"Không có người lớn hoàn hảo. Và bất cứ đứa trẻ nào cũng phải vấp ngã, thất bại để trưởng thành. Tuy nhiên tổn thương đến mức biến dạng não bộ không bao giờ là cần thiết đối với quá trình lớn lên của trẻ". Đó là một trong những lời tựa in trên bìa cuốn sách "Cha mẹ độc hại" của tác giả Tomoda Akemi, giáo sư tại Trung tâm Phát triển Tâm thần Trẻ em, Đại học Fukui.
Có một sự thật là rất nhiều phụ huynh từng mắng mỏ, chê trách con thậm tệ. "Tại sao bài kiểm tra này chỉ được có 5 điểm", "Tại sao đi học thêm Tiếng Anh ở trung tâm tốn cả triệu bạc mà điểm thi vẫn không khá hơn?", "Sao bạn con lúc nào cũng ngoan ngoãn, nghe lời mà con lại bướng thế?",... Trong cơn nóng giận không kiềm chế được cảm xúc, nhiều người còn vung tay, cho con vài bạt tai. Thậm chí là những trận đòn nặng nề hơn nhiều.
Nhân danh cha mẹ, chúng ta "buông" ra nhiều lời phũ phàng với con cái vì mục đích... khích lệ con - một kiểu "giương đông, kích tây" cũ rích mà ai cũng nghĩ là hiệu quả! Nhân danh cha mẹ, chúng ta "vô tư" đánh con vì "thương cho roi, cho vọt",... đủ mọi lý do ta lấy ra để biện minh cho hành động của mình.
Nhưng cuốn sách "Cha mẹ độc hại" của Tomoda Akemi sẽ khiến nhiều bậc cha mẹ phải thức tỉnh. Hóa ra, bao lâu nay không ít người lớn đang "ngược đãi" con trẻ và những hành động đó không chỉ tổn thương trái tim mà còn khiến não bộ con... biến dạng!
Ngược đãi trẻ em - Chuyện diễn ra hàng ngày
Cuốn sách "Cha mẹ độc hại" gồm tổng cộng 6 chương, nói về thực trạng của việc "ngược đãi trẻ em" trong gia đình, những tổn thương não bộ mà trẻ gặp phải, khả năng điều trị và làm thế nào để xây dựng sự gắn bó, hàn gắn mối quan hệ cha mẹ - con cái.
Trong chương 2 của cuốn sách, Giáo sư Tomada Akemi đã kể về một trường hợp bệnh nhân từng đến phòng khám của mình. Đó là em bé A., 9 tháng tuổi, có ánh mắt vô hồn, không hứng thú với điều gì.
"Ngay cả khi chúng tôi thử gọi tên, bé cũng không nhìn lại. 9 tháng là thời điểm trẻ rất hứng thú với thế giới xung quanh, phát triển tính tò mò. Chúng có thể mừng rỡ cười đùa khi thấy một chút gì đó thú vị và cũng có thể khóc ré lên khi gặp người lạ.
Có thể nói đây là thời kỳ trẻ bắt đầu bộc lộ hỉ nộ ái ố một cách rõ ràng. Thế nhưng A. lại không như vậy. Đứa trẻ này không giao tiếp bằng ánh mắt với bất kỳ ai, ngay cả khi người lớn cố gắng gọi tên hay dùng đồ chơi để gây sự chú ý. Ngoài ra, bé cũng không ngồi được như trước. Đây là hiện tượng hồi quy, hay còn gọi là "trở lại làm trẻ sơ sinh", Tomoda Akemi viết.
Sau một quá trình tìm hiểu, Tomoda Akemi biết được mẹ của A. đang phải điều trị trầm cảm. Trong thời gian này, bé được bà ngoại chăm sóc - một người đang chịu ảnh hưởng của chứng rối loạn tiền mãn kinh và thường xuyên la mắng, đe dọa xúc phạm con gái và đứa cháu nhỏ.
A. không bị tác động về mặt thể xác nhưng lại bị hành hạ về mặt tinh thần!
Hành động của bà A. là biểu hiện của "ngược đãi" (abuse). Cuốn sách của Tomoda Akemi đề cập đến 4 dạng "ngược đãi" trẻ em, đó là: Bạo hành thể xác (physical abuse); Lạm dụng tình dục (sexual abuse); Bỏ mặc (neglect); Bạo hành tinh thần (emotional abuse).
Nếu "bạo hành thể xác" và "bạo hành tinh thần" thì nhiều người đã rõ, nhưng còn "bỏ mặc" và "lạm dụng tình dục" thì thế nào? Tomoda Akemi cho biết, "bỏ mặc" được hiểu là "bỏ mặc không chăm sóc trẻ", như không cho trẻ ăn uống cẩn thận, không cho mặc tã, không cho đi vệ sinh, bỏ lại trẻ trong nhà hoặc xe hơi trong một thời gian dài,...
Còn "lạm dụng tình dục", nhiều người sẽ liên tưởng đến các hành vi như đụng chạm cơ thể hoặc ép quan hệ tình dục. Nhưng "lạm dụng tình dục" không chỉ có vậy. Nó bao gồm cả những hành vi không tiếp xúc cơ thể như cho xem nội dung khiêu dâm hoặc chụp ảnh khỏa thân. Ngoài ra việc cho trẻ xem mình thực hiện hành vi giao cấu cũng bị cho là lạm dụng tình dục trẻ em.
Trong cuốn sách "Cha mẹ độc hại", Tomoda Akemi đã chia sẻ rất nhiều câu chuyện có thật thông qua trải nghiệm công việc của mình. Có nhiều câu chuyện khiến phụ huynh phải lặng người, ngẫm nghĩ lại những hành động của bản thân với con.
"Cha mẹ nào cũng từng ngược đãi con cái. Đối với hầu hết các bậc cha mẹ, nuôi dạy con cái là trải nghiệm lần đầu. Họ phải lặp đi lặp lại các cuộc thử nghiệm và phạm sai lầm để học cách giao tiếp và yêu thương con mình.
Tôi cho rằng không có người cha người mẹ nào chưa từng có hành vi ngược đãi với con mình, cho dù đó là người cẩn trọng hay dày dạn kinh nghiệm nuôi trẻ đi nữa", Tomoda Akemi nhận định.
Tổn thương não bộ và những hệ lụy
Trong cuốn sách của mình, nữ Giáo sư người Nhật đã chỉ ra những hệ lụy khôn lường khi cha mẹ "ngược đãi" con trẻ.
Chấn thương tâm lý cản trợ sự phát triển hoàn thiện về mặt tâm lý xã hội, ngay cả khi đã lớn, những người từng bị ngược đãi vẫn là "đứa trẻ bị tổn thương". Nhiều người cho rằng, những ký ức gây chấn thương tâm lý có thể bị xóa bỏ nếu trái tim tổn thương được điều trị và lập trình lại. Nhưng sự thật chẳng như mơ.
Kết quả nghiên cứu bằng phương pháp chẩn đoán hình chụp cắt lớp não bộ cho thấy: Ngược đãi gây tổn thương vĩnh viễn cho cấu trúc của hệ thần kinh và chức năng của não bộ vốn chưa phát triển hoàn thiện. Không quá lời khi nói tổn thương do ngược đãi gây ra khiến bộ não ngừng phát triển. Kết quả là não bộ chịu chấn thương nghiêm trọng. Nguyên nhân là do yếu tố về mặt sinh học.
Với cương vị là giáo sư tại Trung tâm Phát triển Tâm thần Trẻ em, Đại học Fukui, Tom0da Akemi đã giải thích cho các bậc cha mẹ những tổn thương mang tính sinh học do ngược đãi gây ra và ảnh hưởng của nó đến cuộc đời con trẻ.
Đó là "teo vùng não trước trán" - kết quả của những trận đòn roi; "teo vùng thị giác" do bị lạm dụng tình dục; "vùng thính giác phì đại" - tổn thương do bạo lực lời nói hay "teo vùng thị giác" do chứng kiến bạo lực gia đình, hay "ảnh hưởng của rối loạn gắn bó đến hệ thống khen thưởng",...
Với mỗi khía cạnh, Tomoda Akemi đều cho độc giả nhìn thấy những hình ảnh minh chứng, những câu chuyện thật là các bệnh nhân mà chính bà hoặc các đồng nghiệp từng thăm khám. Đó là câu chuyện về cô bé G. có dấu hiệu đa nhân cách, thường dùng dao rọc giấy cứa vào bắp tay trái cho đến khi chảy máu, nữ sinh H. không thể giao tiếp bằng ánh mắt với bạn bè. Là cậu bé I. có nhiều hành vi bất thường như chĩa dao rọc giấy về phía bạn cùng lớp, phát ra tiếng hét chói tai, hay nói những ngôn từ bạo lực,... Nguyên nhân gây ra tất cả những hành động của G., H., I. đều là do bị cha mẹ làm tổn thương tinh thần.
Không ít phụ huynh từng lặng người khi nhìn bức ảnh chụp so sánh sự khác biệt giữa "não người bình thường" và "não người bị ngược đãi", hay hình ảnh chụp bộ não với vùng thị giác bị teo nhỏ,... Hóa ra, những hành động "ngược đãi" làm tổn thương con trẻ đến thế!
Vậy phải làm thế nào để tạo ra một lộ trình hồi phục cho não bộ bị tổn thương? Đó chính là những gì Tomoda Akemi đề cập đến trong phần sau của cuốn sách.
Trong vỏn vẹn 6 chương sách, Tomoda Akemi đã đưa các bậc cha mẹ đến nhiều cung bậc cảm xúc. Từ ngạc nhiên, ngỡ ngàng khi nhận thức ra các hành động ngược đãi, đến bàng hoàng trước hệ lụy đáng sợ mà ngược đãi để lại cho trẻ. Với phần "tin tưởng khả năng phục hồi não bộ của trẻ", "xây dựng sự gắn bó - điều cần thiết cho quá trình phát triển khỏe mạnh của trẻ" và "thoát khỏi ngược đãi", phụ huynh được chỉ đường, dẫn lối để thoát khỏi những sai lầm và học cách xây dựng một chặng đường nuôi dạy con khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần.
Sau cùng, Tomoda Akemi gửi gắm thông điệp đến không chỉ các bậc cha mẹ mà còn cả xã hội. "Thoát khỏi môi trường ngược đãi chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Điều một đứa trẻ cần có chính là môi trường để chúng có thể trưởng thành với cảm giác an toàn. Người có thể làm điều đó cho trẻ không ai khác chính là người lớn chúng ta.
Xã hội được hình thành từ vô số các mối quan hệ tuy bé nhỏ nhưng vô cùng quý giá giữa người lớn và trẻ nhỏ. Khi không thể xây dựng tình cảm gắn bó, các mối quan hệ rạn nứt, đứa trẻ và cả người lớn cũng sẽ rơi vào cảnh ngộ bất hạnh.
Để "cứu" các mối quan hệ như vậy, cần nỗ lực cải thiện các vấn đề giữa cha mẹ - con cái trên quy mô toàn xã hội", Tomoda Akemi nhắn nhủ.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.