Trong tháng 11 vừa qua, tại một bệnh viện ở Thấm Quyến, Trung Quốc, một cậu bé (3 tuổi) và em gái của cậu (1 tuổi) đã được phát hiện có ấu trùng Taenia solium, còn được gọi là sán dây lợn, sống bên trong cơ thể.
Ban đầu, cả hai đứa trẻ thường bị bầm tím không rõ nguyên nhân ở chân và tay. Cho đến tháng 10 năm nay, bé gái bỗng bị biến đổi màu da, và được điều trị tại Bệnh viện Third People ở Thẩm Quyến vào đầu tháng 11 vì bị ho.
Bác sĩ Wang Xianfeng, bác sĩ nhi khoa trực tiếp điều trị cho bé gái nói: "Đứa trẻ nói rằng những vết bầm tím cứ liên tục xuất hiện trên cơ thể của bé, đặc biệt là ở chân và tay. Lúc đó, chúng tôi cũng không biết tình trạng thật sự của bé là như thế nào, nên tôi đã khuyên gia đình nên cho cô bé ở lại để kiểm tra thêm".
Sau đó, bác sĩ Wang phát hiện ra anh trai của bé gái cũng có những vết bầm kỳ lạ như vậy, nên ông đã cho cả hai đứa trẻ đi làm xét nghiệm máu. Kết quả cho thấy 2 anh em đều có số lượng bạch cầu cao. "Kết hợp với việc các vết bầm thực chất là những nốt sần dưới da, chúng tôi đã quyết định cho các bé đi kiểm tra ký sinh trùng", bác sĩ Wang cho biết.
Cuối cùng, các bác sĩ đã phát hiện ra nguyên nhân thật sự của những vết bầm tím kỳ lạ trên chân tay của hai đứa trẻ. Đó là bởi vì cơ thể chúng đang nuôi ấu trùng Taenia solium hay còn được gọi là sán dây lợn - được truyền sang người thông qua việc ăn thịt bò hay thịt lợn sống hoặc nấu chưa chín - trong cơ thể của mình. "Những ấu trùng này đang sống giữa da và thịt của hai anh em, nên chúng gây ra những nốt sần bầm tím", bác sĩ Wang giải thích. Vì vậy, ông đã kê đơn một loại thuốc chống ký sinh trùng để giúp loại bỏ ấu trùng và tiếp tục theo dõi sức khỏe của hai đứa trẻ.
Nhiễm sán dây lợn nguy hiểm như thế nào?
Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, sán dây lợn được truyền nhiễm qua cơ thể người thông qua việc người đó ăn thịt sống hoặc chưa nấu chín kỹ. Khi một đứa trẻ ăn phải trứng sán, trứng sẽ vào dạ dày và ruột của trẻ, sau đó, nở ra ấu trùng. Đa phần, loại ấu trùng này thường ký sinh ở ruột non. Tuy nhiên, đôi khi ấu trùng sán lợn có thể đi "du lịch" khi xuyên qua ống tiêu hóa đi vào máu và di chuyển đến ký sinh ở các cơ quan như não, cơ, mô dưới da, mắt…
Khi bị nhiễm sán dây lợn, trên cơ thể trẻ sẽ xuất hiện những u nhỏ, bằng hạt đậu, không ngứa, không đau. Nhưng nếu sán di chuyển đến mắt thì trẻ sẽ bị tăng nhãn áp, giảm thị lực và mù lòa. Còn nếu sán đi đến tim sẽ gây ra rối loạn nhịp tim, suy tim. Nhưng nguy hiểm nhất là sán định cư trong não. Nó sẽ khiến trẻ bị động kinh, liệt, nói ngọng, rối loạn ý thức, đau đầu dữ dội,và làm suy giảm trí nhớ ảnh hưởng đến việc học. Thậm chí, nghiêm trọng hơn còn có thể dẫn đến bệnh viêm màng não do ký sinh trùng.
Vậy phải làm gì để bảo vệ trẻ khỏi sán dây lợn?
Để ngăn ngừa trẻ và mọi người bị nhiễm sán dây lợn, Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra các khuyến nghị về an toàn thực phẩm như sau:
- Khi mua thịt heo, cha mẹ nên chọn mua ở những địa chỉ bán uy tín, chất lượng, quan sát kỹ miếng thịt, không mua thịt nếu có nghi ngờ hay thịt có dấu hiệu khác thường
- Trong quá trình chế biến, cha mẹ nên nấu chín kỹ thịt, không cho trẻ ăn các thực phẩm sống như nem chua, thịt lợn tái, tiết canh… Sau khi chế biến xong, cha mẹ cũng nên vệ sinh kỹ các dụng cụ đã tiếp xúc với thịt sống
- Cha mẹ nhớ rửa tay sạch bằng nước và xà phòng trước khi chế biến thức ăn cho trẻ và cả gia đình, sau khi đi vệ sinh hay là vệ sinh cho trẻ…
- Thường xuyên nhắc nhở trẻ rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi với thú cưng… Luôn cắt móng tay, móng chân cho trẻ sạch sẽ.
- Đặc biệt, cha mẹ nên cho trẻ tẩy giun định kỳ.
Nguồn: Parents, Health
link gốc: http://afamily.vn/ca-2-con-thuong-bam-tim-o-chan-tay-khong-ro-nguyen-nhan-gia-dinh-nga-ngua-khi-nghe-bac-si-thong-bao-con-bi-nhiem-san-day-lon-20191221153317855.chn
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.