Theo Đại đức Thích Thanh Thắng (Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN), không khí Tết rõ nhất sau ngày tiễn ông Công ông Táo về trời, đến ngày 30 Tết, người ta làm lễ tất niên, bày cỗ chính thức thỉnh mời tổ tiên về ăn Tết với con cháu.
Đến giao thừa người ta bày mâm cúng ngoài sân để cúng trời đất và các vị thần linh. Hết 3 ngày, người ta làm lễ tiễn ông bà tổ tiên.
Đối với đạo Phật, việc thờ cúng chỉ là một hình thức mang tính biểu tượng, còn cái tâm của chủ nhà mới là điều quan trọng.
Một gia đình làm nghề nghiệp chân chính, con hiền cháu thảo, thì việc thờ cúng tổ tiên càng có ý nghĩa thiêng liêng hơn.
Các cụ nói “tùy tiền biện lễ”, không cứ phải mâm cao cổ đầy, nhưng một số vật phẩm như mâm ngũ quả, bánh chưng, xôi oản… là không thể thiếu trong dịp Tết.
Quan trọng là không chỉ vào ngày Tết, mà việc thờ cúng suốt quanh năm nên được chăm chút sao cho sạch sẽ trang nghiêm, không trang trí lỉnh kỉnh, rườm rà, lòe loẹt, không nên thắp quá nhiều hương (nhang), không nên đốt vàng mã...
Mâm cơm đầu năm của của các gia đình thường được chuẩn bị rất công phu, kĩ càng. Thịt gà phải là thịt gà trống choai, được chọn lựa cẩn thận: mào gà, hình dáng gà, đặc biệt là cựa gà. Người Việt Nam quan niệm: cựa gà có đẹp thì cả năm mới sung túc, ấm no. Gà được thịt để cúng giao thừa, sau đó chia cho con cháu ăn hưởng lộc. Thịt lợn phải chọn được miếng thịt lợn đầy đặn, có đủ nạc, mỡ (thường 1/3 mỡ, 2/3 nạc), dầy mình, vuông vắn. Giò có thể là giò nạc, giò lụa, miếng giò chắc, thơm ngọt. Giò được gói tròn. Trong mâm cơm có bánh chưng vuông tượng trưng cho đất, khoanh giò tròn tượng trưng cho trời, thể hiện sự hoà hợp, cân bằng giữa trời đất và con người. Âm dương cân bằng, gia chủ mới mạnh khoẻ, con cháu ngoan hiền, làm ăn phát đạt. Mâm cơm đầu năm còn có đĩa xôi. Xôi đầu năm mới phải là xôi gấc hoặc xôi đỗ. Màu đỏ của gấc, màu vàng ruộm của đỗ thể hiện niềm tin, hi vọng của gia chủ vào một năm mới làm ăn thành công, gặp nhiều may mắn.
Trong mâm cơm ngày Tết không thể thiếu được đĩa dưa hành vàng óng, thơm lừng. Dưa hành không chỉ để ăn kèm với thịt luộc mà còn là một món ăn rất tốt cho sức khoẻ trong dịp Tết. Thông thường, trong dịp Tết, mọi người thường ăn rất nhiều thịt, đồ nếp, đồ ngọt vì vậy đĩa dưa hành chính là một món ăn rất tốt cho hệ tiêu hoá, đảm bảo cho cả gia đình có một năm mới khoẻ mạnh. Trong mâm cỗ ngày Tết có đầy đủ các vị: vị mặn của nước chấm, vị cay của ớt, vị chua của đĩa dưa hành, vị ngọt của bánh … tất cả tạo nên một mâm cơm sum vầy no đủ. Tại sao phải có đủ bốn bát, bốn đĩa? Thực ra, con số bốn là con số tượng trưng cho sự vuông vắn, cân đối, đầy đặn, vững chãi. Ngoài ra còn có đĩa xôi (bánh chưng) và bát nước chấm là mười. Số mười tượng trưng cho sự tròn đầy, viên mãn. Mâm cơm đầu năm mới đã thể hiện tất cả những mong ước của gia chủ về một năm mới an lành, ấm no, thành công và hạnh phúc. Mâm cơm đầu năm mới trước để cúng thần linh, ông bà tổ tiên để xin lộc của thần linh, tiên tổ. Hết tuần hương, mâm cơm được dọn cho cả nhà cùng ăn, với ý nghĩa hưởng lộc của thần linh, tổ tiên phù hộ, cả năm không ốm đau, con cháu học hành tấn tới, làm ăn phát đạt, gia đình thuận hoà, tránh mọi tai ương.
Trình tự cúng 4 ngày Tết
Tết Nguyên đán thường tổ chức 4 ngày và lễ cúng gia tiên cũng được trình tự cúng trong 4 ngày với những ý nghĩa khác nhau.
- Chiều 30 Tết có lễ cúng tất niên, tức là cúng trình với ông bà, tổ tiên năm cũ đã hết. Đêm 30 cúng giao thừa, thời điểm chuyển tiếp năm cũ sang năm mới.
- Sáng mùng 1 Tết là cúng Nguyên đán, nghĩa là cúng sáng sớm của một ngày đầu năm. Chiều mùng 1 Tết cúng Tịch điện, tức là cúng cơm chiều.
- Ngày mùng 2 Tết có 2 lễ cúng, buổi sáng cúng mời tổ tiên gọi là Chiêu điện, buổi chiều cúng Tịch điện.
- Ngày mùng 3 là ngày cuối của tết, nên cúng Tạ Ông vải, với ý nghĩa 4 ngày tết đã đầy đủ.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.