Các bố mẹ nghĩ chậm 1 chút, đừng cay nghiệt với Ban đại diện cha mẹ học sinh

Tôi làm nhà nước, chồng tôi làm ở công ty tư nhân, thu nhập của hai chúng tôi cộng lại, khéo co thì cũng tạm đủ chi tiêu. Nói trước như thế, để tránh mọi người không hiểu, cho rằng tôi là phụ huynh nhà giàu khi ủng hộ việc đóng góp quỹ hội, trong khi anh Võ Quốc Bình, vị phụ huynh nổi đình nổi đám mấy ngày nay trên mạng xã hội và báo chí, đang đòi giải tán “hội phụ huynh”.

Con gái tôi đi học khi 1 tuổi, tại một trường mầm non tư thục, nơi mà cơ sở vật chất chỉ ở mức tạm chấp nhận được. Mức học phí của trường là 1 triệu 1, thêm tiền ăn bán trú nữa thì một tháng, gia đình tôi chi khoảng 1.6 triệu tiền học cho con. So với khu vực tôi đang sống, một quận trẻ măng của Hà Nội, đây là mức dễ chịu. Điều khiến tôi ưng ý hơn cả ở cái trường nhỏ xíu này là nó  ngay gần nhà và các cô giáo trẻ khá nhiệt tình..

Khi con được khoảng 3 tháng thì nhà trường có đề nghị phụ huynh hỗ trợ một nửa để lát sàn gỗ cho các con với mức thu là 300.000 đồng/ 1 học sinh. Đã từng sang lớp đón con, hàng ngày nhìn các con chơi đùa, học hành qua camera của nhà trường, tôi thấy đây là một đề nghị hợp lý vì gạch của lớp đã cũ, nhìn xước xát, bẩn thỉu. Nếu như lát sàn gỗ, các con sẽ có điều kiện vệ sinh tốt hơn, lớp học sạch sẽ và khang trang hơn. 

Lúc ấy, có một số phụ huynh không đồng ý với lí do là 300.000 đồng để lát sàn gỗ là quá đắt (lớp của con tôi có 15 bé, diện tích lớp khoảng 30 – 35 m2). Đây là suy nghĩ cá nhân nên tôi xin phép không bình luận. Nhưng bản thân tôi thì nghĩ, với 300000 đồng này, tôi không thể nào lát sàn gỗ cho cả một căn phòng 30m2 ở nhà của mình nhưng nó lại có thể thực hiện được ở lớp thì quá tốt chứ sao? Cứ cho là bé nhà tôi chỉ học ở đây 1 năm, nghĩa là chưa tới 50 000 đồng/ 1 tháng , con nhà tôi được học trong một căn phòng sạch sẽ, tiện nghi hơn thì cũng quá xứng đáng.  Sau đó, lớp của con tôi được lót sàn gỗ, mặc dù có gia đình không đồng ý đóng tiền, do cô hiệu trưởng bảo rằng “Khi kêu gọi đóng góp thì chị cũng tính tới đoạn là có phụ huynh không ủng hộ rồi. Được bao nhiêu thì được, số còn lại, nhà trường chi vậy”.  Chỉ có điều, nhà trường cố lắm, cũng chỉ làm được 2 lớp, lớp còn lại, do ít phụ huynh ủng hộ, thiếu tiền đầu tư, nên các con vẫn dùng sàn cũ.

Nếu cơ sở vật chất đã tốt rồi, đại diện Hội cha mẹ học sinh lớp con của bạn mới có cơ hội nghĩ tới cái khác. Tranh: NOP

Thế nên, khi đọc câu chuyện của về anh Võ Quốc Bình, tôi khá ngạc nhiên. Đành rằng anh có thể không đồng ý với đề nghị của đại diện Hội cha mẹ học sinh lớp con anh đang theo học vì anh cho rằng điều này là không hợp lí nhưng những điều mà anh chia sẻ và trả lời phỏng vấn sau đó, tôi cảm thấy anh rất cay nghiệt với nhà trường. Cay nghiệt khi cho rằng Hội phụ huynh chỉ là cánh tay nối dài của nhà trường, rằng đây là một dạng BOT của trường học, rằng đây là hội thu tiền.... 

Nếu anh để ý, anh sẽ thấy rằng việc đứng ra kêu gọi lót sàn gỗ cho lớp của con anh, được bắt đầu từ việc lớp bên cạnh đã làm và thấy hiệu quả. Anh đã từng hỏi con của mình rằng, con có thích học trong lớp được lót sàn gỗ như các bạn không? Anh đã từng trao đổi với nhà trường về việc nếu lớp được lót sàn gỗ thì từ giờ tới khi ra trường, con của anh có được học ở căn phòng mà bố mẹ con đã đóng góp không hay phải chuyển lớp? Nhưng anh quy chụp đóng tiền xong, năm sau, con của anh sẽ phải chuyển lớp, và như thế, là phí tiền.

