Tưởng cúm khám ra ung thư
Anh Nguyễn Văn Tá (35 tuổi, Ninh Bình) đến khám bệnh vì triệu chứng ho, khụt khịt một bên mũi hai tháng nay chưa khỏi. Khi đi khám, anh thẫn thờ vì bác sĩ chẩn đoán nghi ngờ ung thư vòm họng.
Anh Tá kể anh thường xuyên ngạt 1 bên mũi, triệu chứng cảm cúm khụt khụt mũi, ho nhẹ, cảm giác của người bị cảm cúm. Anh Tá còn tới một phòng khám xét nghiệm cúm nhưng bác sĩ cho biết không phải cúm nên về nhà anh mua thuốc điều trị.
Gần đây, tình trạng ngạt tăng lên nên anh Tá đi kiểm tra. Khi đi khám, anh chỉ nghĩ khám cho yên tâm chứ không biết rằng ngạt mũi 1 bên là dấu hiệu cảnh báo ung thư vòm họng.
Dấu hiệu ung thư vòm họng
Trường hợp của chị Bùi Thị Trang (41 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) cũng bị ung thư vòm họng. Chị Trang chỉ phát hiện khi tình cờ đi khám bệnh vì nghĩ là mình bị cảm cúm.
Chị Trang kể chị thường xuyên bị đau họng kèm theo cảm giác miệng hôi hôi, nhất là buổi sáng khi chị đánh răng khạc mùi rất khó chịu.
Khi đi khám, bác sĩ nội soi vòm mũi họng phát hiện tổn thương sùi loét ở trong vòm mũi họng nên khuyên chị Trang nên tới các cơ sở y tế lớn để kiểm tra. Tại bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, bác sĩ soi và sinh thiết chẩn đoán ung thư vòm mũi họng.
Chị Trang cho biết chị có tiền sử bị viêm xoang nên lo lắng có thể do viêm xoang tiến triển thành ung thư vòm mũi họng. Tuy nhiên, theo bác sĩ thì viêm xoang hoàn toàn không liên quan gì tới ung thư vòm mũi họng.
Dấu hiệu ung thư vòm mũi họng
Theo PGS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bệnh viện An Việt, ung thư vòm mũi họng là ung thư vùng đầu cổ phổ biến ở Việt Nam. Trong khi ung thư vòm họng là ung thư hiếm gặp ở khu vực người da trắng thì ngược lại chủng người Châu Á lại có nguy cơ mắc ung thư vòm họng rất cao.
PGS Nguyễn Thị Hoài An
Ở khu vực Trung Quốc, Đông Nam Á ung thư vòm họng tăng cao hơn các khu vực khác có các yếu tố do gen và ăn các thực phẩm chế biến lên men, nấm mốc. Ví dụ, như sản xuất tương, mắm tôm, mắm tép, dưa cà, mắm muối… các chất từ nấm mốc sinh ra chất nitrogen đây được xem là thủ phạm gây ung thư.
PGS An cho biết, 3 triệu chứng điển hình của ung thư vòm họng đó là đau nửa đầu. Người bệnh chỉ thấy đau 1 nửa bên trái hoặc bên phải. Khi đó cần cảnh giác nếu đau hai bên đầu thì bình thường nhưng đau nửa đầu coi chừng ung thư.
Ngoài ra, ung thư vòm họng còn có hai dấu hiệu điển hình đó là người bệnh ngạt 1 bên mũi, ù 1 bên tai. Mọi triệu chứng chỉ xuất hiện ở một bên. Bệnh nhân xì ra máu mũi ở bên ngạt mũi đó. Khi xuất hiện những đốm trắng hoặc đỏ trong miệng có thể là một dấu hiệu của ung thư hoặc những thay đổi tiền ung thư.
Khu vực của các tế bào bất thường có thể có màu đỏ hoặc màu trắng. Mảng trắng được gọi là bạch sản và các đốm màu đỏ được gọi là erythroplakia. Những vùng này là không phải ung thư, nhưng nếu không được điều trị thì có thể dẫn đến ung thư.
Một mảng trắng hoặc đỏ trong miệng hoặc cổ họng không nhất thiết có nghĩa là ung thư. Nhiễm nấm cũng có thể gây ra triệu chứng này. Các mảng màu trắng của nấm thường để lại một vết loét, miếng vá màu đỏ bên dưới.
Ngoài ra, bệnh có thể có hạch ở vùng cổ. Có bệnh nhân không có ba dấu hiệu trên nhưng lại có 1 hạch to, cứng ở trên cổ. Khối u ở cổ được gây ra bởi một nút bạch huyết. Sưng một hoặc nhiều các hạch bạch huyết ở cổ có thể là một triệu chứng phổ biến của bệnh ung thư vòm họng.
Đối với người bình thường 6 tháng đến 1 năm nên soi vòm 1 lần để phát hiện sớm ung thư vòm. Nếu ung thư vòm phát hiện sớm có thể sống khỏe 20 năm được. Còn nếu phát hiện muộn thì bệnh nhân ung thư vòm mũi họng chỉ sống được từ 2 – 3 năm.
Để phòng bệnh chỉ có thể thay đổi thói quen sinh hoạt, cách thức sinh hoạt gia đình không nên ăn nhiều dưa, cà, chống hình thành nấm mốc. Các đồ ăn thừa khi ăn xong chỉ nên ăn trong thời hạn nhất định không nên kéo dài trong tủ lạnh vì để lâu sẽ sinh ra nấm mốc gây ung thư vòm.
Theo Tri Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.