Nhắc đến trẻ em là người ta nghĩ ngay đến ồn ào, quậy phá, nghịch ngợm, và mọi hành vi của trẻ đều được người lớn gom gọn vào một câu giải thích: "Trẻ con nó thế đấy".
Tuy nhiên, với tư cách là cha mẹ, các bậc phụ huynh nên quan tâm hơn đến tâm lý và hành vi của con mình. Bởi đôi khi có những hành động cứ tưởng là bình thường, nhưng thật ra bên trong nội tâm của trẻ đang nổi bão tố. Cụ thể là 7 hành vi sau đây:
1. Phản ứng thái quá
Tiến sĩ Jerry Bubrick, một nhà tâm lý học trẻ em làm việc tại Viện Tâm trí Trẻ em Hoa Kỳ, cho biết hành vi gây rối ở trẻ dưới 10 tuổi có thể được tạo ra bởi sự lo lắng mà bản thân trẻ không nhận ra hoặc không thừa nhận. Và phản ứng thái quá là cách để trẻ thể hiện những cảm xúc tiềm ẩn đó.
Sự khó chịu trong các mối quan hệ xã hội đã khiến trẻ mất kiểm soát trong nhiều tình huống, dẫn đến hành vi gây rối như cãi nhau, đánh nhau. Vì vậy, nếu cha mẹ thấy con mình thường xung bùng nổ trong tức giận, hay gây gổ đánh nhau thì nên đưa con đến gặp bác sĩ tâm lý. Họ sẽ giúp trẻ hiểu được cảm xúc của bản thân và cách xử lý những cảm xúc đó.
2. Liên tục tức giận
Tức giận là một trạng thái tâm lý bình thường ở trẻ em. Nhưng thường xuyên và dễ dàng tức giận lại là dấu hiệu cảnh báo cho thấy trẻ đang quá lo lắng, áp lực hoặc bị mắc hội chứng tăng động giảm chú ý (ADHD). Một nhà tâm lý có thể dễ dàng xác định nguồn gốc của cơn giận dữ trong trẻ, từ đó, họ sẽ đưa ra các giải pháp cụ thể cho từng trường hợp cụ thể.
3. Thường xuyên buồn bã
Cha mẹ nên quan tâm hỏi han khi thấy con có vẻ buồn, và hãy cũng con giải quyết những vấn đề rắc rối mà con đang gặp phải. Một đứa trẻ không thể nói chuyện với cha mẹ hoặc không tìm thấy sự bình yên trong chính ngôi nhà của mình, cần phải đến thăm bác sĩ tâm lý. Bởi nếu những nỗi buồn đó không được giải quyết, nó sẽ trở thành nỗi ám ảnh trong tâm trí. Về lâu dài dẫn đến bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), khiến trẻ trải qua những ám ảnh không cần thiết như nỗi sợ hãi.
4. Học lực giảm rõ rệt
Học lực của con đột nhiên bị "tuột dốc" cũng là một vấn đề mà cha mẹ cần lưu tâm. Bởi đôi khi không phải vì trẻ không học tốt, mà là do tâm lý của trẻ không ổn định do lo lắng như bị bắt nạt chẳng hạn.
Trước tiên, cha mẹ cần gặp giáo viên để hỏi rõ tình hình của con, sau đó, mới tìm cách giải quyết vấn đề.
5. Thích ở một mình
Thỉnh thoảng, mỗi đứa trẻ đều cần có một khoảng thời gian ở một mình, trong im lặng, không có nhiều người xung quanh. Nhưng nếu trẻ hướng nội tới mức không muốn giao tiếp với ai, không chơi với bạn bè, mà chỉ thích ru rú trong phòng hoặc chơi một mình thì cha mẹ cần phải xem lại.
Có thể là con thuộc tuýp người ít nói, song, cha mẹ vẫn nên liên hệ với giáo viên để hỏi về kỹ năng xã hội của con trong lớp như cách giao tiếp với thầy cô, bạn bè, con có tham gia các hoạt động của trường lớp hay không… Trong trường hợp con vẫn thu mình thì cha mẹ cần đưa con đi khám tâm lý.
6. Không có khả năng tập trung
Trên thực tế, có rất nhiều đứa trẻ thích mơ mộng, không tập trung khi làm việc gì đó. Nhưng nếu các bé vẫn xoay sở để làm bài tập đúng giờ hoặc hoàn thành các việc mà cha mẹ giao, thì cha mẹ không cần lo lắng. Cha mẹ chỉ nên đưa con khi khám bác sĩ khi mức độ tập trung giảm đi rõ rệt đến mức trẻ không thể ngồi yên, dễ bị phân tâm và không tập trung làm việc gì cả.
7. Khó ngủ hoặc mất ngủ
Giấc ngủ rất quan trọng trong sự phát triển thể chất và trí não của trẻ em. Do đó, cha mẹ cần thiết lập một giờ đi ngủ cố định để con có thói quen ngủ lành mạnh. Tuy nhiên, khi có vấn đề về tâm lý như lo lắng, căng thẳng, sợ hãi sẽ khiến trẻ khó ngủ, mất ngủ hoặc ngủ không sâu, khiến cơ thể mệt mỏi và kiệt sức.
Và bác sĩ tâm lý sẽ là người giúp trẻ giải tỏa những áp lực mà con đang phải chịu đựng. Thế nên, cha mẹ hãy đưa con đi khám ngay khi thấy con thay đổi về giấc ngủ.
Nguồn: Brightside
Link bài gốc: http://helino.ttvn.vn/helino/cha-me-can-luu-tam-va-dua-con-di-gap-bac-si-tam-ly-neu-thay-tre-co-nhung-bieu-hien-sau-22202030115553147.htm
Theo Helino
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.