Các trường công lập sẽ nhận được tiền ngân sách để đầu tư cơ sở vật chất, để trả lương cho giáo viên... Anh đã nói như thế. Điều này đúng. Nhưng anh có biết khoản ngân sách này hàng năm là bao nhiêu không? Anh có biết một năm, trường cần chi cho những khoản nào không?... Và nếu hạch toán ra và hiểu rõ, hẳn anh cũng biết, nếu chỉ trông chờ vào số tiền này, thì các lớp học bây giờ vẫn chỉ đơn sơ với bảng đen và phấn trắng, dăm chiếc quạt trần chạy lờ đờ... Thế nên, mới có câu chuyện xã hội hóa giáo dục, mới cần hội cha mẹ học sinh chung tay đóng góp. Nếu cơ sở vật chất đã đủ đầy rồi, đã tốt rồi, tôi khẳng định chẳng có Ban đại diện cha mẹ học sinh nào thừa giầy vẽ voi mà kêu gọi sửa chữa, thay mới làm cái gì cả. Ông bà ta chẳng có câu "có thực mới vực được đạo" còn gì? Còn triết học chăng dạy ta "Vật chất quyết định ý thức" đấy sao?

Nếu anh có tìm hiểu về các trường tư cao cấp, các trường quốc tế, hẳn anh cũng biết rằng cơ sở vật chất của trường rất tốt: điều hòa, máy chiếu, bàn ghế, tủ sách... Thế nhưng, đi kèm với nó là mức học phí rất đắt đỏ. Và đại diện hội cha mẹ học sinh ở đây, họ làm gì? Vì trường con họ cái gì cũng có rồi nên chẳng cần họ đứng ra kêu gọi làm cái này làm cái kia làm gì cho mệt. Họ chuyển sang kêu gọi tổ chức cho các con đi dã ngoại, đi du lịch... (tất nhiên là số tiền bỏ ra nhiều hơn hẳn là lót sàn lớp rồi). Và nếu, tôi nói nếu nhé, anh là phụ huynh ở đây, hẳn anh cũng trách họ “bày trò, thừa tiền nên vẽ hươu vẽ vượn” nhỉ?

Thêm vào đó, nếu ban đại diện cha mẹ học sinh của nơi con anh theo học chưa thực sự phát huy vai trò của mình mà chỉ quanh quẩn với vận động, đóng tiền như anh nói thì theo anh, họ nên bắt đầu với việc gì? Nếu anh thấy anh làm tốt hơn, anh có thể tự ứng cử vào vị trí Hội trưởng hội phụ huynh để mang lại một luồng gió mới, để chứng minh là anh đã đúng chứ không phải là đòi giải tán hội. Anh cứ làm hội trưởng hội phụ huynh đi, để thông cảm, để hiểu thêm về những người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” này.

Nơi con tôi theo học là một trường tư nhỏ, cả trường có khoảng 40 – 50 con, không có ban đại diện hội cha mẹ học sinh nhà trường, chẳng có ban đại diện hội cha mẹ học sinh lớp... Tất cả các thông báo, đều được cô hiệu trưởng hoặc cô đứng lớp thông báo bằng miệng, hoặc cho lên facebook. Nhưng với một trường công, với số lượng HS gấp 10 lần và thậm chí là 20 lần, nếu không có ban đại diện cha mẹ học sinh, làm thế nào để phổ biến và thông báo tới phụ huynh. Tất cả kê ghế ngồi giữa sân trường như chào cờ đầu tuần? Và những cuộc họp phụ huynh quy mô  như thế này có thực sự hiệu quả thay vì ban giám hiệu nhà trường chỉ cần họp với đại diện hội cha mẹ học sinh các lớp?


(Ảnh minh họa) 

Như trên đã nói, lớp con tôi chẳng có ban đại diện cha mẹ học sinh, trường cũng chẳng có nốt nên tới ngày khai giảng, cô hiệu trưởng và các cô giáo hẳn là tủi thân lắm khi chẳng có nổi bó hoa, chẳng có nổi một lời chúc, mặc dù rất cố gắng tổ chức cho các con một buổi khai giảng ý nghĩa. Mà tặng hoa cho các cô vào ngày này, với danh nghĩa cá nhân, tôi cũng chẳng dám. Vì sao? Vì tôi sợ một số phụ huynh, sẽ nhảy vào chê tôi là “chơi trội” rồi là “tạo quan hệ với các cô để con được ưu ái”.

Chúng ta cứ mãi trách cứ, chúng ta tìm ra giải pháp nhưng để thay đổi nền giáo dục còn cần một lộ trình rất dài. Chính tôi và tôi nghĩ rằng hàng triệu phụ huynh khác cãi vã nhau, bảo vệ quan điểm, đóng góp ý kiến cũng chỉ mong các con được hưởng thụ những điều tốt nhất. Tuy nhiên, chúng ta không thể chờ, chúng ta hoàn toàn có thể "liệu cơm gắp mắm", chả có trường nào giống trường nào, cũng không phải hoàn cảnh mọi phụ huynh đều giống nhau. Đụng cái là đòi giải thể, để rồi tình hình hỗn loạn hơn, cộng với trăm ngàn hệ lụy khác. Theo tôi, nên chậm lại một chút, để suy tính thiệt hơn. Mọi cải cách của chúng ta, con cái chúng ta là người chịu tác động trực tiếp.

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một phụ huynh sống lại Hà Nội)

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang