1. Nhận biết thịt không còn ăn được
Điều đầu tiên cần làm trước khi tiêu thụ thịt đỏ là xem màu sắc của miếng thịt. Thịt tươi thường có màu đỏ, có thể có ánh kim loại do chứa sắt. Nếu miếng thịt có màu nâu hoặc chuyển sang màu xanh lá cây, bạn không nên mua hoặc ăn nó.
Tiếp theo, bạn chạm nhẹ vào miếng thịt: nếu miếng thịt có vẻ mềm oặt hoặc dính trên tay của bạn, điều đó có nghĩa là nó đã bắt đầu thối rữa. Cuối cùng, hãy thử ngửi miếng thịt: thịt đỏ bị hỏng có mùi chua gợi nhớ đến mùi amoniac. Thịt lợn ươn có đặc điểm giống thịt đỏ: sờ vào thấy dính, có mùi hôi khó chịu và mất màu hồng xám.
Đối với thịt gia cầm, một số dấu hiệu sau đây giúp xác định nó có bị hư hỏng hay không. Đầu tiên, hãy nhìn vào màu sắc của miếng thịt. Khi nó vẫn còn tốt, phần da màu vàng nhạt tươi tắn, phần thịt bên trong hơi hồng, nếu miếng thịt chuyển sang màu xám, đó là một dấu hiệu xấu: hãy vứt bỏ nó ngay lập tức.
Tuy nhiên, cũng có lúc thịt gia cầm vẫn còn màu hồng nhưng cũng không còn tươi. Vì vậy, hãy dành thời gian để kiểm tra kết cấu cũng như mùi của nó. Nếu sờ vào da có cảm giác nhầy nhụa, nghĩa là da đã bị hư hỏng. Yếu tố cuối cùng để đánh giá trạng thái tươi mới là mùi. Nếu mùi khó chịu khiến bạn cảm thấy buồn nôn, hãy bỏ nó đi ngay.
2. Những lưu ý khi đi mua thịt
Để tránh lãng phí, hãy hết sức cẩn thận khi chọn những miếng thịt đã đóng gói sẵn trong siêu thị. Xem kỹ hạn sử dụng để không chọn phải miếng thịt quá hạn hoặc sắp bị hỏng. Khi mua về hãy sử dụng trong vòng 2 đến 3 ngày là lý tưởng nhất. Nếu bạn đông lạnh thịt, hãy cân nhắc rã đông thịt trong nước lạnh hoặc trong ngăn mát tủ lạnh để ngăn vi khuẩn phát triển.
3. 5 sai lầm thường gặp khi chế biến thịt
3.1 Rửa thịt
Không giống như rau hoặc salad, làm sạch đùi gà hoặc thịt bò nướng có thể nguy hiểm. "Bạn không nên rửa thịt trước khi nấu vì điều này giúp vi khuẩn sinh sôi nhanh hơn" - Alexandra Retion, chuyên gia dinh dưỡng tại Paris khuyến cáo. Thịt gà sống tiếp xúc với nước sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn campylobacter, nguyên nhân gây ra khoảng 1 triệu ca nhiễm khuẩn tiêu hóa mỗi năm ở Pháp (theo Health Watch Institute).
3.2 Để thịt ở nhiệt độ phòng
Nhiều người thường lấy thịt ra khỏi tủ lạnh (tủ đông hoặc tủ lạnh) vài giờ trước khi nấu để thịt có "hương vị" hơn. Tuy nhiên, việc làm này không phải là không có rủi ro. Khi tiếp xúc với không khí, thịt tươi hoặc đông lạnh có thể bị nhiễm khuẩn. Các loại thịt đông lạnh cần rã đông nhiều giờ trong tủ lạnh (tối đa 24 giờ) trước khi nấu. Trước hết là để tránh sự phát triển của vi khuẩn và không phá vỡ dây chuyền lạnh.
3.3 Rã đông trong lò vi sóng
Để tiết kiệm thời gian, một số người chọn cách nhanh chóng là rã đông thịt trong lò vi sóng. Đây là một phương pháp khá nguy hiểm vì việc chuyển từ mát (tủ đông hoặc tủ lạnh) sang nóng làm đứt dây chuyền lạnh, có thể khiến thịt biến chất và giảm đáng kể dinh dưỡng.
3.4 Ướp thịt trước khi nấu
Nhiều người nêm gia vị vào thịt ngay từ khi bắt đầu nấu để tăng hương vị và giúp món ăn thêm đậm đà. Nhà dinh dưỡng học Alexandra Retion khuyên bạn: Ướp muối sớm khi bắt đầu nấu cho phép nó hút bớt nước. Tuy nhiên, nước là nơi sinh sản của vi khuẩn. Tốt hơn nên nêm muối vào lúc cuối.
3.5 Trữ đông thịt quá lâu
Tủ đông đã trở thành một thiết bị không thể thiếu đối với các hộ gia đình. Mặc dù nó khá tiện lợi, nhưng những người bán thịt vẫn khuyến cáo việc tiêu thụ thịt tươi vì đông lạnh thịt không bảo toàn được chất lượng dinh dưỡng của nó. Tốt nhất bạn nên lưu trữ thịt và sử dụng nhanh trong vòng 2-3 ngày.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.