Vị trí của tuyến tiền liệt. Nguồn: bvbinhdan
Ung thư tuyến tiền liệt là một căn bệnh ung thư chỉ xảy ra ở nam giới và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị sớm. Một số nghiên cứu cho thấy lượng vitamin D đầy đủ có thể làm giảm nguy cơ hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, các bằng chứng đưa ra vẫn còn chưa rõ ràng.
Cụ thể, trong các thử nghiệm nuôi cấy tế bào và trên chuột, tiềm năng của vitamin D trong việc ngăn chặn sự phát triển của ung thư đã được ghi nhận rõ ràng. Thế nhưng có nên bổ sung vitamin D trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt hay không vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi.
Đó là do một số nghiên cứu cho thấy rằng vitamin D liều cao có thể cải thiện kết quả điều trị ung thư tuyến tiền liệt, trong khi các nghiên cứu khác lại không tìm thấy mối tương quan này. Do kết quả chưa rõ ràng nên vitamin D không nên được sử dụng để thay thế các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt tiêu chuẩn.
Vitamin D có thể điều trị ung thư tuyến tiền liệt?
Vitamin D tổng hợp dưới da do ánh sáng mặt trời hoặc hấp thu vào từ thức ăn sẽ được cơ thể phân hủy thành hợp chất calcitriol - dạng hoạt tính của vitamin D. Trong một số nghiên cứu, calcitriol có thể làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư, bao gồm cả ung thư tuyến tiền liệt.
Vitamin D cũng đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ miễn dịch. Thiếu vitamin D có thể làm tăng tình trạng viêm mà nếu kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh, trong đó có ung thư.
Nguồn: Benhvienk.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng một số nghiên cứu trong các nghiên cứu này được thực hiện bằng cách nuôi cấy tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm hoặc trên động vật chứ chưa phải thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người.
Kết quả nghiên cứu hứa hẹn nhưng cần thêm bằng chứng
Một nghiên cứu năm 2017 phát hiện những người bị ung thư tuyến tiền liệt có mức vitamin D thấp hơn nhóm người không bệnh. Ung thư tuyến tiền liệt tiến triển nặng hơn ở những người có mức vitamin D thấp nhất, đồng thời mức vitamin D thấp cũng liên quan đến tình trạng viêm nghiêm trọng hơn ở những người bị ung thư tuyến tiền liệt.
Các kết quả này cho thấy vai trò tiềm năng của vitamin D trong việc ngăn ngừa hoặc làm chậm sự phát triển của ung thư tuyến tiền liệt, nhưng vẫn chưa đủ để chứng minh bổ sung vitamin D có thể giúp cải thiện kết quả điều trị.
Dù vậy, một số nghiên cứu trước đó đã từng cho thấy bổ sung vitamin D có liên quan đến việc giảm mức độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (prostate-specific antigen hay PSA). PSA là một loại protein được sản xuất bởi các tế bào tuyến tiền liệt - mức PSA cao có thể là dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt.
Một đánh giá tổng quan năm 2018 xem xét bảy nghiên cứu khác phát hiện rằng nồng độ vitamin D trong máu cao hơn có liên quan đến nguy cơ tử vong thấp hơn ở những người bị ung thư tuyến tiền liệt.
Ngoài ra, họ cũng thấy bổ sung vitamin D giúp làm tăng nồng độ vitamin D trong máu. Như vậy, uống bổ sung vitamin D có tiềm năng giúp giảm nguy cơ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt, nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác nhận điều này một cách chính xác hơn.
Một bài đánh giá tổng quan năm 2019 trên 22 nghiên cứu đã phát hiện rằng mức vitamin D và mức PSA trong quá trình điều trị bệnh có liên quan với nhau, nhưng lại chưa tìm thấy được hiệu quả rõ rệt của vitamin D trong kết quả điều trị cuối cùng (như giảm tử vong hoặc kìm hãm sự tiến triển của ung thư).
Đáng lưu ý, một số nghiên cứu từ trước cho thấy vitamin D từ ánh nắng mặt trời có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Thế nhưng, một số nghiên cứu khác lại cho thấy nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt tăng lên ở những người có lượng vitamin D cao trong máu.
Những phát hiện trái ngược nhau này khiến các nhà khoa học khó mà đưa ra được một kết luận chắc chắn về lợi ích của vitamin D đối với bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Để có thể biết một cách chắc chắn ảnh hưởng của vitamin D với căn bệnh này, cần có thêm nhiều nghiên cứu so sánh những người dùng và không dùng vitamin D, đồng thời kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng khác (để tìm ra kết luận khách quan nhất).
Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy vitamin D có lợi cho những người bị ung thư tuyến tiền liệt đang điều trị bằng liệu pháp hormone – một liệu pháp vốn được biết có thể làm giảm mật độ xương. Vitamin D và canxi kết hợp với nhau có tác dụng giảm nguy cơ loãng xương và gãy xương.
Nguồn cung cấp vitamin D
Ánh sáng mặt trời là nguồn cung cấp vitamin D tự nhiên, phong phú và miễn phí. Ở những nước châu Âu, phơi nắng từ 5 đến 30 phút trong những giờ nắng mạnh (10 giờ sáng đến 4 giờ chiều) mỗi ngày hoặc hai lần mỗi tuần đã có thể giúp cung cấp đủ vitamin D (ở Việt Nam do giờ nắng gần như quanh năm nên chỉ cần dành đủ số giờ cho ánh sáng tự nhiên, có thể ở trong chỗ có mái che chứ không cần phải trực tiếp ra nắng). Tuy nhiên, phơi nắng quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ ung thư da.
Một số nguồn vitamin D khác bao gồm:
● Cá béo (cá tra, cá trích Đại Tây Dương, cá thu, cá hồi, cá mòi, cá ngừ…)
● Dầu gan cá.
● Sữa và các sản phẩm từ sữa, chẳng hạn như sữa chua, phô mai.
● Sò (sò có lượng cholesterol cao, những người mắc bệnh tim nên ăn lượng vừa phải).
● Gan bò và lòng đỏ trứng (có một lượng nhỏ vitamin D).
● Nấm, nhất là các loại nấm nút màu trắng.
Nấm nút màu trắng rất dễ tìm và rẻ. Nguồn: internet
● Nước cam bổ sung vitamin D.
● Ngũ cốc dinh dưỡng bổ sung vitamin D.
● Các chế phẩm đậu nành (thường có bổ sung cả vitamin D và canxi).
Thực phẩm bổ sung vitamin D cũng có thể làm tăng mức vitamin D. Theo tiêu chuẩn của Mỹ, lượng vitamin D được khuyến nghị hàng ngày cho cả nam lẫn nữ dưới 70 tuổi là 15 microgam (mcg), hoặc 600 đơn vị quốc tế (IU). Lượng khuyến nghị cho những người trên 70 tuổi là 20 mcg hoặc 800 IU mỗi ngày.
Các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt khác
Ung thư tuyến tiền liệt cấp độ thấp (mức độ ác tính của khối u thấp) thường phát triển rất chậm. Ở một số người, ung thư tuyến tiền liệt có thể không cần điều trị. Thay vào đó, bệnh nhân cần được "giám sát tích cực". Các quy trình giám sát tích cực khác nhau, nhưng tất cả đều bao gồm xét nghiệm máu để đo PSA thường xuyên, thường là 6 tháng một lần và sinh thiết định kỳ, thường là 1-2 năm một lần, cũng như có thể cần làm MRI tuyến tiền liệt.
Những người bị ung thư cấp độ nhẹ có thể xem xét sử dụng các thuốc điều trị thay thế và bổ sung, chẳng hạn như vitamin D. Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy bổ sung vitamin D3 có thể có lợi cho những bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu, nguy cơ thấp đang được theo dõi tích cực.
Trái lại, những bệnh nhân được bác sĩ cho theo phác đồ điều trị không nên tự ý sử dụng vitamin D để thay thế cho các phương pháp điều trị khác. Các lựa chọn điều trị tiêu chuẩn bao gồm:
● Phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt.
● Xạ trị có hoặc không có kết hợp liệu pháp hormone.
● Điều trị cục bộ.
● Liệu pháp hormone thứ cấp.
● Hóa trị liệu.
Những người đang điều trị bằng hormone (nội tiết tố) cần bổ sung vitamin D để ngăn ngừa giảm mật độ khoáng của xương.
Những ai muốn bổ sung vitamin D vào chế độ điều trị, nên thảo luận với bác sĩ trước khi áp dụng để tránh trường hợp "lợi bất cập hại".
Dự án "Thực phẩm Cộng đồng" https://thucphamcongdong.vn/ cung cấp kiến thức khoa học thường thức, chính xác, khách quan và đáng tin cậy về thực phẩm, dinh dưỡng và sức khoẻ cho người Việt với mong muốn lan tỏa tri thức, chung tay vì sức khỏe cộng đồng. Hệ thống kiến thức của Dự án được tổng hợp, biên phiên dịch và cập nhật thường xuyên từ nguồn thông tin khoa học uy tín, chuẩn xác bởi các nhà khoa học trong và ngoài nước đang làm việc trong lĩnh vực Công nghệ Thực phẩm và các ngành liên quan.
Link gốc: http://ttvn.toquoc.vn/can-benh-chi-dan-ong-mac-khong-dieu-tri-som-co-the-tu-vong-cach-giam-nguy-co-it-ton-tien-820229310226439.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.