Các đại dịch về hô hấp đã kết thúc thế nào và khi nào dịch Covid-19 chấm dứt?

Các đại dịch liên quan đến virus gây nên những bệnh về hô hấp đã kết thúc như thế nào và sau hơn 1 năm hoành hành, khi nào đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc?

Gần 20 tháng kể từ khi virus SARS-CoV-2 gây nên dịch Covid-19 được phát hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc ngày 31/12/2019, thế giới vẫn chưa nhìn thấy hồi kết của đại dịch này, cũng như các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Gần 218 triệu người trên thế giới mắc bệnh, trong đó có hơn 4,5 triệu người tử vong (tính tới 31/8), với tỷ lệ tử vong là 2,08%. Tuy nhiên, số ca mắc vẫn không ngừng tăng lên trong khi ngày càng nhiều biến thể dễ lây nhiễm hơn xuất hiện, trong đó có biến thể Delta hiện đã được phát hiện ở 132 quốc gia.

Virus SARS-CoV-2 đã lây lan tới 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếp tục đe dọa tính mạng, công việc, hệ thống chăm sóc y tế và các nền kinh tế trên toàn cầu.

Việc nhìn lại các đại dịch trong quá khứ có thể giúp chúng ta hình dung phần nào về những diễn biến của đại dịch hiện nay. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhân loại đã trải qua 4 đại dịch cúm kể từ thế kỷ 20 vào các năm 1918, 1957, 1968 và 2009.

Trong khi dịch Covid-19 và dịch cúm do những virus khác nhau gây ra thì cả hai dịch bệnh này đều là những bệnh về hô hấp dễ lây nhiễm, Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho hay. Mặc dù gây lo ngại nhưng đợt bùng phát dịch SARS năm 2002 - 2003 do virus SARS-CoV-1 gây ra không được coi là đại dịch. Đợt bùng phát này đã khiến 8.437 người trên thế giới mắc bệnh và 10% trong số này tử vong.

Theo CDC, đại dịch xảy ra khi một dịch bệnh lan rộng tới nhiều quốc gia hoặc châu lục, ảnh hưởng đến một số lượng lớn người.

Cúm Tây Ban Nha 1918 - 1920

Nguyên nhân: virus A(H1N1)

Nguồn gốc: Chưa rõ

Số người mắc bệnh: 500 triệu người hay 1/3 dân số thế giới

Số người chết trên thế giới: 20 - 50 triệu

Tỷ lệ tử vong: 2 - 3%

Trong số 3 đại dịch cúm trong thế kỷ 20, đại dịch trong giai đoạn từ 1918 - 1920 là đợt bùng phát mạnh mẽ nhất khi khiến 20 - 50 triệu người trên thế giới tử vong. Sự lan rộng của virus được tạo điều kiện bởi sự di chuyển của những người lính qua các châu lục trong Thế chiến I. Các ca mắc đầu tiên ở Mỹ được phát hiện tại một căn cứ quân sự vào tháng 3/1918, CDC cho hay.

Đại dịch này được gọi là cúm Tây Ban Nha bởi báo cáo về những ca mắc đầu tiên xuất hiện trên một vài tờ báo của Tây Ban Nha. Cúm Tây Ban Nha trải qua 4 làn sóng, làn sóng bùng phát đầu tiên vào tháng 3/1918, làn sóng thứ hai vào tháng 9/1918, làn sóng thứ ba vào tháng 1/1919 và làn sóng thứ 4 vào 4 tháng đầu năm 1920.

Với việc không có vaccine ngăn chặn các ca lây nhiễm hay thuốc kháng sinh để điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn thứ phát liên quan đến các ca nhiễm cúm, đại dịch đã được kiểm soát qua một loạt các biện pháp như cách ly, vệ sinh cá nhân, sử dụng chất khử khuẩn và hạn chế tụ tập nơi công cộng, CDC cho hay.

Việc đeo khẩu trang bắt buộc cũng được áp dụng. Các rạp chiếu phim, trường học và các cơ sở kinh doanh đều đóng cửa, trong khi mọi người được khuyến khích tránh sử dụng các phương tiện giao thông công cộng hoặc sử dụng chúng vào giờ cao điểm để tránh tập trung đông người.

Cúm châu Á 1957 - 1958

Nguyên nhân: virus A (H2N2)

Nguồn gốc: Phía nam Trung Quốc

Số người mắc bệnh: ít nhất 500 triệu

Số người tử vong: 1 - 4 triệu

Tỷ lệ tử vong: chưa tới 0,2%

 

Virus này được phát hiện lần đầu tiên ở tây nam Trung Quốc vào tháng 2/1957 và sau đó được phát hiện ở Hong Kong vào tháng 4/1957. Do các hoạt động đi lại trên biển, virus đã nhanh chóng lan từ Hong Kong sang Singapore và Nhật Bản, và sau đó tới Liên Xô qua tuyến đường sắt xuyên Siberia, các nhà nghiên cứu M.E. Kitler, P. Gavinio và D. Lavanchy cho biết trong báo cáo "Dịch cúm và hoạt động của Tổ chức Y tế Thế giới".

Khi lan tới nước Mỹ, virus này vẫn phổ biến trong 10 năm. Việc triển khai nhanh chóng chiến dịch tiêm vaccine ngừa virus H2N2 đã bắt đầu vào tháng 8/1957 và trở nên rộng rãi hơn vào tháng 10/1957. Cùng với đó, việc phát minh ra thuốc kháng sinh điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn thứ phát cũng đã kiềm chế sự lây lan và nguy cơ tử vong của đại dịch.

"Virus H2N2 đã biến mất khi virus H3N2 xuất hiện (1 thập kỷ sau đó), cũng như virus H1N1 đã dừng lây lan vào năm 1957 khi virus H2N2 xuất hiện", nhà nghiên cứu Kitler cho biết.

Cũng như virus gây nên dịch cúm Tây Ban Nha, sau khoảng 2 năm, virus gây nên cúm châu Á đã trở thành bệnh đặc hữu theo mùa và hoàn toàn biến mất sau 11 năm, Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia của Mỹ (NCBI) cho biết.

Cúm Hong Kong 1968 - 1969

Nguyên nhân: virus A(H3N2)

Nguồn gốc: phía nam Trung Quốc

Số ca tử vong: 1 - 4 triệu

Tỷ lệ tử vong: chưa tới 0,2%

Vào tháng 7/1968, khoảng 500.000 ca mắc bệnh giống cúm ở Hong Kong đã dấy lên cảnh báo. Vào tháng 8, virus này đã lan tới Singapore, Đài Loan, Philippines, Việt Nam, Malaysia, vào tháng 9 lan tới Thái Lan, Ấn Độ, Iran, Australia và vào tháng 10 thì lan tới Mỹ, theo NCBI.

Việc đi lại bằng đường hàng không của 160 triệu người trong đại dịch đã khiến cho virus lây lan nhanh chóng trên toàn cầu. Các phương pháp điều trị kháng virus và vaccine đã được sử dụng để đối phó với đại dịch. Mặc dù những liều vaccine đầu tiên được sản xuất vào tháng 11 nhưng phải tới tháng 1/1969, khi dịch bệnh đạt đỉnh thì mới có nhiều lô vaccine hơn. Điều này đã làm dấy lên chỉ trích rằng vaccine đã đến quá ít và quá trễ. Vì thế, vai trò của nó trong việc kiểm soát đại dịch đã bị đặt câu hỏi.

CDC cho biết virus H3N2 tiếp tục lây nhiễm trên thế giới hiện nay tương tự như virus A gây cúm mùa.

Cúm gia cầm 2009 - 2010

Nguyên nhân: virus A(H1N1)pdm09

Nguồn gốc: Bắc Mỹ

Số người mắc bệnh: 700 triệu - 1,4 tỷ người

Số người tử vong: 100.000 - 400.000

Tỷ lệ tử vong: 0,02%

Vài tháng sau khi những ca nhiễm bệnh trên người đầu tiên được phát hiện ở Mỹ và Mexico, WHO tuyên bố dịch bệnh này là đại dịch vào ngày 11/6/2009 sau khi virus lan ra 74 quốc gia và vùng lãnh thổ. Virus đã lan tới tất cả châu lục chỉ trong chưa tới 9 tuần.

Thuốc kháng virus, cách ly những người đến từ những quốc gia có dịch và đóng cửa trường học là những biện pháp được sử dụng để đối phó với virus mới. Vào tháng 10, những liều vaccine ngừa virus H1N1 đã được thông qua ở Mỹ.

WHO tuyên bố đại dịch kết thúc vào ngày 10/8/2010. Hiện nay, virus này lây lan như virus cúm mùa, gây nên một số ca mắc bệnh và tử vong trên thế giới mỗi năm.

SARS: Trước đây và bây giờ

Những đại dịch trong quá khứ đã cho chúng ta thấy, kể từ khi xuất hiện, trong khoảng 2 năm, virus gây bệnh có xu hướng trở thành bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra với các đại dịch cúm.

Khi mà đại dịch Covid-19 do một virus khác gây ra, virus có thể hành xử theo những cách khác.

Thậm chí, đợt bùng phát dịch bệnh SARS năm 2003 và dịch Covid-19 hiện nay cũng có nhiều khác biệt.

 

Mặc dù virus gây nên dịch SARS có liên hệ về gen với virus gây nên dịch Covid-19 nhưng đợt bùng phát dịch SARS năm 2003 được kiểm soát chỉ trong vài tháng sau khi lây lan ra 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, WHO cho biết, dịch bệnh này chỉ gây ảnh hưởng mạnh đến 6 trong số những khu vực trên. Tại châu Á, việc đeo khẩu trang bắt buộc, đo thân nhiệt tại các địa điểm công cộng và cách ly nghiêm ngặt những người tiếp xúc gần với người mắc bệnh đã kiểm soát được số ca lây nhiễm.

Không có chiến dịch tiêm vaccine nào được triển khai nhưng virus đã biến mất trước khi vaccine được phát triển. SARS-CoV-2 chỉ khiến 8.437 người mắc bệnh trong 9 tháng hoành hành.

Trái lại, khi WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu vào 11/3/2020, khoảng 118.000 người đã mắc bệnh ở 114 quốc gia với khoảng 4.300 người tử vong. Virus vẫn hoành hành sau hơn 1 năm và chiến dịch tiêm vaccine đóng vai trò quan trọng để chống lại virus này.

Mục tiêu của WHO

 

“Đại dịch sẽ chấm dứt vào thời điểm thế giới lựa chọn để chấm dứt nó. Điều này nằm trong tay chúng ta. Chúng ta có mọi công cụ cần thiết: Chúng ta có thể ngăn chặn dịch bệnh này, xét nghiệm và điều trị nó", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định trong cuộc họp báo ngày 30/7/2021.

Ông Tedros cho biết WHO sẽ hỗ trợ các quốc gia tiêm vaccine cho ít nhất 10% dân số vào cuối tháng 9, ít nhất 40% dân số vào cuối năm và 70% dân số vào giữa năm 2022.

Tuy nhiên, người đứng đầu WHO cũng thừa nhận rằng thế giới "vẫn còn một chặng đường dài để đạt được mục tiêu này"./.

 

Theo soha.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang