1. Bình cứu hỏa
Bình khí CO2 chữa cháy có rất nhiều loại khác nhau về dung tích và hình dáng. Bình chữa cháy thường ghi rõ CO2, MT2, MT3, MT5, bạn cần học cách để phân biệt chữa cháy.
Bình khí CO2 chữa cháy có rất nhiều loại khác nhau về dung tích và hình dáng
Cơ bản bình CO2 chuyên chữa cháy chất lỏng (xăng, dầu, cồn), khí (methan, gas), thiết bị điện. Đặc điểm: Làm loãng đám cháy, chỉ chữa cháy trong nhà, không chữa cháy các chất cháy gốc kim loại kiềm, kiềm thổ (như nhôm, chất nổ đen…), vì sẽ cháy mạnh hơn.
Vì CO2 phun ra sẽ rất lạnh (-73oC), nên không được phun trực tiếp vào người khác, không cầm tay vào các vị trí nối liên kết với loa phun, không phun vào nguời vì có thể gây bỏng lạnh hoặc CO2 đậm đặc quá gây ngạt. Cũng không nên để trong phòng kín có người ở.
2. Thang dây, dây thoát hiểm
Trong trường hợp có hỏa hoạn mà không thể thoát ra ngoài bằng cửa chính hay cửa thoát hiểm thì cửa sổ và ban công là nơi giúp bạn thoát ra khỏi đám cháy. Khi đó, một chiếc thang dây hay dây thoát hiểm sẽ là vật dụng cực kỳ hữu ích
Tùy theo độ cao căn hộ của bạn mà có thể lựa chọn các loại dây thoát hiểm với độ dài khác nhau lên tới trên 50m (tương đương nhà 12 tầng). Khi có sự cố, bạn móc đầu dây vào thành cửa sổ, ban công có bệ chắc chắn. Mọi bộ phận của thiết bị đều chống cháy nên bạn có thể yên tâm, bình tĩnh thoát hiểm. Trọng lượng chịu tải cho phép khoảng 150 kg.
Bạn cũng cần phải tập luyện trước để thành thục, nhất là với những người mắc bệnh sợ độ cao. Mức giá của dây từ 5 triệu đồng trở lên.
Thang dây thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn
Hiện nay, có một số nhà sản xuất sử dụng loại thiết bị thoát hiểm bằng dây tích hợp gọn gàng trong ba lô. Móc được gắn trước trong văn phòng hoặc nhà ở, tốt nhất là gần cửa sổ. Khi xảy ra cháy, người dùng đeo balô lên vai, thắt dây an toàn rồi mắc cáp vào móc sau đó tiến ra phía cửa sổ rồi tuột xuống đất.
Chiếc balô này nặng khoảng từ 8 – 12kg, có nhiều phiên bản sợi cáp khác nhau, từ 25 – 80m, có thể giải cứu người ở các tòa nhà có chiều cao lên đến 20 tầng. Thiết bị có thể chịu sức nặng tối đa là 136kg. Giá của chiếc balô này tương đối đắt khoảng từ 16,6 – 19 triệu đồng tùy thuộc vào độ dài của cáp.
Balo thoát hiểm có cáp bên trong
3. Mặt nạ chống khói
Trong nhiều trường hợp, nạn nhân không tử vong do lửa mà do ngạt khói. Đặc biệt là khi một số vật liệu cháy sinh ra khói độc. Do đó, các gia đình sống tại các tòa chung cư cao tầng nên sắm vài chiếc mặt nạ dưỡng khí để phòng tránh những trường hợp xấu khi có quá nhiều khói độc mà chưa "thoát thân" được.
Mặt nạ chống khói, có phần đầu mặt nạ làm bằng vật liệu chống cháy, bên ngoài phủ lớp màng bạc nhôm để ngăn sự bức xạ nhiệt cao, tránh gây tổn thương vùng đầu cho người đang thoát hiểm.
Mặt nạ chống khói giúp người dùng thở trong khoảng 30 phút
Mặt nạ chống khói lọc các loại hơi và khí độc phát sinh trong đám cháy, đặc biệt là khí CO. Giúp người sử dụng thở và thoát hiểm trong 40 phút.
Mặt nạ chống khói được thiết kế phù hợp với mọi khuôn mặt, kể cả trẻ em. Các loại mặt nạ này bằng vật liệu chống cháy có phần trong suốt trước mặt giúp bạn quan sát và thường có màu nổi bật để lính cứu hỏa nhận biết khi thấy bạn.
Tại Hà Nội, mặt nạ phòng khói, phòng khí độc được bán phổ biến trong các cửa hàng trang thiết bị bảo hộ lao động, PCCC trên đường Lê Duẩn, Yết Kiêu, Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tưởng,... Giá của những mặt hàng này không quá cao, khoảng từ 180.000 - 300.000 đồng.
4. Chăn chống cháy
Theo kinh nghiệm của các chiến sĩ cứu hỏa, người dân ở các tòa nhà nên dùng các tấm phủ cứu hỏa của Hàn Quốc (còn gọi là chăn dập lửa, chăn cứu hỏa), được làm từ sợi thủy tinh, không sử dụng amiang độc hại.
Chăn chống cháy được làm từ sợi thủy tinh, có thể chịu nhiệt đến 700 độ C.
Chăn này có khả năng cách nhiệt, chống cháy, chống axít và kiềm. Đặc biệt, nó có thể chịu được nhiệt độ tới 700 độ C mà không bị chảy, không cháy, không co.
Khi xảy ra hỏa hoạn, chỉ cần quấn chăn vào người và nhanh chóng theo cầu thang thoát hiểm để ra khỏi vùng hỏa hoạn trong các tòa nhà, văn phòng, nhà kho…
5. Bình dưỡng khí
Trên thị trường cũng có một số loại bình ôxy dưỡng khí mini nhỏ gọn, giá từ vài trăm ngàn đồng tới 2-3 triệu đồng. Nhưng một số chuyên gia PCCC lưu ý, ôxy là chất dễ gây cháy nổ, cách sử dụng không đơn giản, nếu dùng không cẩn thận và không biết cách dùng đúng liều có thể gặp nguy hiểm.
Do đó, muốn dùng cần có tư vấn kỹ lưỡng của các chuyên gia PCCC và cả nhân viên y tế, người dân không nên tùy tiện sử dụng.
Ngoài chuẩn bị các thiết bị PCCC, các bạn cần học thuộc lòng những điều sau đây:
-
Không có nhà nào an toàn 100%. Các bạn nên lưu ý tắt hết các thiết bị tiêu thụ điện, cắt điện khi đi ra khỏi nhà. Đồ điện, dây điện cũ hỏng không chắp nối tái sử dụng.
-
Căn phòng 50m2 khói sẽ bao trùm trong 3-5ph. Mua ít nhất một bình cứu hỏa sử dụng được ngay khi khẩn cấp.
-
90% người chết trong các vụ cháy là do ngạt khói. Nên mua cho mỗi người trong gia đình ít nhất một mặt nạ chống khói.
-
Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy theo số 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền địa phương, công an xã, phường gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.