Đồng thời, đặt ra giới hạn cũng như quy tắc để trẻ hiểu, không phải lúc nào cha mẹ cũng có thể đồng ý với con.
Đáp ứng mọi yêu cầu của con
Không ít phụ huynh có xu hướng “dễ dãi” trước mọi lời đề nghị cũng như yêu cầu của con mình. Những người này có xu hướng rất yêu thương trẻ, nhưng hiếm khi đưa ra hướng dẫn và quy tắc cho các con. Cha mẹ như vậy không mong đợi hành vi chín chắn ở con, có vẻ giống một người bạn của trẻ hơn là phụ huynh.
Thay vì theo sát mọi hành động của con, những phụ huynh này cực kỳ “lỏng lẻo” và hiếm khi đưa ra hoặc thực thi bất kỳ loại quy tắc nào. Phương châm của họ thường chỉ đơn giản là “trẻ em là trẻ em”. Đó là lý do mà các hành động đưa ra đáp ứng hầu hết mọi yêu cầu của trẻ.
Họ cũng ít hoặc không cố gắng kiểm soát hay kỷ luật con mình. Song, vì có ít quy tắc, kỳ vọng và yêu cầu nên trẻ em được nuôi dưỡng bởi những cha mẹ như vậy có xu hướng gặp khó khăn trong việc tự điều chỉnh và tự chủ.
Dựa trên nghiên cứu với trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo, nhà tâm lý học phát triển người Mỹ Diana Baumrind đã mô tả ba phong cách nuôi dạy con chính. Trong những năm sau đó, các nhà nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu các phong cách nuôi dạy con khác nhau. Họ bổ sung thêm phong cách nuôi dạy con thứ tư.
Với những phụ huynh không có chính kiến, quá dễ dàng với trẻ, họ thường đưa ra tương đối ít yêu cầu đối với con. Bởi, những cha mẹ này có kỳ vọng thấp về khả năng tự chủ và sự trưởng thành nên hiếm khi đưa ra kỷ luật.
Các chuyên gia cho biết, đặc điểm của những phụ huynh này là thường nuôi dưỡng và yêu thương con, luôn hỏi ý kiến của trẻ về những quyết định quan trọng. Họ đồng thời nhấn mạnh sự tự do của con hơn là trách nhiệm, có ít quy tắc hoặc tiêu chuẩn hành vi.
Thậm chí, các quy tắc họ đặt ra đều không nhất quán. Những cha mẹ này sẵn sàng sử dụng đồ chơi, quà tặng và đồ ăn như đồ “hối lộ” để khiến trẻ cư xử đúng mực. Do phụ huynh không có chính kiến trong việc nuôi dạy, nên trẻ hiếm khi phải tuân theo quy định, hoặc chịu hậu quả trong trường hợp mắc lỗi.
Các nhà nghiên cứu phát hiện, cách nuôi dạy con quá thoải mái của cha mẹ có thể dẫn đến một số kết quả tiêu cực, như trẻ có xu hướng thiếu kỷ luật tự giác, kỹ năng xã hội kém; có thể ích kỷ và đòi hỏi cao, cũng như cảm thấy bất an do thiếu ranh giới và sự hướng dẫn.
Nghiên cứu cũng cho thấy, những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi cha mẹ quá thoải mái có xu hướng thể hiện thành tích thấp trong nhiều lĩnh vực. Lý do là vì cha mẹ ít hoặc không kỳ vọng gì, nên những đứa trẻ này không phấn đấu.
Các nghiên cứu đã liên kết việc nuôi dạy con dễ dãi với thành tích học tập thấp hơn ở trẻ. Bởi, cha mẹ không đặt ra hoặc thực thi bất kỳ loại quy tắc hay hướng dẫn nào. Do đó, những đứa trẻ này gặp khó khăn trong việc học các kỹ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định tốt. Trẻ có thể dễ phạm pháp và sử dụng chất gây nghiện hơn.
Một số nghiên cứu cho thấy, trẻ em được nuôi dưỡng bởi cha mẹ quá thoải mái có nhiều khả năng có hành vi sai trái và sử dụng rượu hoặc chất gây nghiện.
Trẻ cũng có xu hướng thể hiện sự hung hăng hơn và ít hiểu biết về cảm xúc hơn. Bởi, chúng không học cách giải quyết cảm xúc của mình một cách hiệu quả, đặc biệt trong những tình huống mà chúng không đạt được điều mình muốn. Khi đó, những đứa trẻ có thể gặp khó khăn khi phải đối mặt với những tình huống căng thẳng hoặc khó khăn về mặt cảm xúc.
Trẻ đồng thời không thể quản lý thời gian hoặc thói quen của mình. Vì thiếu quy tắc trong nhà, những đứa trẻ này không bao giờ học được những giới hạn. Điều này có thể dẫn đến việc xem quá nhiều tivi, chơi quá nhiều trò chơi trên máy tính và ăn quá nhiều. Điều này có thể dẫn đến những thói quen không lành mạnh và béo phì.
Cách nuôi dạy con quá thoải mái liên quan đến việc thiếu yêu cầu và kỳ vọng. Những đứa trẻ này có xu hướng lớn lên mà không có ý thức kỷ luật tự giác mạnh mẽ. Các em có thể ngỗ ngược hơn ở trường do không có ranh giới trong nhà và có thể ít có động lực học tập hơn nhiều bạn cùng lứa.
Vì cha mẹ có ít yêu cầu về hành vi trưởng thành, nên trẻ có thể thiếu kỹ năng trong môi trường xã hội. Mặc dù, họ có thể giỏi giao tiếp giữa các cá nhân, nhưng lại thiếu những kỹ năng quan trọng khác như chia sẻ. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, các yếu tố văn hóa đóng một vai trò quan trọng trong ảnh hưởng của phong cách nuôi dạy con.
Lý do khiến cha mẹ thiếu chính kiến
Trẻ em sinh ra không được hướng dẫn cá nhân hóa. Mỗi đứa trẻ đều khác nhau và cha mẹ sẽ cần tìm ra cách nuôi dạy con phù hợp.
Các chuyên gia đã nêu những nguyên nhân khiến nhiều phụ huynh làm theo mọi thứ con muốn, thay vì đưa ra chính kiến của mình. Trước hết, phụ huynh muốn con được hạnh phúc. Nhu cầu luôn làm hài lòng con của cha mẹ có thể dẫn đến việc họ làm những việc mà trẻ có thể và nên tự làm.
Việc muốn làm cho một đứa trẻ cảm thấy vui vẻ và hài lòng có thể tạo ra một cha mẹ bảo vệ quá mức và vô tình làm quá nhiều để ngăn cản con mình có những trải nghiệm tiêu cực. Song, lý do được cho là dễ hiểu khi không ai muốn thấy con mình đau khổ hoặc bị bỏ rơi. Vì vậy, cha mẹ có thể đóng vai trò là người che chở và chiều chuộng trẻ.
Hơn nữa, thay vì giao những trách nhiệm phù hợp với lứa tuổi cho con, một người mẹ hoặc người cha có thể đảm nhận mọi công việc nhà, hoàn thành các dự án ở trường còn dang dở và giao tận tay những bài tập về nhà bị bỏ quên. Về cơ bản, họ thường nỗ lực trong việc khiến trẻ cảm thấy hài lòng, thoải mái và vô tư.
Một lý do phổ biến khác mà cha mẹ đồng ý làm theo mọi thứ con muốn là để ngăn chặn xung đột. Hầu hết trẻ em không muốn dọn giường, cất đồ đạc và làm bài tập về nhà đúng thời hạn. Trẻ cần được động viên, khuyến khích và kỷ luật.
Tuy nhiên, cha mẹ có thể sẵn sàng bỏ qua những hành vi chưa đúng mực của trẻ. Thật không may, hành vi này lại khiến trẻ ngày càng ỷ lại và thiếu chủ động. Cha mẹ cũng có thể cảm thấy không thoải mái khi chứng kiến con mình gặp khó khăn trong một tình huống nào đó, nên họ phải can thiệp để giải quyết vấn đề.
Theo các chuyên gia, thay vì không có chính kiến trước mọi việc trẻ làm, phụ huynh cần nói ra quan điểm của mình. Đồng thời, đặt ra những quy định và hậu quả trong trường hợp trẻ vi phạm.
Điều quan trọng là cha mẹ cần xây dựng thời gian để trẻ tự làm mọi việc. Nếu cha mẹ cảm thấy mình phải làm mọi thứ (đánh răng cho con, mặc quần áo, soạn sách vở...) để ra khỏi cửa kịp thời, hãy tạo thêm một chút khoảng trống trong lịch trình. Từ đó, trẻ sẽ có thể xoay xở những việc cần làm này.
Thời gian đầu, trẻ có thể cảm thấy bực bội khi phải vật lộn với thời gian. Song, về lâu dài, cách làm này sẽ giúp trẻ trở thành những người có năng lực hơn.
Phụ huynh cũng cần để con thử mọi thứ. Đồng thời, giúp trẻ quản lý cảm xúc của chính mình. Phụ huynh thường làm mọi việc cho con để chúng không cảm thấy bị từ chối hay đau đớn về mặt tinh thần. Tuy nhiên, việc cố gắng che chắn con khỏi toàn bộ cảm xúc của cuộc sống có thể khiến trẻ không chuẩn bị cho những thất vọng và thử thách nhất định mà cuộc sống có thể xảy đến.
Nếu phụ huynh gặp khó khăn trong việc khiến con mình lắng nghe, hãy thử một cách tiếp cận mới. Cần phải thực hành để thay đổi cách nói chuyện với con. Theo thời gian, cha mẹ sẽ quen với việc đưa ra những mệnh lệnh hiệu quả hơn.
Điều quan trọng là chuẩn bị cho con bước vào thế giới thực. Bởi, khi trưởng thành, ở môi trường công sở, trẻ sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu không đáp ứng những gì được mong đợi. Phụ huynh cũng hãy để con lắng nghe khi cha mẹ nêu quan điểm.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.