tiền ăn) là rất đáng ngờ! Đừng để đến khi con bị ăn bẩn, bị đòn roi, bị nhốt trong những căn phòng tối tăm rồi mới nói “giá mà…”

Vài ngày trở lại đây câu chuyện bạo hành trẻ em tại một trường mầm non tư thục khiến các phụ huynh càng thêm hoang mang trước việc chọn trường cho con (Ảnh: Tuổi trẻ)

Những tiêu chí quan trọng

Bạn cần liệt kê những yêu cầu của bạn với trường lớp. Với tôi, là những tiêu chí sau:

- Cách xa nhà không quá 5km, tiện đường bố mẹ đưa đón mà con không chịu cảnh khói bụi kẹt xe trễ học không tập thể dục buổi sáng được.

- Cơ sở vật chất tốt, phải có sân chơi, càng nhiều cây xanh càng tốt. Vì trẻ bị “nuôi nhốt” trong tòa nhà thường ù lì, dễ nổi nóng.

- Sĩ số không quá 20 bé/lớp, vì bé nhà tôi mới 18 tháng, cần được chăm sóc kỹ lưỡng. Thực phẩm phải được lấy từ nguồn uy tín. Thức ăn được chế biến ngay tại trường.

- Quan điểm giáo dục: yêu thương và tôn trọng trẻ, chân thành với phụ huynh. Điều này đặc biệt quan trọng với tôi, là nền tảng trong mối quan hệ giữa mọi người thân trong gia đình và bé, cần được duy trì nhất quán cả khi ở trường. Có như vậy bé mới phát triển lòng tự tôn, tự tin và biết tôn trọng mọi người.

Cần vạch sẵn một vài tiêu chí chọn trường cho con (Ảnh minh họa)

Đánh giá trước khi đi thực tế

Sau khi có bản danh sách 4 trường trong tầm ngắm, tôi đánh giá sơ bộ qua website, fanpage của trường, đọc các bài review, xem các clip thực tế để nắm bắt hoạt động của trường. Tôi tìm hiểu qua người quen, bạn bè đã có con học tại các trường đó. Đây là một bước lọc thông tin rất hiệu quả vì phụ huynh cũ sẽ có góc nhìn thực tế về bữa ăn, cách các cô chăm bé, giáo dục bé như thế nào. Tôi hỏi cả vấn đề “tế nhị” là mỗi tháng có phải “biếu xén” gì thêm cho các cô không? Quan điểm của tôi về vấn đề này rất rõ ràng: phụ huynh nên được chủ động thể hiện sự biết ơn của mình một cách lịch sự chứ không nên xem khoản “nhét tay” này như một thứ chi phí ẩn mà thiếu nó, các bé sẽ bị phân biệt đối xử!

Đến thăm trường

Điều đầu tiên mà tôi quan sát chính là nét mặt của trẻ có được tươi vui thoải mái hay sợ hãi kìm nén. Các cô giáo có vui vẻ tự nhiên và giao tiếp tốt với trẻ không? Các bé mới đi học được chăm sóc thế nào, có bị bỏ mặc cho đứng khóc, mũi dãi tèm lem chả ai quan tâm không? Một ngôi trường tốt chắc chắn sẽ thể hiện được chất lượng của mình trên nét mặt những thành viên của trường.

Sau đó tôi vào nói chuyện với bộ phận tuyển sinh, hỏi thăm về thực phẩm. Sau đó tôi xin được đi thăm bếp, rồi đi thăm lớp học, quan sát các tiêu chí an toàn như lối thoát hiểm, cầu thang lên xuống và xem toilet có sạch sẽ, đủ đồ dùng không. Tôi cố gắng tiếp cận với cô nấu bếp, cô giáo phụ trách lớp, hỏi thăm vài câu ngắn nhưng cũng giúp mình kiểm tra lại những thông tin đã được phòng tuyển sinh cung cấp có đáng tin cậy không.

Tôi còn nhớ, ở khâu này, tôi quyết định loại một trường trong danh sách, bởi vì cô phụ trách tuyển sinh ậm ờ không nói cho tôi biết tên công ty cung cấp thực phẩm cho trường. Thêm nữa, khi tham quan lớp học, tôi thấy cô giáo đang đút bánh chưng cho chừng 7, 8 bé ngồi cùng một bàn. Cô có dùng những cái thìa khác nhau cho từng bạn, nhưng tôi không rõ khi không có ai giám sát thì cô có nhớ thìa nào của bé nào không? Tôi nghĩ rằng cho dù có cùng ăn một cái bánh chưng thì ít nhất cô nấu bếp cũng nên chia từng phần vào bát cho mỗi cháu. Giọt nước tràn ly khi cô giáo phụ trách lớp nói ngọng l và n. Con tôi cần một người phát âm đúng dạy dỗ cháu vì cháu đang học nói cơ mà!

Camera: có hay không có?

Nhiều mẹ kháo nhau phải chọn trường có camera. Tôi cũng đồng ý có camera thì khá yên tâm, nhưng đó không phải là yếu tố quyết định với tôi. Khi chỉ còn lại 2 trường trong danh sách để cân nhắc, trong đó trường mà tôi thích hơn về cơ sở vật chất cũng cách tổ chức lớp học, thần thái của học sinh và giáo viên … thì lại không có camera. Tôi chẳng ngại ngần, đem thắc mắc này vào hỏi cô Hiệu trưởng, cô trả lời rằng thực sự gắn camera thì giáo viên cảm thấy rất áp lực và họ cũng không được tự nhiên trong hoạt động. Tuy trường không có camera nhưng bất cứ lúc nào phụ huynh cũng có thể ghé thăm trường và quan sát các lớp học. Tôi cũng nhận thấy các cô giáo ở trường này rất cởi mở, khi ở sân chơi chung thì các bé đều biết tên tất cả các cô giáo, anh chị lớn chơi cùng các em nhỏ rất hòa nhã. Tôi quyết định chọn trường này!

Tập cho con làm quen với trường lớp

Quyết rồi nhưng cũng hồi hộp lắm ý, mẹ ưng không biết bé có ưng không? Thế là cả nhà lại hò dô tập cho bé đi học. Tôi dành trọn một tuần, sáng đưa con đến trường từ 7h - 8h là thời gian cô đón bé, tất cả được cùng chơi ở sân chung. Con gái tôi trộm vía rất mê cái sân trường và đồ chơi, bé hăng say khám phá và chơi cùng mẹ. Tôi cũng dành 5 phút cuối đưa con vào xem phòng học sắp tới của con, chỉ cho con đâu là nhà vệ sinh, nơi lấy nước uống, cách các anh chị cùng nhau ăn sáng… rồi tôi đưa con về. Buổi chiều ba cháu lại đưa cháu đến trường chơi tiếp từ 4 đến 5 giờ chiều. Hai ngày cuối, tôi đưa con lại chào ba cô giáo sắp tới sẽ là người mẹ thứ hai của con để cô bế và làm quen với bé.

Tập cho con làm quen với trường trước khi chính thức đi học (Ảnh minh họa)

Ngày đầu tiên con chính thức đi học, tôi làm đúng giao ước với cô giáo, tôi hôn tạm biệt con rồi dứt khoát quay lưng đi. Cô giáo sẽ gọi tôi đến đón sớm nếu bé khóc nhiều. Tôi biết nếu mình bịn rịn ở lại, bé sẽ càng bám mẹ và không chịu theo cô. Tôi chờ mãi đến 3 rưỡi chiều chả thấy ai gọi mình, đến trường đón bé sớm thì thấy bé đang say sưa xếp khối gỗ, ngẩng lên thấy mẹ còn vẫy tay bảo mẹ ngồi vào chơi cùng. Ôi thật là mừng khôn xiết!

Giao tiếp với nhà trường

Con đi học, chưa phải là đã hết lo. Dù việc đưa đón con do ông xã đảm nhận vì tiện đường, tôi đi làm muộn hơn nhưng vẫn thường ghé ngang, nhìn con lúc con tập thể dục, và có gì cần trao đổi với cô thì tôi trực tiếp vào gặp cô. Nhờ đó tôi sâu sát mọi hoạt động của con ở trường. Con đi học về tôi cũng hỏi thăm và dù bé mới bập bẹ ngọng nghịu, cũng đã biết kể cho mẹ nghe hôm nào con ói, bạn nào tè dầm, đáng yêu lắm!

Tôi rất thông cảm với nỗi vất vả của các cô giáo, và cố gắng làm tròn “bổn phận” của mình với con trước khi đưa con đến lớp. Tôi chuẩn bị đủ đồ dùng, tã, sách vở dụng cụ học tập theo đúng yêu cầu của cô. Hôm nào con phải uống thuốc tôi ghi sổ thuốc xong sẽ vào dặn cô thêm lần nữa. Con gái tôi được đi ngủ sớm để sáng dậy đi học bé không mệt và quấy. Tôi tắm rửa cột tóc cho bé gọn gàng, con thơm tho sạch sẽ thì đáng yêu hơn mà.

Con sốt cao hơn 38 độ tôi cho con nghỉ học để mẹ chăm, bị bệnh truyền nhiễm thì cách ly đủ ngày mới đưa con đi học lại, tránh lây lan cho các bạn. Tôi cũng nói rõ với cô trong trường hợp có tai nạn cho bé, nhà trường phải lập tức báo cho tôi biết và tôi sẽ phối hợp giải quyết nhanh và tốt nhất cho bé, mọi chuyện còn lại người lớn sẽ bàn sau. Nhờ vậy, có lần con ngã từ cầu tuột xuống, bị u đầu, tôi đã được thông báo ngay và nhà trường cùng tôi đưa con đi khám kịp thời. Cô giáo chủ nhiệm (mà tôi biết rất yêu quý bé) cũng đã xin lỗi gia đình và tôi vẫn quý trọng cô như xưa!

Tôi cũng tặng quà cho các cô vào dịp lễ tết, trên tinh thần biết ơn chứ không vì mong con mình được biệt đãi hơn các bạn. Ngày 8/3, tôi đưa con đi siêu thị, để bé tự chọn quà cho các cô, về nhà mẹ con cùng gói rồi con mang lên trường tặng cô. Nếu tôi có một yêu cầu gì đó đặc biệt cần các cô giúp, tôi sẽ trình bày nó thật lịch sự, ví dụ như sau đây là email tôi xin phép Cô Hiệu trưởng cho bé thứ hai của tôi được ở lại ăn chiều khi bé còn quá nhỏ (quy định của trường là bé phải đi học quen, tầm 6 tháng các cô mới nhận giữ ngoài giờ).

"Kính gửi cô Hiệu trưởng,

Do hoàn cảnh gia đình Mi và Bo có bố mẹ đều đi làm về muộn, nên một lần nữa em viết email này để trình bày rõ với cô nguyện vọng xin cho bé Bo ăn chiều tại trường kể từ sau Tết.

Bọn em đều đi làm về muộn và văn phòng ở khá xa nên khi đến được trường thì cũng tầm 5h30 - 5h45 chiều. Do Bo còn quá nhỏ và mới tập đi học nên lần trước em xin cho Bo ăn chiều ở trường cô đã không nhận. Vì vậy hiện giờ em vẫn nhờ bà nội đến đón Bo sớm và về bà cho Bo ăn ở nhà (thức ăn em chuẩn bị sẵn từ sáng). Tuy nhiên từ sau Tết ta thì khả năng bà giúp thêm cho cũng rất khó.

Vì vậy em vẫn tha thiết đề nghị nhà trường thử cho Bo ăn chiều tại trường. Em đã rèn luyện cho con nề nếp ăn uống khá tốt. Bé ngồi ăn tại chỗ, ko chạy lung tung. Bé ăn thô tốt, tuy nhiên khá cá tính, nếu thức ăn không vừa ý bé hay nhè. Em nghĩ cứ sắp xếp cho Bo ngồi cạnh chị Mi, ăn xong Mi sẽ chơi và phụ cô giáo trông chừng em thêm được. Bo tuy nhỏ con nhưng cũng khá vững vàng. Em cũng không đặt nặng lượng ăn của bé ở trường, tối về em sẽ bù thêm sữa, thức ăn khác cho con. Chỉ cần con được vui vẻ thoái mái và an toàn thôi ạ.

Em thậm chí đã nghỉ không lương thêm 3 tháng để giúp con hình thành thói quen ăn uống tốt. Dù đi làm nhưng thức ăn của con em đều tự tay chế biến chứ không ỷ lại vào bà. Khi tập cho bé đi học, em cũng đã theo rất sát, phối hợp với cô để cả cô và bé đều dễ dàng làm quen với nhau. Nói thêm như vậy không phải em tự khen mình, mà em chỉ muốn cô hiểu em ý thức được trách nhiệm trong việc nuôi dạy con, không đùn đẩy phần khó cho nhà trường và cô giáo. Chỉ là do hoàn cảnh công việc của bố mẹ, buộc Mi và Bo phải tự lập sớm hơn so với các bạn.

Nếu quá trình thử cho Bo ăn chiều tại trường có vấn đề, em sẽ lập tức phối hợp với nhà trường giải quyết và tìm giải pháp khác.Tuy nhiên em tin vào Bo, em nghĩ Bo sẽ ổn nên vẫn muốn đề nghị nhà trường cho bé thử.

Mong cô xem xét và hồi đáp cho em để em có thời gian chủ động thu xếp việc nhà.

Kính chúc cô một năm mới dồi dào sức khỏe và niềm vui.

Em xin cảm ơn."

Mẹ của Mi và Bo

Tôi nhất quán tiêu chí “yêu thương và tôn trọng trẻ”, đồng thời, nếu có vấn đề gì, tôi sẽ hành xử trên tinh thần cầu thị và chân thành. Nhờ đó, cả hai bé của tôi vẫn hạnh phúc ở ngôi trường này cho đến tận hôm nay. 

LTS: Mẹ của Mi và Bo đang sống tại TP.HCM. Đây là bức thư mẹ đã gửi cho trường mầm non mà con mình theo học cách đây vài tháng và những đúc kết trong quá trình tìm trường cho con những năm qua. Chị rất coi trong mức độ thấu hiểu và thông cảm giữa vụ huynh với hiệu trưởng và với giáo viên trường mầm non.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang