Cảnh giác viêm phổi, viêm màng não - não do bệnh sởi biến chứng

Gần đây, trên địa bàn TP. Hà Nội ghi nhận nhiều ca mắc bệnh sởi, nguy cơ lây lan thành dịch là rất có thể. Đặc biệt biến chứng của bệnh sởi có thể gây viêm phổi, viêm não - màng não rất nặng, thậm chí tử vong. Vì vậy, cần làm gì để ngăn chặn dịch sởi bùng phát và biến chứng?

Bệnh sởi do virut sởi gây nên. Đây là loại virut có sức chịu đựng yếu, dễ bị tiêu diệt bởi các thuốc sát khuẩn thông thường hoặc ánh sáng mặt trời…

Virut sởi tồn tại ở họng và máu bệnh nhân từ cuối thời kì ủ bệnh đến sau khi phát ban một thời gian ngắn. Bệnh rất dễ lây, thường gặp ở trẻ em bởi hết kháng thể chống sởi do mẹ truyền, nhất là trẻ chưa được tiêm vắc-xin phòng sởi.

Bệnh sởi lây qua đường hô hấp, lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện do virut có trong các giọt nước bọt nhỏ li ti bắn ra không khí. Trẻ chưa có kháng thể chống sởi sẽ dễ dàng bị lây nhiễm bệnh sởi khi hít phải các hạt nước bọt này.

Trẻ cũng có thể nhiễm sởi nếu như để tay tiếp xúc với sàn nhà, đồ chơi, khăn mặt, quần áo… nhiễm virut sởi, từ đó đưa tay lên miệng hoặc mũi làm lây nhiễm virut.

Những trẻ mắc bệnh sởi có khả năng lây bệnh cho trẻ khác từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên cho đến thời điểm 4 ngày sau khi vết ban đầu tiên xuất hiện.

Cảnh giác viêm phổi, viêm màng não - não do bệnh sởi biến chứng - Ảnh 1.

Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh sởi hữu hiệu nhất.

Nhận biết bệnh sởi

Khoảng 10 - 12 ngày sau khi tiếp xúc với virut sởi, trẻ bắt đầu có các triệu chứng lâm sàng xuất hiện. Bệnh khởi phát là sốt đột ngột trên 38oC, mắt ướt, nhiều ghèn làm cho mắt bị kèm nhèm, viêm đường hô hấp trên (chảy mũi nước, ho) và có thể bị rối loạn tiêu hoá (tiêu chảy).

Đặc biệt khi bệnh toàn phát, sốt rất cao có khi thân nhiệt lên tới 39 - 40oC, thể trạng li bì, mệt mỏi nhiều, sau đó ban sởi xuất hiện đầu tiên ở vùng da sau tai rồi lan ra mặt, mắt, cổ, thân mình và tứ chi trong vòng từ 1 đến 2 ngày.

Khi hết sốt, ban sởi bắt đầu mất dần (sởi bay) và sau khi sởi bay có để lại các nốt thâm trên da trong một thời gian làm cho da bị loang lỗ trông giống da hổ. Các ban của sởi mất dần theo tuần tự, tức là nơi nào xuất hiện trước thì ban bay trước (sau tai, mặt).

Biến chứng do bệnh sởi

Ngay sau khi mắc sởi sức đề kháng của trẻ giảm một cách đáng kể cho nên rất dễ bị biến chứng bởi sự tấn công của vi khuẩn bội nhiễm hoặc virut khác không phải virut sởi.

Biến chứng hay gặp nhất là gây viêm thanh quản, viêm phế quản, đặc biệt là viêm phổi từ mức độ nhẹ đến nặng và có thể gây tử vong nếu không cấp cứu kịp thời, nhất là khi trẻ dưới 1 tuổi. Một số có thể bị biến chứng viêm não - màng não cực kỳ nguy hiểm.

Ngoài ra, bệnh sởi cũng có thể gây biến chứng viêm tai, viêm xoang, viêm răng lợi (nguy hiểm nhất là gây nên bệnh cam tẩu mã), viêm loét giác mạc mắt. Đối với phụ nữ mang thai, nếu mắc sởi có thể dẫn đến sẩy thai, đẻ non.

Cần làm gì để ngăn chặn bệnh sởi bùng phát và gây biến chứng?

Trước tiên các bậc phụ huynh cần đưa trẻ trong diện được tiêm chủng đến trung tâm y tế hoặc trạm y tế xã, phường để được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi.

Tiêm vắc -xin phòng sởi nhằm mục đích tạo miễn dịch cho trẻ được tiêm, đồng thời tạo miễn dịch bền vững để khi trẻ trưởng thành đến tuổi sinh đẻ (đối với trẻ em gái) có đủ miễn dịch truyền cho con.

Cần lưu ý, những trẻ nào đã bỏ sót hoặc quên tiêm phòng sởi khi đã đến tuổi tiêm phòng sởi, phụ huynh cần cho trẻ đến trạm y tế xã, phường liên hệ để được tiêm phòng càng sớm càng tốt.

Tại gia đình có trẻ bị sởi, không cho trẻ tiếp xúc với trẻ lành. Trẻ bị sởi phải nghỉ học để tránh lây lan cho trẻ khác trong lớp học hoặc các lớp học khác trong trường.

Cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với trẻ bệnh sởi và người nghi bị sởi (nếu trẻ lớn cũng cần đeo khẩu trang để hạn chế mầm bệnh lây sang người khác).

Các nhà trẻ, cơ sở nuôi dạy trẻ (đặc biệt cơ sở đã có trẻ bị sởi) hàng ngày cần rửa tay sạch bằng xà phòng cho trẻ.

Cần vệ sinh sàn nhà, dụng cụ đồ chơi bằng cách lau chùi bằng xà phòng hoặc thuốc sát khuẩn do cán bộ y tế xã, phường hướng dẫn tỷ lệ pha dung dịch sát khuẩn để lau sàn nhà, dụng cụ đồ chơi của trẻ.

Lời khuyên của thầy thuốc

Trẻ mắc sởi nhẹ có thể chăm sóc tại gia đình (khi đã có ý kiến của bác sĩ khám bệnh cho phép) nhưng phải theo dõi thật cẩn thận dưới sự hướng dẫn và chỉ định điều trị của bác sĩ khám, chữa bệnh cho trẻ, các phụ huynh không được chủ quan.

Cần theo dõi nhiệt độ của trẻ hàng ngày (dùng nhiệt kế). Cần cho trẻ ăn nhẹ, đủ chất, thức ăn dễ tiêu, giàu vitaminA (súp cà rốt…). Cần cho trẻ uống nhiều nước (dung dịch oresol, nước ép trái cây).

Khi thấy trẻ sốt trở lại hoặc có các dấu hiệu bất thường cần cho trẻ đi bệnh viện ngay. Hàng ngày có thể tắm, rửa cho trẻ bằng nước ấm, sạch trong buồng tắm kín gió.

Cần tắm nhanh, sau đó được lau khô người bằng khăn tắm sạch, nhanh chóng mặc quần áo sạch cho trẻ. Trẻ bị bệnh sởi cần được nằm, chăm sóc ở buồng tránh gió lùa (đề phòng trẻ bị lạnh gây biến chứng).

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang