Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, có tên tiếng Anh là African swine fever - ASF.
Bệnh dịch tả châu Phi khiến con heo bị đỏ da, tím tái và xuất huyết. Ảnh: OIE |
Bệnh đã xuất hiện tại nhiều quốc gia
Năm 1921, bệnh dịch tả heo châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya, châu Phi và sau đó lây lan nhanh chóng, trở thành dịch bệnh địa phương tại nhiều nước châu Phi.
Năm 1957, lần đầu tiên bệnh dịch tả lợn châu Phi được phát hiện và báo cáo tại châu Âu. Đến nay, dịch bệnh này đã xuất hiện ở nhiều nước châu Âu, trong đó có Armenia - Liên bang Nga báo cáo bệnh xuất hiện vào năm 2007 và Azerbaijan vào năm 2008; loại bệnh nguy hiểm này cũng đã được báo cáo ở các nước châu Mỹ.
Năm 2007, bệnh dịch tả heo (lợn) châu Phi được báo cáo xảy ra ở dãy núi Caucasus giữa châu Âu và châu Á tại quốc gia Georgia. Đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh địa phương ở nhiều nước trên thế giới.
Từ cuối năm 2017 đến nay, có 12 quốc gia (bao gồm: Trung Quốc, Liên bang Nga, Tiệp Khắc, Hunggari, Latvia, Moldova, Phần Lan, Rumani, Nam Phi, Ukraina và Zambia) báo cáo có Dịch tả lợn châu Phi.
Theo OIE, bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn; bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỉ lệ chết cao, lên đến 100%.
Virus có 1 serotype, nhưng phát hiện có tới 16 genotypes và nhiều chủng khác nhau có độc lực khác nhau. Virus dịch tả lợn châu Phi được tìm thấy trong máu, cơ quan, dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh và chết bởi bệnh này. Lợn sau khi khỏi bệnh sẽ ở thể mãn tính có thể mang virus suốt đời.
Virus dịch tả châu Phi gây xuất huyết ở thận con heo bị nhiễm bệnh. Ảnh: OIE |
"Siêu" virus có thể sống trong xúc xích
Theo nghiên cứu của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), ở dạng cấp tính của bệnh do các chủng có độc lực cao, con heo có thể bị sốt cao, nhưng không có triệu chứng đáng chú ý nào trong vài ngày đầu. Sau đó, heo dần dần mất đi sự thèm ăn và trở nên chán nản.
Ở những con lợn da trắng, các chi có thể chuyển sang màu xanh tím và xuất huyết trở nên rõ ràng trên tai và bụng. Các nhóm lợn bị nhiễm bệnh nằm lộn xộn cùng nhau run rẩy, thở bất thường, và đôi khi ho. Nếu buộc phải đứng, heo đứng không vững. Trong vòng vài ngày sau khi nhiễm trùng, heo sẽ bị hôn mê, sau đó chết.
Ở heo nái mang thai, sẩy thai tự phát xảy ra. Đối với heo nhiễm trùng nhẹ hơn, heo bị bệnh giảm cân, và phát triển các dấu hiệu viêm phổi, loét da và sưng khớp.
Virus gây ra bệnh dịch tả châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, lợn vẫn có khả năng mang virus trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy nếu để xảy ra bệnh sẽ rất khó để loại trừ được mầm bệnh.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), "siêu" virus này có khả năng kháng khuẩn và khử trùng. Nó tồn tại trong thời gian 2 - 4 tháng trong một cơ sở bị nhiễm bệnh và 5-6 tháng trong thịt bị nhiễm bệnh. Virus này có thể sống sót trong xúc xích hun khói hoặc một phần xúc xích và các sản phẩm thịt lợn khác. Virus có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56°C trong 70 phút hoặc ở 60°C trong 20 phút.
OIE cho biết, con người không dễ bị bệnh này.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi có thời gian ủ bệnh từ 3 - 15 ngày, ở thể cấp tính thời gian ủ bệnh chỉ từ 3-4 ngày. Loại virus này lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm virus như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm vi rút và ăn thức ăn thừa chứa thịt lợn nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn.
Bộ NN&PTNT kêu gọi giám sát đàn heo để bảo vệ chăn nuôi trước nguy cơ dịch tả heo Châu Phi nguy hiểm có thể tràn vào Việt Nam. Ảnh: I.T |
Đáng lo ngại là hiện nay, chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dịch tả châu Phi. Do đó, giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan. Các biện pháp chủ yếu như kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển lợn và chăn nuôi an toàn sinh học được nhiều nước đã và đang áp dụng.
Hóa chất để diệt virus dịch tả lợn châu Phi bao gồm ether, chloroform và hợp chất iodine hoặc sử dụng Sodium hydroxide với tỉ lệ 8/1000 hoặc formalin với tỉ lệ 3/1000, hoặc chất tẩy trắng hypochlorite chứa chlorine 2.3%, hoặc chất ortho-phenylphenol 3% nhưng phải duy trì thời gian 30 phút.
Siết chặt các ngả từ biên giới Để chủ động ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của virus dịch tả heo châu Phi vào Việt Nam, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác chống buôn lậu heo từ nước ngoài vào Việt Nam. Tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển heo và sản phấm của heo bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc qua biên giới, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới; phát hiện và kiên quyết xử lý tình trạng buôn lậu heo, sản phẩm của heo theo đúng quy định, tổ chức giám sát chặt chẽ, tăng cường kiểm dịch động vật. Bên cạnh đó, tăng cường theo dõi, giám sát đàn heo tại địa phương, nếu phát hiện đàn heo bệnh với các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh dịch tả heo Châu Phi, hoặc nghi là heo, sản phẩm heo nhập lậu trái phép thì cần lấy mẫu gửi đến Chi cục Thú y vùng quản lý địa bàn hoặc Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương để chẩn đoán, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Bộ NN&PTNT giao Cục Thú y chỉ đạo các chi cục kiểm dịch động vật vùng Lào Cai, Lạng Sơn và Quảng Ninh hướng dẫn các chi cục thú y tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý các trường hợp vận chuyển bất hợp pháp heo và các sản phẩm heo vào Việt Nam.
Theo Cục Chăn nuôi, từ đầu năm 2018 đến nay rộ lên vấn nạn buôn lậu heo từ Trung Quốc vào các tỉnh biên giới phía Bắc, do giá heo tại Việt Nam có giá cao hơn nhiều giá heo tại thị trường Trung Quốc. |
Theo danviet.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.