- Anh có hứa thương em cả đời không?
- Có!
- Thiệt không?
- Thiệt chứ!
- Sau này em già trước anh, anh có bỏ em không?
- Không!
- Thiệt không đó?
- Thiệt, hỏi hoài!
Hạnh (36 tuổi) cứ hỏi Trò (31 tuổi), chồng mình như vậy hoài. Và lần nào anh cũng khăng khăng trả lời một câu như vậy, hệt như 7 năm trước, cái hồi anh quyết trở thành người phối ngẫu đi bên đời chị.
Tán tỉnh bằng bọc trứng, sính lễ là cặp vịt
Trên một khoảnh đất mênh mông đồng ruộng xanh mướt tại ấp Thống Nhất, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, anh Trò, chị Hạnh cất một căn nhà xinh xinh. Bên hông nhà là khu nuôi gà vịt lấy trứng, là kênh rạch đỏ màu phù sa, nom có vẻ trù phú.
Chị Hạnh, cao 9 tấc, quanh quẩn ở nhà chăn nuôi. Còn ông xã kém chị 5 tuổi, người cao ráo, ưa nhìn, làm phụ hồ, vác đá kiếm sống. Họ là vợ chồng đã 7 năm nay, nhưng với chị Hạnh, vẫn cứ như một giấc mơ. Từ bấy tới giờ, chị cứ hỏi chồng hoài về chuyện tại sao anh thương mình...
Vợ chồng anh Trò - chị Hạnh.
Hồi đó, anh Trò cũng làm phụ hồ như bây giờ, ở trong đội cất nhà cho hàng xóm chị Hạnh. Tự dưng gặp Hạnh, anh thương, rồi xin số điện thoại làm quen, tán tỉnh đôi câu. Hạnh đâu có chịu. Chị tưởng anh muốn giỡn mình, chòng ghẹo qua đường cho vui.
"Em nói em như vầy (bị dị tật - PV), anh như vậy, không được đâu. Ảnh cứ đòi qua nhà chơi. Em khóc nói anh đừng qua. Ảnh nói lại, là anh thương em, anh về đây anh sống rồi anh sẽ lo lắng cho em, đèn tắt anh mới bỏ em.
Em xúc động quá, mới cười, kêu anh qua thăm chắc chạy bỏ dép quá! Nói vậy đó, ai dè chiều 5 giờ xong việc là ảnh qua thiệt, xách bọc trứng vịt lộn và trái cây qua làm quà ra mắt. Em sợ, không dám ra gặp luôn!" - chị nhớ lại.
Sau 2 tháng tán tỉnh, họ thành đôi. Ngày chồng về thưa với ba mẹ anh xin cưới, Hạnh còn cảm thấy khó tin. Chị luôn nghĩ, mình như vậy đâu ai mà thương, tìm được bạn trai đã khó, đây người ta lại đòi cưới. Nhưng Trò thì nghiêm túc.
Anh nói, anh thương cái thiệt tình, cái sự biết trước biết sau, vun vén công việc của Hạnh. "Người cao ráo xinh đẹp chắc gì đã ở được với nhau bền lâu. Người tật nguyền mình thương người ta, sau này đau ốm hoạn nạn người ta vẫn ở cạnh mình. Cha mẹ phản đối dữ lắm, nhưng mình nói luôn, nếu mẹ không chịu, con cũng ở bên vợ con. Chuyện một đời người đâu giỡn chơi được, quyết định rồi là không thay đổi.".
Chị chỉ cao có 9 tấc, còn chồng lành lặn, sức vóc cũng tầm trung.
Thế là họ thành đôi. Đám cưới, mẹ chồng cho cặp vịt với đôi bông tai làm sính lễ. Rồi anh dọn qua ở với vợ luôn, cất lại nhà để bắt đầu tổ ấm. Thấy đất mênh mông vậy, có khi người ta tưởng anh "đào mỏ", chịu lấy vợ tật nguyền để có gia sản.
Nhưng đâu phải! Mẹ Hạnh mất năm chị mới 8 tuổi. Ba cũng có gia đình mới. Nơi Hạnh ở vẫn là ở đậu người cô. Cô thương thì cho mượn vậy để ở, có chỗ chăn nuôi vịt gà, trồng mía sống qua ngày vậy thôi.
Ngày sinh, chồng cõng vợ chạy vòng vòng bệnh viện
"Thù lao" lớn nhất mà anh Trò được nhận, đó là cô con gái xin xắn năm nay lên 6 tuổi. Bé Phương cao ráo và lanh lợi giống nhiều đứa trẻ khác.
Hạnh kể lại, chị có bầu khá dễ dàng, cũng không bị nghén nhiều. Thời gian đầu hơi mệt, tới khi "bụng đội áo" (thấy bụng) thì bình thường. Có bầu, chị vẫn ở nhà nuôi vịt nuôi gà, nấu cơm dọn dẹp còn chồng đi làm mía.
Bé Phương - "gia sản" lớn nhất của hai vợ chồng chị Hằng, anh Trò.
Nhìn con gái xinh xắn, đặc biệt là có cặp chân dài, 6 tuổi đã cao hơn mẹ, chị như ôn lại nỗi hồi hộp khi mới có bầu, chỉ sợ con bị tật giống mình. "Đi siêu âm, bác sĩ nói: "Em bé giống y hệt cưng vậy đó, là con gái". Em buồn quá, về nói với ảnh: "Chết rồi anh ơi, con giống em rồi, sao giờ? Hay anh mượn tiền của cô, đưa em lên Cần Thơ cho sinh non đi.". Lúc đó, em bầu hơn 5 tháng.
Ảnh nghe vậy thì la: "Không sinh non gì hết trơn, giống em cũng nuôi luôn nữa!". Rồi ảnh mượn chiếc xe, mang em ra Phụng Hiệp siêu âm lại. Bác sĩ siêu âm nói em bé khỏe mạnh bình thường, không sao hết. Vợ chồng đêm nào cũng đốt nhang cầu nguyện cho em bé được sinh ra lành lặn. Lúc em đi sanh, mắc cười lắm, ảnh mừng quá cõng chạy vòng vòng nhà thương vậy đó!".
Chị khoe, chồng rất thương mình, nhưng không biết nói ra lời. Từ hồi có nhau, họ không vắng nhau được một đêm, thiếu hơi nhau là trằn trọc. Anh Trò có đi nhậu, khuya mấy thì khuya vẫn phải về ôm vợ.
Anh Trò thương vợ, lo lắng cho vợ những chuyện nho nhỏ như ẵm bồng chị qua đoạn đường khó, làm cái bếp mini vừa tầm chị nấu nướng...
Anh thì méc: "Vợ em ghen dữ lắm luôn. Nói gì nói, đàn ông ra đường không để mắt phụ nữ, thấy ai đẹp mà không nhìn thì không đúng. Nhưng tính em một là một, hai là hai, mình nhìn vậy mà đâu có xiêu lòng. Nếu tơ tưởng đến người khác, vài năm trước em đã không cưới. Nay 7 năm rồi, đâu phải đôi ba ngày...".
Biết vậy, nhưng Hạnh vẫn ghen. Chị ghen vì chồng đi mần lâu về. Ghen vì khi đi tiệc, chồng lên đồ đẹp, sợ gái lạ dòm ngó. Ghen vì anh tự tin đi lại, gặp gỡ mọi người, còn hơn 30 năm nay, chị chỉ thui thủi quanh nhà, cùng lắm là ra chợ không đi đám, đi tiệc bao giờ...
Trò cũng không lấy thế làm phiền. Vì anh hiểu lòng mình, hiểu lòng vợ, và hài lòng với khoản "thù lao hậu hĩnh" từ hôn nhân với Hạnh. Cuộc sống này, biết đủ là đủ rồi, phải không?
(Nguồn tham khảo: Độc lạ Bình Dương)
Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/cai-me-cha-de-cuoi-co-gai-tat-nguyen-cao-9-tac-nguoi-dan-ong-duoc-tra-thu-lao-hau-hinh-162212911153020478.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.