Cảm động bức thư “Hành trình đời người” ông bố Hà Nội gửi con gái nhỏ đang nằm viện

“Cuộc sống của con sẽ còn nhiều khổ ải. Trận ốm này, con biết thêm rằng có những thứ cay đắng tự mình phải vượt qua. Con cũng biết, có thể người cho con cay đắng chưa chắc đã phải người không tốt với con. Con cũng biết qua khó khăn sẽ thấy đó không phải là điều kinh khủng nhất.”


Ông bố Vũ Anh Quân- Tác gải bức thư hành trình đời người gửi con gái

Đó là những lời yêu thương của ông bố Vũ Anh Quân- hiện đang làm việc tại Thời báo Ngân hàng viết cho cô con gái nhỏ bé của mình (tên ở nhà Đu Đủ) đang phải nằm viện vì bệnh tay chân miệng.

Trong bức thư, ông bố cũng kể lại hành trình điều trị của con, về việc con đã vượt qua những lúc truyền thuốc, thở rung… dũng cảm ra sao cũng như những cảm xúc của bố khi chứng kiến con gái mình đang phải chiến đấu với bệnh tật.

Bức thư như một lời động viên bố gửi con gái: đừng sợ. Đường đời còn quá xa nhưng tình cha luôn rất gần. Hãy cùng nhau đọc tâm sự của ông bố và suy ngẫm bạn nhé.


Hình ảnh bé Đu Đủ đang nằm viện vì bệnh tay chân miệng

Hành trình đời người

Con bé gào thét, lồng lộn muốn tuồn ra khỏi tay bố. Đôi bàn tay bé xíu cố với qua làn chắn tay bố để gạt sợi dây đang rung rinh trước mặt. Nhưng bất lực. Vòng tay bố rất chặt, khác với mẹ nó khi trước, vừa sụt sùi mũi dãi, vừa giữ con không nổi. Đứa nhỏ cứ truồi ra, chiếc mặt nạ bốc khói nghi ngút - khí dung tuột khỏi mặt.

Năm ngày sốt vật vờ không biết nguyên nhân, sau đó là nhập viện vì xác định bệnh do virus "tay chân miệng". Ngày đầu ở Vinmec đối với con bé thật khủng khiếp: đưa gì vào miệng cũng ngoảnh đi xua tay, hay dằn dỗi, bế phải đứng chứ không được ngồi. Mặt con bé buồn buồn, đôi lúc lả đi. Nỗi lo ngày càng dâng lên với bố mẹ.

Đến hôm thứ hai, bệnh có biểu hiện nặng lên khi bé giật mình lúc ngủ, đi đứng loạng choạng. Một liệu trình mới được các bác sỹ Vinmec đưa ra: uống kháng sinh, truyền kháng sinh, uống thuốc an thần, bôi thuốc vòm miệng... Ăn uống kém, người sụt ký, một đống thuốc như làm con bé yếu hơn, đi lại khó khăn hơn mọi bận.

Khám cho Đu Đủ là những lần trải nghiệm đáng nhớ. Lúc mới vào viện, nhìn thấy bác sĩ là nàng đã dè chừng, chỉ cần thấy ống nghe tiến đến là ọ ọe, rồi khóc. Cho uống thuốc thì nàng ưỡn người lên phản đối, khi bị giữ 2 tay và đầu. Nhưng, kinh nhất là cho thở khí dung.

Bố sẽ phải quặp hai chân bạn ý lại. Một tay bạn ý phải cho ra sau, giữ một tay còn lại. Tay khác của bố thì giữ đầu cho bạn ý không gục xuống để đưa mặt nạ vào. Cảm giác con bé dùng hết sức lực cuối cùng để chống lại, cong người, bàn tay phía sau lần lên đằng trước. Nó khóc ngằn ngặt, từng chặp mỗi khi lấy lại được sức, mồ hôi ướt đẫm tóc.

Cảnh tượng bố giữ chặt con như tra tấn cả hai. Mẹ và bà thì cố pha trò để con quên tình cảnh hiện tại. Bố cố gắng động viên con, rưng rưng. Trong đầu bố vụt hiện lên cảm nhận của con: Tại sao bố mẹ thân thương là thế lại đối xử với mình thế này!

Lần xông khí dung sáng nay thật đặc biệt, vẫn là gào khóc, vẫn ướt đầm mồ hôi, nhưng sau đó thì là một tâm thế khác của nàng, đầy cam chịu. Bác sĩ khám không la, cho uống thuốc nàng nuốt rất nhanh, truyền thuốc thì cho bế ngồi rồi ngủ trên vai bố. Hay là con nghĩ: Điều kinh khủng như xông khí dung mà mình còn chịu được, thì mấy cái soi tai, nhìn họng, truyền thuốc là gì!

Đúng con ạ, cuộc sống của con sẽ còn nhiều khổ ải. Trận ốm này, con biết thêm rằng có những thứ cay đắng tự mình phải vượt qua. Con cũng biết, có thể người cho con cay đắng chưa chắc đã phải người không tốt với con. Con cũng biết qua khó khăn sẽ thấy đó không phải là điều kinh khủng nhất.

Mừng con qua một thử thách của cuộc đời. Bố yêu con!”

Bức thư đã nhận được đồng cảm từ nhiều bậc phụ huynh, cũng như thấm thía được tình cảm mà cha mẹ dành cho con cái. Một bà mẹ bình luận rằng: “Đọc xong mà nước mắt rơi tự lúc nào. Em đã từng cùng con trải qua tất cả những điều đó và còn kinh khủng hơn thế nữa. Hoài thai, ấp ủ, sinh ra được 1 đứa con đã không phải là điều đơn giản. Nuôi con, vượt qua những non yếu đầu đời để trụ vững và lớn lên, thậm chí là để an toàn đi cho đến hết cuộc là cả 1 sự cố gắng cộng thêm may mắn. Chúc bé mau khoẻ và hay ăn chóng lớn, cả nhà vui!”.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang