Thường thì mọi người đều cho rằng trẻ em luôn ở dưới quyền của cha mẹ, bởi thứ nhất cha mẹ là người sinh ra, thứ hai vì cha mẹ là người lớn nên có quyền la mắng và áp đặt lên con.
Tuy nhiên, hiện nay ở nước Anh đang xảy ra một tình trạng ngược lại, đó là bạo lực gia đình diễn ra giữa cha mẹ và con cái nhưng người "trên cơ" lại là những đứa trẻ.
Đơn cử như câu chuyện của bà mẹ Caroline Straw. Thu mình trong phòng ngủ cả đêm, tim của chị Caroline vẫn đập thình thịch vì sợ hãi.
Chị sợ hãi không phải bởi một tên trộm hay một người chồng vũ phu, mà người đe dọa chị đến nghẹt thở và tìm cách giết chị lại chính là cô con gái mà chị yêu thương nhất, Daisy (15 tuổi).
Bà mẹ lo lắng sợ hãi khi người tấn công và đe dọa giết mình lại chính là đứa con mình yêu thương nhất (Ảnh minh họa).
Theo lời bà mẹ này kể thì con gái chị là một cô bé hiền lành, ngoan ngoãn, thích làm bánh và vẽ tranh.
Chị luôn dạy con theo một chế độ nghiêm khắc với các cách ứng xử thuộc tầng lớp trung lưu. Thế nhưng 2 năm trở lại đây, Daisy dường như biến thành một người khác.
Bé gái luôn tìm cách chống lại mẹ của mình, thậm chí còn tiến hành một kế hoạch bạo hành mẹ của mình.
Chị Caroline kể: "Từ một đứa trẻ rất yêu thương mẹ, bỗng nhiên Daisy biến thành một người hở chút là động tay động chân với mẹ. Tôi đã bị đánh đến mức mắt bầm đen, rồi các vết thương bầm tím khắp cơ thể. Thật kinh khủng và đau lòng".
Nghe thì thấy câu chuyện này rất vô lý vì con cái sao dám đánh đập cha mẹ, và cho dù ở đất nước nào đi chăng nữa thì việc này cũng đều đáng bị lên án.
Song, thật đáng ngạc nhiên khi theo các số liệu báo cáo của cảnh sát Anh thì các vụ bạo lực gia đình giữa con cái đối với cha mẹ đã tăng lên 30% kể từ năm 2010.
Cụ thể là có 5.294 vụ con trai đánh đập cha mẹ, trong khi con gái là 1.598 trường hợp tính đến thời điểm năm 2019.
Bà Dame Vera Baird, Ủy viên của Ủy ban Tư pháp Cộng đồng cho biết: "Đã có một sự gia tăng đột biến nạn bạo lực ngược này".
Ông Michelle John, giám đốc của Trung tâm PEGS - một tổ chức hỗ trợ những người bị lạm dụng bởi trẻ em, chia sẻ thêm rằng hàng ngày trung tâm nhận được nhiều lời cầu cứu từ những cha mẹ tuyệt vọng.
Ông Michelle nói: "Hầu hết các cha mẹ nhờ chúng tôi giúp đỡ cho con trai của họ, chỉ có 29% là bé gái.
Điều đặc biệt là hầu như các cha mẹ đang cầu cứu đều thuộc về tầng lớp tri thức như bác sĩ hay luật sư, và con cái của họ đã sử dụng chính công việc của cha mẹ để chiếm lấy quyền kiểm soát bằng cách đe dọa hoặc vu khống cha mẹ bạo hành mình.
Trong khi đó, không có bộ luật nào quy định rõ ràng về việc xử phạt nếu trẻ đánh đập cha mẹ và hầu hết mọi người đều tin lời trẻ nói hơn là cha mẹ chúng nói".
Trở lại trường hợp của bà mẹ Caroline, chị đã từng nhờ sự hỗ trợ của xã hội khi bị con gái bạo hành, nhưng vì không có điều luật rõ ràng cho trường hợp này nên họ chỉ khuyên là hai mẹ con nên cố gắng hòa giải với nhau.
Chị Caroline còn cho biết thêm rằng Daisy bắt đầu thay đổi từ năm 13 tuổi: "Ban đầu, con chỉ bắt đầu bằng những lời chửi thề.
Sau đó, con rất hung hăng và sẵn sàng dùng dao, xoong nồi để tấn công khi tôi không phép con ra ngoài hoặc sử dụng điện thoại.
Tôi đã liên hệ với bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần để khám cho con nhưng Daisy từ chối hợp tác, vì vậy các bác sĩ cũng không thể giúp gì cho tôi.
Tôi cũng đã liên hệ bên các dịch vụ xã hội và họ nói rằng họ cũng không thể giúp được gì. Tôi cảm thấy mình bị cô lập".
Được biết, chị Caroline đã chia tay với cha của Daisy từ khi cô bé lên 4 tuổi. Sau đó, chị đã đi thêm bước nữa và có thêm 1 cậu con trai hiện nay được 8 tuổi.
Và mọi người cho rằng sự thay đổi tính nết của Daisy là do bị ảnh hưởng bởi những trận đánh mà chị Caroline đã phải chịu đựng khi sống cùng bố của Daisy.
Trong một cuộc họp với các dịch vụ xã hội vào tháng 7/2019, Daisy đã bình tĩnh tuyên bố rằng mình đã nghiên cứu cách giết mẹ mình chỉ trong vài giây.
Đó là sẽ làm cho mẹ bị nghẹt thở. "Thật ớn lạnh khi nghe con nói muốn giết mình", bà mẹ đau khổ nói.
Hiện tại, Daisy đã được đưa đến trại cải tạo vị thanh viên vào mùa hè năm ngoái. Từ đó đến nay, chị đều đặn đến thăm con hàng tuần và gọi facetime hàng ngày. "Tôi yêu con nhưng tôi không thể cho con về nhà vì rủi ro với tôi quá lớn".
Những đứa trẻ vị thanh niên không ngại xô đẩy, thậm chí là đánh đấm vào mẹ của mình (Ảnh minh họa).
Sau khi câu chuyện của chị Caroline được chia sẻ rộng rãi thì đã có rất nhiều các ông bố bà mẹ khác đã dũng cảm đứng lên nói về chuyện của gia đình mình.
Một bà mẹ có tên là Miranda Rogers đã nói: "Nói ra chắc mọi người không tin nhưng tôi đã bị con trai Tristan, hiện nay đã 16 tuổi, bạo hành từ cách đây 7 năm.
Khi đó, con tôi mới có 9 tuổi. Tôi đã từng tự hỏi rằng điều gì đã khiến cho con thay đổi và phải hét lên rằng "Con ghét Mẹ".
Chị Miranda còn kể thêm rằng lần đầu tiên Tristan đánh mẹ là khi chị thấy cậu bé đang đánh em trai 5 tuổi của mình nên lao vào can ngăn, và cậu bé đã đấm thẳng vào miệng mẹ: "Tôi đã bị sốc nặng đến nỗi tôi đưa hai đứa con út vào phòng ngủ và ngồi khóc một mình rất lâu trong đó.
Sau đó, Tristan có vào xin lỗi tôi và tôi đã tha thứ cho con. Nhưng tôi không nghĩ rằng đó mới chỉ là sự bắt đầu".
Càng lớn, Tristan càng lấn át mẹ mỗi khi mẹ làm hoặc bắt ép bé trai làm điều gì đó mà con không thích.
Ngoài việc đập phá đồ đạc, đứa trẻ còn gây ra các vết bầm tím trên cơ thể mẹ bằng cách xô đẩy cho mẹ bị ngã. "Tôi lo lắng rằng con tôi có thể sẽ giết mẹ khi lớn lên", bà mẹ đau đớn chia sẻ.
Tương tự như vậy, chị Catherine Slater cũng đang đau đầu và đau lòng vì đứa con trai 10 tuổi, Richard, của mình.
Con chị đã thường xuyên gây hấn và xung đột với mẹ khi chị không cho phép con chơi những trò chơi game mang tính bạo lực trên máy tính. Thậm chí, vào lễ Giáng sinh năm 2019, Richard đã đấm gãy mũi của mẹ. Thế nhưng, cậu bé không chịu nhận lỗi về mình mà đổ thừa là do mẹ là cậu tức giận.
Có một điều đặc biệt trong tất cả các vụ con cái bạo hành là trẻ luôn chọn mẹ làm đối tượng để trút giận, trong khi các ông bố luôn ở trong trạng thái an toàn.
Đồng thời, trẻ cư xử tốt, hòa nhã, lịch thiệp với tất cả mọi người, ngoại trừ mẹ. Cũng không biết nguyên nhân chính xác của sự thiên lệch này nhưng theo các nhà tâm lý có thể trẻ quan tâm đến mẹ nhất nên muốn hành hạ mẹ nhiều nhất.
Còn bác sĩ Sue Armstrong Brown – Giám đốc điều hành của một tổ chức từ thiện, nhận định: "Có thể trẻ đã chứng kiến cách các người lớn khác cư xử hung hăng hoặc đây là hành động giúp trẻ cảm thấy mình được an toàn hoặc thể hiện được cái uy của mình".
Để nuôi dạy một đứa trẻ nên người cần cả một ngôi làng vì đó là môi trường sống – một trong những yếu tố quan trọng hình thành nên nhân cách của trẻ.
Do đó, khi thấy con đột nhiên thay đổi tính nết, cha mẹ hãy bình tĩnh ngồi xuống tìm cách nói chuyện với con ngay từ mọi chuyện mới bắt đầu.
Việc này giúp cha mẹ hiểu con đang gặp phải vấn đề khó khăn gì, hãy hỗ trợ con tìm cách giải quyết và đừng bao giờ ép buộc con phải nghe theo ý kiến chủ quan của mình mà bỏ qua và không tôn trọng những suy nghĩ của trẻ.
Link báo gốc: http://nhipsongviet.toquoc.vn/canh-bao-nan-bao-hanh-nguoc-ba-me-phai-tron-trong-phong-khong-dam-ngu-ca-dem-vi-con-gai-tuoi-teen-tim-cach-de-doa-2220204773433562.htm
Theo Trí Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.