Khi con đến tuổi đi học mầm non, gia đình chị Thương (TP.HCM) đứng giữa một vấn đề khá... đau đầu: Cho con đi học trường công, trường tư song ngữ bình thường hay trường quốc tế? Chuyện chọn trường từ trước tới nay vốn dĩ đủ ý kiến trái chiều, tranh luận mãi vẫn chưa có câu trả lời. Ngay trong phạm vi gia đình, chị Thương và ông xã ngay từ đầu cũng có những ý kiến bất đồng.
Là người chú trọng giáo dục sớm, chị Thương muốn cho con học trường quốc tế để con có môi trường tốt hơn, đỡ áp lực học tập, phù hợp với định hướng sau này đi du học. Chồng chị Thương đồng tình với quan điểm này, tuy nhiên anh cũng lo chuyện kinh tế không quá dư dả, hơn hết con còn nhỏ, đường học còn dài, đầu tư vậy 1-2 năm không có tiền thì lấy đâu ra để tiếp tục học. Anh không muốn con đang ở môi trường quốc tế lại bị "sốc văn hóa" vì chuyển sang trường thường...
Trước ý kiến của chồng, chị Thương cũng suy nghĩ mãi.
Chị Thương là giáo viên tiếng Anh tự do, chồng là giảng viên đại học. Hai anh chị chưa có nhà riêng, trước ở nhà ông bà, sau ra ngoài thuê riêng để tiện việc kinh doanh. Biết rằng lựa chọn đưa ra thật khó khăn, cho con đi học trường quốc tế là gia đình chấp nhận phải dè sẻn chi tiêu, hy sinh bớt những nhu cầu, hưởng thụ.
Thế nhưng xác định ngay từ đầu tư tưởng phải đủ mạnh, cuối cùng hai vợ chồng cũng đi đến thống nhất. Bé Toufu (khi đó 20 tháng tuổi) bắt đầu những ngày đầu tiên đến lớp. Nhưng phải đến lần chuyển trường thứ hai bé mới tìm được ngôi trường như mong muốn.
Trường thứ nhất: Con trở nên mè nheo, bám mẹ, có dấu hiệu loạn ngữ
Trước khi đi học, Toufu vốn là một cô bé vui vẻ, hoà đồng và nhanh nhẹn. Vợ chồng chị Thương nghĩ chắc con sẽ sớm hoà nhập, nhưng từ khi con biết mình đi học, mỗi ngày con phải xa ba mẹ và đến trường sinh hoạt cùng thầy cô và các bạn, tính nết con thay đổi hoàn toàn. Con trở nên mè nheo, bám mẹ, tính tình nóng nảy hơn, sợ người lạ hơn.
"Tất cả những vấn đề này vẫn chưa làm gia đình mình thay đổi nơi học cho con mãi đến khi con mình bị tiêu chảy 2 lần từ khi học ở trường cũ, con tự nhiên có dấu hiệu bị loạn ngữ kiểu nói nửa Việt nửa Anh như màu brown, màu blue... Gia đình mình nghĩ hay là môi trường này không hợp với con? Bao giờ con mình sẽ hoà nhập được? Bao giờ con mới vui vẻ chào ba mẹ để vào lớp? Làm gì để giúp con?", chị Thương kể.
Quyết định cho con nghỉ học ở trường song ngữ, sau quá trình tìm hiểu kĩ hơn, chị Thương tìm được cho con một trường quốc tế đơn ngữ ở quận Bình Thạnh. Học phí trường cũ khoảng 13 triệu/tháng, trường mới có tổng chi phí học và tiền ăn cũng 20 triệu/tháng.
Mức phí chênh lệch khá nhiều nhưng chị Thương quyết định cho con theo học bởi ngoài cơ sở vật chất, chương trình học thì còn có những lý do: Bếp ăn của trường là bếp ăn tiêu chuẩn hàng đầu tại TP.HCM (vợ chồng chị vào xem thấy rất là thích); Học 100% tiếng Anh nguyên bản qua các môn học, các bé chị Thương đã gặp trong trường dù học hệ song ngữ nhưng đã nói tiếng Anh rất tự nhiên, chú trọng chương trình kỹ năng sống...
"Gia đình mình kinh tế không khá giả gì lắm nên việc đóng học phí hằng năm vài trăm triệu không phải chuyện dễ dàng gì. Tuy nhiên, nhờ trường hỗ trợ tìm cách chia nhỏ cách đóng học phí thành nhiều đợt nên không quá áp lực", chị Thương nói.
Ăn tết Tây xong là con bắt đầu qua ngôi trường mới. Khi Toufu gần 2,5 tuổi đã có thể cầm sách lên nhìn hình và đọc được một số con vật, đồ vật; hát nhuần nhuyễn nhiều bài hát tiếng Anh; biết chào những câu cơ bản; biết sử dụng đúng tình huống mấy câu "It's yummy; It's hot...
"Kết quả sau thời gian ngắn học ở đây là ngoài mong đợi và đặc biệt sau 1 tuần học ở đây con mình bớt khóc hơn hẳn, tính cách của Toufu đã trở lại vui vẻ và hoạt bát như xưa. Hai vợ chồng vui nhất là mỗi khi đưa con đến trường, con tự chào và nói "goodbye Mommy; goodbye Daddy"; see you later... rất vui vẻ.
Đặc biệt con rất yêu lớp học. Đi từ xa ngoài cổng, nhìn thấy cô Janet hay cô Suri là con đã nhảy chân sáo cho nhanh đến cửa đi vào lớp; con biết nhìn bảng và tự đọc tên trường, nhắc được hầu hết tên tất cả các cô trong trường...".
Từng bị soi mói: Giáo viên tiếng Anh mà không tự dạy con
Là giáo viên tiếng Anh, chị Thương từng nghe không ít lời ra tiếng vào về việc không dạy con mà phải tốn tiền cho đi học trường quốc tế. Tuy nhiên, bỏ qua những kỳ thị, bà mẹ này cho rằng: "Quan điểm của mình, không phải bụt chùa nhà không thiêng hay bản thân không tự tin vì mình vẫn dạy con từ nhỏ, bé nhận biết rất nhiều thứ, cả về ngôn ngữ lẫn kiến thức thường thức. Đơn giản, mình cho con học trường quốc tế không chỉ vì ngoại ngữ mà là để thế giới của con rộng mở hơn.
Ngoài cơ sở vật chất, chương trình học thì giao lưu với nhiều bạn bè quốc tế là một cách khiến con tự tin. Con được rèn luyện nhiều kỹ năng mềm, đa dạng hoạt động ngoại khóa, rèn luyện tư duy, phát triển toàn diện thể chất, tinh thần".
Thay vì chọn mua nhà hay dành tiền bạc để hưởng thụ nhiều hơn, chị Thương chọn mức sống vừa đủ để phục vụ mục đích đầu tư giáo dục cho con ngay từ khi còn nhỏ. Cha mẹ cho con nền tảng về tri thức. Đó là điều bền vững.
"Ngay từ khi con 13 tháng tuổi, mình quyết định thay đổi công việc để có thể ở nhà với con nhiều hơn. Mình nghĩ mỗi người một quan điểm sống, một định hướng. Với bạn có thể học phí cho con học quá đắt, không cần thiết, với người khác nó lại là sự đầu tư chính đáng. Việc tiêu tiền không có đúng hay sai, thông minh hay chưa thông minh mà quan trọng nhất là phù hợp với hoàn cảnh sống và định hướng của mỗi người", chị Thương chia sẻ.
Nói về việc liệu có lo lắng một khi kinh tế xáo trộn có thể ảnh hưởng đến việc học của con, chị Thương cho rằng Tofu dù học quốc tế, nhà mới 1 con và nhà nội mới 1 cháu nhưng hai vợ chồng rất chú ý uốn nắn con.
"Con không phải đứa trẻ sinh ra để được hưởng thụ chăm sóc như cục vàng... Nếu lỡ gia đình rơi vào khó khăn, buộc con phải đổi môi trường thì cũng không có vấn đề. Chẳng hạn tình cảnh hiện tại cũng đang khó khăn hơn trước vì bản thân mình công việc đang phải ngưng lại nhưng rất may công việc của ông xã mình tốt hơn, nếu ba mẹ không ăn xài, không dành tiền mua nhà thì mình vẫn có thể lo cho bé tốt được".
Nhiều người lo con học trường quốc tế đơn ngữ sẽ yếu tiếng Việt. Tuy nhiên theo quan điểm của chị Thương, ba mẹ là người Việt, con sống ở Việt Nam từ nhỏ thì không lo gì con thua thiệt về tiếng mẹ đẻ, chỉ sợ ba mẹ mải lo theo đuổi đam mê bỏ bê không tâm sự, giao tiếp cùng con mà thôi.
Trong cuộc sống hàng ngày, chị Thương cũng luôn chú ý dạy con nói tiếng Việt thật tốt, đọc thật nhiều sách và dạy con học ngoại ngữ... Hai vợ chồng chị cũng "nói không" với thiết bị điện tử để dành thời gian cho Toufu tham gia các hoạt động thể chất và giải trí ngoài trời.
https://afamily.vn/chap-nhan-o-nha-thue-de-cho-con-hoc-truong-quoc-te-ba-me-tphcm-bi-soi-moi-giao-vien-tieng-anh-ma-khong-tu-day-con-va-cau-tra-loi-bat-ngo-20220307135442188.chn
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.