Các bợm nhậu suýt chết vì ngộ độc rượu

Từng bị thủng dạ dày vì rượu, người đàn ông 46 tuổi (Nghệ An) vẫn tiếp tục uống đến mức gan to, tụy bị hỏng một phần.

Sau nhiều lần ăn nhậu, anh Vũ phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc rượu. Bác sĩ phát hiện bệnh nhân đã bị hỏng một phần tụy, viêm gan, gan hơi to. Năm 2010, sau một tuần liên tục uống nhiều loại rượu, anh Vũ bị thủng tâm vị dạ dày, phải điều trị dài ngày. Người đàn ông cho biết đã uống rượu 20 năm nay, gần như tuần nào cũng có cuộc nhậu, chỉ ba người cũng uống hết hai lít rượu.

Một nam bệnh nhân 56 tuổi ở Hà Nội cũng vào viện trong tình trạng viêm gan, ung thư niệu quản. Bệnh nhân có tiền sử suy giảm miễn dịch do uống rượu thường xuyên. Người vợ cho biết, nhiều năm qua chồng uống rượu hằng ngày, ngày nhiều uống đến nửa lít. Khi được bác sĩ chẩn đoán bị viêm gan do rượu với tình trạng men gan cao, chồng chị vẫn uống. Dịp cuối năm, giáp Tết liên hoan nhiều, anh càng uống nhiều hơn. “Can ngăn, nói mãi mà không ăn thua”, người vợ thở dài nói.

Hai bệnh nhân này đang điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cùng 10 trường hợp khác tương tự. Hai tuần trước một bệnh nhân đã tử vong do suy đa tạng.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc cho biết, càng gần Tết Nguyên đán, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu càng tăng. Vào mùa đông, lượng bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa tăng, phần lớn là do uống rượu nhiều gây chảy máu. Rượu làm giảm lượng bạch cầu, giảm sức đề kháng của cơ thể nên tình trạng nhiễm trùng càng nặng.

Một bệnh nhân bị ngộ độc rượu đang điều trị ở bệnh viện. 

Theo bác sĩ Nguyên, có nhiều trường hợp ngộ độc rượu pha từ cồn công nghiệp methanol. Trước và sau Tết là thời điểm số ca ngộ độc rượu tăng đáng kể. Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, thống kê khoảng 3% vụ ngộ độc rượu với 1% số người bị ngộ độc, tỷ lệ tử vong do rượu chiếm hơn 26% tổng số ca tử vong ngộ độc thực phẩm. Điều này cho thấy tỷ lệ tử vong do ngộ độc rượu cao hơn rất nhiều lần so với các loại ngộ độc thực phẩm khác.

Năm 2017 ghi nhận số ca mắc ngộ độc rượu tăng đột biến, đặc biệt là rượu có pha methanol, với 10 vụ ngộ độc và 119 nạn nhân. Số người chết do ngộ độc rượu chủ yếu vào tháng 2-4 tức dịp đầu năm mới, và tháng 10-12.

Trong hội thảo mới đây về ngộ độc rượu, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ sự đau lòng khi cứ vào dịp Tết lại xảy ra những vụ ngộ độc rượu, nhiều người tử vong. 

“Nhiều gia đình có người tử vong vì rượu do kém hiểu biết, do đạo đức của người sản xuất. Vì quyền lợi mà họ bất chấp tính mạng của người dân, bán rượu có lượng cồn methanol lớn, hàng giả, hàng kém chất lượng”, Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Bộ trưởng mong muốn người dân ý thức hơn về tác hại của rượu, tác dụng cấp tính và mạn tính như ung thư. Rượu là một trong các tác nhân gây ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư dạ dày, thực quản; làm tăng huyết áp, rối loạn tâm thần, giảm trí nhớ...

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang