Cộng đồng mạng ủng hộ gia đình Nhật Linh xin 50.000 chữ ký
Những ngày vừa qua, trên mạng xã hội facebook lan truyền rất nhiều thông tin về việc gia đình bé gái Lê Thị Nhật Linh đang tích cực xin chữ ký để gửi đến cơ quan chức năng Nhật Bản với mong mỏi kẻ thủ ác phải bị nghiêm trị. Theo tờ Thời đại, chị Nguyễn Thị Nguyên, mẹ bé gái người Việt bị sát hại ở Nhật, cho biết, cảnh sát Nhật Bản đã hoàn tất hồ sơ và chuyển sang viện kiểm sát. Hung thủ đã bị khởi tố và tống giam nhưng vẫn một mực chối tội và giữ quyền im lặng gây kéo dài vụ án.
Điều khiến gia đình nạn nhân vô cùng hoang mang là Viện kiểm sát của Nhật Bản vẫn chưa có câu trả lời với gia đình khi nào thì vụ án sẽ đưa ra xét xử. Vì vậy, gia đình bé đã kêu gọi mọi người cùng kí để cơ quan chức năng Nhật Bản thấy được sự nghiêm trọng của vụ án này.
Bố mẹ bé Nhật Linh đang nỗ lực kêu gọi chữ ký của người dân tại Việt Nam cũng như tại Nhật Bản - Ảnh: Internet
Theo thông tin được đăng tải trên báo Tuổi trẻ, để hỗ trợ cho gia đình bé Nhật Linh, nhiều trang fanpage đăng tải thông tin trên và vận động mọi người cùng ký tên. Thông tin này nhanh chóng được hưởng ứng và nhận được nhiều chia sẻ từ cộng đồng mạng. Bài viết trên trang "Thanh xuân tuổi trẻ nồng nhiệt thời gian phai mờ" nhận được hơn 54.000 lượt thích và 30.000 lượt chia sẻ chỉ sau chưa đầy 12 giờ.
Tại TP.HCM, người dùng Facebook Vũ Yến Nhi nhắn nhủ: "Các bạn nào muốn ký tên nhưng không có thời gian đi in thì từ 8h đến 14h ngày 2-2 tại công viên Hoàng Văn Thụ (TP.HCM), mình sẽ ở đó đợi để đưa giấy và hướng dẫn các bạn ký. Bạn nào có thể qua được thì inbox cho mình để lấy số điện thoại nhé. Cảm ơn".
Các địa điểm tiếp nhận chữ ký để gửi tới gia đình bé Nhật Linh cũng xuất hiện tại nhiều cửa hàng thời trang, studio ảnh, quán cafe... ở Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng...
Những luồng dư luận trái chiều
Tuy nhiên cũng xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh sự việc. Số đông ủng hộ gia đình Nhật Linh thu thập chữ ký để sớm tìm ra tiếng nói công lý cho bé gái xấu số. Bên cạnh đó cũng xuất hiện ý kiến phản đối.
Một người dùng Facebook viết: "Mình sẽ không ký, không tham gia vào phong trào này. Vì mình không ủng hộ án tử hình".
"Với gia đình em Linh, mình hoàn toàn tôn trọng và chia sẻ nỗi đau quá lớn mà họ đã phải trải qua. Họ không làm sai điều gì về mặt pháp luật, vì pháp luật Nhật (theo những thông tin mình có được đến thời điểm này) cho phép hoạt động thu thập chữ ký để đệ lên tòa án trong quá trình xét xử. Với những người đã chia sẻ, ký tên, ủng hộ gia đình, nếu hiểu rõ mục đích của gia đình em, mình cũng không có ý kiến gì, đó là quam điểm cá nhân của họ. Mình chỉ mong với tất cả những người tham gia ký tên khác, họ thực sự hiểu được họ đang ủng hộ cho điều gì, vì quyết định của họ có ảnh hưởng đến một mạng người chứ không đơn giản là hai chữ "công lý" mà họ vẫn dùng", người này chia sẻ thêm.
Chỉ trong một thời gian ngắn, status này đã có hơn 4 ngàn lượt chia sẻ và có tới 2.8 ngàn lượt thể hiện cảm xúc tức giận.
Một trong những ý kiến không đồng tình với việc xin chữ ký của gia đình bé Nhật Linh.
Nguyên nhân quá trình xét xử vụ Nhật Linh bị kéo dài
Theo thông tin trên tờ Thời đại, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết: "Việc cha mẹ của nạn nhân xin chữ ký của những người dân để kêu gọi tử hình hung thủ không phải là một thủ tục bắt buộc theo pháp luật Nhật Bản nhưng hành động này sẽ tác động đến tâm lý của giới chức ở đây trong việc giải quyết vụ việc, đồng thời sẽ có thêm thông tin, có thể tìm thêm manh mối để buộc tội hung thủ".
Đối với dư luận Nhật Bản mà nói, đây không phải trường hợp đầu tiên mà nghi phạm của một vụ án nghiêm trọng kiên quyết giữ quyền im lặng.
Vào năm 2007, cảnh sát Nhật Bản phát hiện một phần thi thể của nữ giáo viên người Anh tên Nova Lindsay Hawker (22 tuổi) trong bồn tắm chứa đầy cát trên ban công của nghi phạm Tatsuya Ichihashi. Phải tới hơn 2 năm sau, cảnh sát mới phát hiện và bắt giữ được Ichihashi.
Thông tin từ trang Helino cho biết, vào thời điểm hiện tại, gia đình Nhật Linh đang đi thu thập chữ ký với mong muốn kẻ thủ ác Yasumasa sẽ bị kết án với khung hình phạt cao nhất trong hệ thống pháp luật của Nhật Bản. Theo số liệu từ tổ chức ân xá thế giới, từ năm 2007-2012, có 108 trường hợp bị tử hình tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, một số người đang hiểu sai về việc xin chữ ký để đẩy nhanh quá trình xét xử của tòa án. Theo pháp luật tố tụng hình sự của Nhật Bản, tòa án không có thủ tục quyết định đưa ra xét xử một vụ án mà chỉ đưa ra xét xử khi viện kiểm soát truy tố bị cáo.
Phóng viên thường trú của VTV tại Nhật Bản đưa tin hôm 1/2 vừa rồi: "Bản thu thập chữ kí mà gia đình cháu bé Nhật Linh đang tiến hành, về pháp luật Nhật Bản thì không có giá trị pháp lý, đồng thời cũng không có tác dụng đẩy nhanh tiến trình xét xử. Vụ việc xét xử là căn cứ trên các bằng chứng phạm tội của nghi phạm.
Tuy nhiên, bản thu thập chữ kí này có thể có ý nghĩa một khi nghi can chính thức bị kết tội và toà án bắt đầu xem xét bản án cho kẻ sát nhân. Khi đó, Toà án sẽ đánh giá nhiều yếu tố như mức độ tác động xã hội, mức độ man rợ của vụ việc, xem đây là các tình tiết tăng nặng để quyết định khép kẻ phạm tội vào khung tử hình hay chỉ ngồi tù giam".
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.