Cầu sắt ở Sài Gòn sập do ôtô quá tải 12 tấn cố chạy qua

Dù được cảnh báo nhưng tài xế xe tải chở đá nặng 15 tấn vẫn chạy qua cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè, tải trọng 3,5 tấn) khiến cầu sập.

Có mặt tại hiện trường rạng sáng 20/1, ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở Giao thông Vân tải (GTVT) TP HCM cho biết, bước đầu cơ quan chức năng xác định cầu sắt Long Kiểng sập do ôtô vượt tải trọng 12 tấn cố qua cầu.

Tài xế Nguyễn Thanh Lâm (30 tuổi, ngụ Đồng Nai) lái xe ben chở đá xây dựng nặng 15 tấn đến cầu Long Kiểng chỉ có tải trọng 3,5 tấn lúc gần 22h đêm qua. Dù người trực cầu nhắc nhở, nhưng tài xế phớt lờ, cố cho xe vượt qua. Khi đến giữa cầu, các lan can rung lắc mạnh rồi bất ngờ đổ sập xuống sông, kéo theo cả xe ben.

"Khi xe rơi, tài xế thoát được ra ngoài, bị xây xát nhẹ. Anh ta cho biết chỉ đi một mình, đang làm việc với công an", ông Cường nói.

Ông Bùi Xuân Cường tại hiện trường vụ sập cầu. Ảnh: Duy Trần

Tại hiện trường còn có một xe máy nằm trên nhịp cầu sập. Chiếc xe được xác định của anh Đinh Hoàng Lực (35 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè), đi phía sau ôtô tải nên bị tụt xuống khu vực bị sập. Anh Lực may mắn bám được vào lan can nên thoát nạn.

"Đề phòng còn người dân khác rơi xuống sông giữa khuya không ai biết, cảnh sát cứu hộ đã lặn tìm nhiều giờ. Hiện có thể xác định không có thiệt hại về người", ông Cường cho hay.

Theo lãnh đạo Sở GTVT, các sự cố xảy ra trước đây ở những cây cầu sắt thường do sà lan chạy dưới sông đâm va vào trụ cầu. Tình trạng này được khắc phục thì xảy ra tình trạng xe vượt tải trọng cố tình chạy qua, gây sập cầu.

Hiện, các cơ quan chức năng thống nhất sẽ tháo dỡ các nhịp bị sập để thay thế mới. Việc này nhằm đảm bảo việc đi lại của người dân thông suốt trong quá trình chờ cầu mới được xây theo đề án.

"Chúng tôi sẽ làm ngày làm đêm để sớm khắc phục, thông xe trước Tết. Cầu cũng sẽ đảm bảo chất lượng để bà con lưu thông an toàn trong nhiều năm, đợi cầu Long Kiểng mới hoàn thành", ông Cường khẳng định.

Cảnh sát tìm kiếm quanh hiện trường cầu sập. Ảnh: Duy Trần

Lực lượng chức năng sẽ phân luồng giao thông theo lộ trình qua đường Phạm Hữu Lầu, Nguyễn Bình… Việc này sẽ khiến người dân phải đi vòng xa hơn nhưng sẽ không ảnh hưởng nhiều, không khu vực nào bị cô lập.

"Chúng tôi sẽ tăng cường hướng dẫn, phân luồng cho người dân từ Long An về TP HCM hoặc ngược lại đi về thuận tiện. Ngoài ra, Sở sẽ chỉ đạo rà soát lại tất cả các cầu sắt trên tuyến đường này như trực gác, gắn camera giám sát, duy tu, bảo dưỡng... để không xảy ra sự cố tương tự", ông Cường khẳng định.

Tiến độ xây dựng 4 cầu mới Rạch Đỉa, Rạch Dơi, Rạch Tôm và Long Kiểng trên đường Lê Văn Lương đã được phê duyệt. Tuy nhiên, do khó khăn trong bố trí quỹ đất nên thay vì xây cầu bằng hình thức đối tác - công tư sẽ chuyển sang đầu tư bằng ngân sách nhà nước. Riêng cầu Long Kiển mới, dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ hoàn thành.

Tài xế Nguyễn Thanh Lâm đang bị Công an huyện Nhà Bè tạm giữ, làm rõ vi phạm.

Nhịp cầu Long Kiển bị sập xuống sông. Ảnh: Việt Anh

Cầu Long Kiểng bằng sắt dài 105 m, rộng 3 m nằm trên đường Lê Văn Lương, nối hai xã Phước Kiểng và Nhơn Đức (Nhà Bè).

Là một trong 4 cầu sắt xuống cấp trên cùng tuyến đường ở TP HCM, hồi tháng 9/2015 cầu này từng bị sà lan chở cát đâm khiến gầm cầu hư hỏng, bị phong tỏa một thời gian. Sự cố khiến người dân ở xã Nhơn Đức và huyện Cần Giuộc (Long An) phải đi đường vòng xuống đường Nguyễn Bình rồi qua Nguyễn Hữu Thọ để lên trung tâm TP HCM, xa hơn 3-4 km.

Người dân khu vực Nhà Bè cho biết, bốn cây cầu sắt trên đường Lê Văn Lương rất yếu, việc di chuyển qua lại khó khăn. Mỗi khi qua lại, các cây cầu rung lên bần bật.

Dự kiến cầu Long Kiểng được xây mới từ năm 2018, với kinh phí 436 tỷ đồng nhưng chưa thể thực hiện.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang