Siêu bão Yagi đổ bộ vào miền Bắc đã gây ra nhiều thiệt hại ở các tỉnh thành như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Yên Bái, Thái Nguyên,... Tại Hả Nội, theo thống kê ngày 8/9, toàn thành phố có 28 trường bị ngập nước, gần 3.100 mét tường bị đổ; gần 400 mái nhà, phòng học bị lật; gần 800 cửa chính, cửa sổ bị hư hỏng; gần 190 nhà xe bị hỏng; gần 1.900 biển bảng bị hỏng…
175 trường bị mất điện, trong đó có nhiều trường ở huyện Chương Mỹ, huyện Thường Tín, huyện Quốc Oai,... Hiện tại, nhiều ngôi trường đang phải tạm cho học sinh nghỉ học để khắc phục những hậu quả do siêu bão gây ra.
Mới đây, Phạm Sỹ Cường, Hiệu trưởng THCS&THPT Nguyễn Tất Thành đã có bức thư gửi tới các em học sinh. Những lời dặn dò của thầy tới học trò về cách ứng xử sau cơn siêu bão đã nhận về rất nhiều lời khen của các bậc phụ huynh và cộng đồng mạng.
Cụ thể, nội dung bức thư như sau:
"Các học sinh thân mến của thầy!
Thầy muốn chia sẻ, dặn dò các con - học sinh Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (ĐHSP Hà Nội) một vài điều trong những ngày này, như một người cha chia sẻ với các con của mình.
1. Chúng ta vừa khai giảng năm học mới thì đã gặp một "siêu bão". Như các con đã thấy, để đảm bảo sức khoẻ và tính mạng cho các con, thầy cô và cả phụ huynh, nhà trường đã lập tức dạy học trên nền tảng Microsoft Teams cho khối 9 và khối 12. Cảm ơn các con đã thích ứng, học rất nghiêm túc và sôi nổi.
Cơn bão đã khiến cho chúng ta bất ngờ, lo lắng, bất an, và rồi, thật may mắn, mọi chuyện cũng qua, các con lại được đến trường. Về cơ bản, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành của chúng ta vẫn yên lành. Các con biết không, một phần sự yên lành ấy có được là nhờ các bộ phận rất tận tâm: bộ phận xây dựng, sửa chữa đã tính các phương án, bộ phận chăm sóc cây đã xén tỉa cây sớm, giảm tải sức nặng và chằng buộc, gia cố cây, bộ phận bảo vệ, các bác lao công, các thầy cô chủ nhiệm, bộ môn... mỗi người một việc, một cách chia sẻ cùng Ban Giám hiệu.
2. Tạm yên thôi, các con thấy trên đường đi, xung quanh trường, trên các phương tiện thông tin: cây đổ, nhà tốc mái, kính rơi... và mưa to, lũ cuốn, cầu sập. Vì thế, thầy mong muốn các con cùng nhau:
- Hãy bình tĩnh, không hốt hoảng trước những biến động. Chúng ta nên coi đó là một phần của cuộc sống và tự rút ra những bài học, kinh nghiệm ứng xử, hành động để có thể tự lập và phối hợp, sinh tồn và phát triển, từ đây.
- Hãy bớt phàn nàn khi gặp những bất tiện, thiếu thốn trong mỗi bữa ăn, tốc độ mạng, con đường đi, phương tiện giao thông... vì mọi thứ đang bị xáo trộn.
- Khi ra khỏi nhà, các con bước đi cẩn thận, tránh trơn trượt. Hãy quan sát bên trên và xung quanh: cây có thể tiếp tục đổ vì nền đất yếu, gốc cây bị long, cây bị xô trong gió bão chưa kịp định hình, hồi phục. Các con không đứng dưới gốc cây có vẻ xiêu vẹo trong thời điểm này. Cũng cần lưu ý không đi gần các cột điện, chú ý nước ngập và dây điện đứt.
- Điều không kém quan trọng là thái độ, suy nghĩ và hành động mà chúng ta cần rút ra trong thời điểm này. Ngoài học tập, các con hãy chia sẻ việc nhà với người lớn, vì bố mẹ có rất nhiều điều phải lo toan, đôi khi không nói hết với các con được; đừng hoang phí thời gian và nhất là tiền bạc và sức khoẻ. Các con tập thể dục hợp lí, ăn uống, sinh hoạt điều độ để có sức khoẻ tốt nhất. Hãy tiết kiệm tiền, để nếu có thể: chia sẻ với những người đang và sẽ gặp khó khăn trên nhiều miền đất nước. Đồng tiền đặt đúng chỗ, cho đi đúng lúc để cứu giúp đồng bào quí giá vô ngần.
3. Hi vọng mọi chuyện sẽ ổn định dần và thầy luôn tin: học sinh mái trường mang tên Bác Hồ kính yêu, được bố mẹ chăm chút, thầy cô dạy bảo, các con sẽ suy nghĩ, hành động đúng đắn. Cầu chúc mọi sự tốt lành đến các con, gia đình và cộng đồng. Hãy suy nghĩ và hành động tích cực từ những điều thầy chia sẻ nhé!".
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.